Làm rõ vai trò của Thái sư Lưu Cơ với kinh thành Thăng Long hơn 1.000 năm trước
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:40, 17/05/2022
Thái sư Lưu Cơ (năm 940-1013) là một trong những khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp, thống nhất 12 sứ quân, góp công lớn trong việc xây dựng, bảo vệ kinh đô mới vào thế kỷ X. Ông cũng là một trong tứ trụ triều đình, giúp Đinh Tiên Hoàng điều hành, quản lý, ổn định xã hội, được nhà vua tin dùng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lưu Cơ được giao chức Thái sư Đô hộ phủ, cai quản toàn bộ Giao Châu, đóng đại bản doanh ở Phủ Đô hộ cũ, tức thành Đại La - phần đất trọng yếu và nhiều tiềm năng kinh tế nhất của nước Đại Cồ Việt đương thời. Ông làm quan đến gần 70 tuổi thì cáo lão về quê nhà và qua đời ở tuổi 73.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á Nguyễn Việt nhận định, nhờ công lớn trong việc thống nhất đất nước, giúp Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và cũng nhờ uy phong, công đức của bản thân ông với các vùng “kho người, vựa của” quanh La thành Đô hộ phủ, mà Nhà Đinh đã đặt ông lên hàng Thái sư, giao trọng trách trông coi Đô hộ phủ toàn quyền quyết định mọi việc. Với vai trò này, Lưu Cơ đã để lại nhiều thành tựu cho vùng đất La thành, nền móng của Kinh thành Thăng Long về sau.
“Trên phương diện khảo cổ học, chúng tôi nhận thấy có một sự bùng nổ các cảng thị (chợ bến sông) ở toàn lãnh thổ Đại Cồ Việt thế kỷ X. Điều này cho thấy có liên quan đến chính sách phát triển kinh tế của Đô hộ phủ Thái sư Lưu Cơ mà ảnh xạ có thể nhận thấy như hiện tượng đưa làng Bồ Bát từ Bạch Liên (Yên Mô, Ninh Bình) ra phát triển thành vùng gốm sứ Đại Việt sớm: Bát Tràng - Xuân Lan. Dân làng Bát Tràng vẫn nhớ về quê hương Bồ Bát phát tích của mình, đã thờ Đại Vương Lưu Thiên tử là một trong số Thành Hoàng làng Bát Tràng”, ông Nguyễn Việt nhấn mạnh.
Làm rõ hơn vai trò của Lưu Cơ đối với kinh đô Thăng Long, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình (nguyên Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: Lưu Cơ có đóng góp to lớn trong việc cải tạo, xây dựng thành Đại La trở nên một tòa thành của nước Đại Cồ Việt độc lập trong 40 năm cai quản (971-1010). Điều này đã tạo điều kiện nhiều mặt cho cuộc dời đô của Lý Thái Tổ được thực hiện thuận lợi chỉ trong thời gian ngắn.
“Khi Lý Công Uẩn về Thăng Long, gần như tòa thành đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một triều đình mới. Vua và triều đình đã có thể sử dụng tòa thành ngay khi từ Hoa Lư ra, để bắt đầu công cuộc nâng cấp, xây mới một Hoàng thành Đại Việt chính thức. Vì thế, có thể nói một cách văn hoa rằng: Người đã trao chìa khóa và "sổ đỏ" tòa thành Đại La cho Lý Công Uẩn chính là Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ”, ông Trương Quốc Bình nêu.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thái sư Lưu Cơ
Với 18 báo cáo khoa học, Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ” đã góp phần làm rõ vai trò lịch sử của Thái sư Lưu cơ với sự kiện thống nhất đất nước, những đóng góp của ông đối với các triều đại Đinh, Tiền Lê và giai đoạn đầu thời Lý. Trên cơ sở nhận thức giá trị những đóng góp lịch sử của Đô hộ phủ Thái sư Lưu Cơ, một số báo cáo khoa học, nhiều nhà khoa học, chuyên gia văn hóa đã đề xuất những hành động cụ thể để tôn vinh, phát huy giá trị, như: Khôi phục, tu bổ di tích liên quan đến Thái sư Lưu Cơ; tăng cường nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử về vai trò, vị trí của Lưu Cơ đối với các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý; đặt tên trường, đường phố, giải thưởng...
Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long Hà Nội Nguyễn Thị Dơn, những tư liệu lịch sử về Thái sư Lưu Cơ được các báo cáo tại Hội thảo này góp phần tổng hợp và khẳng định những đóng góp của Thái sư Lưu Cơ trong sự nghiệp thống nhất đất nước, chuẩn bị mọi tiền đề cho công cuộc dời đô ra Thăng Long của Lý Thái Tổ.
“Những cứ liệu lịch sử về ông cần được tiếp tục bổ sung, đóng góp nguồn tư liệu quý cho việc trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề giai đoạn lịch sử tiền Thăng Long của Bảo tàng Hà Nội, của Hoàng thành Thăng Long và trong tương lai. Hiện nay, phần trưng bày này đang còn rất sơ lược, chủ yếu tập trung vào trưng bày di vật khảo cổ học... Ông cũng xứng đáng được đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội. Điều này nhằm nhắc nhở thế hệ sau tìm hiểu, ghi nhớ công ơn của các vị tiền bối, để các danh nhân lịch sử sống mãi trong tâm thức của đất Kinh Kỳ, kẻ Chợ, nơi tụ hội danh tài 4 phương suốt hơn 1.000 năm qua”, bà Nguyễn Thị Dơn đề xuất.