Xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ của giáo dục nghề nghiệp

Tin tức - Ngày đăng : 11:37, 25/12/2019

Trên thế giới hiện nay, chuẩn đầu ra được sử dụng ngày càng phổ biến trong việc phát triển các khung trình độ và hệ thống trình độ quốc gia, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn nghề, hướng nghiệp và tư vấn nghề. Mục đích chính sử dụng chuẩn đầu ra nhằm gắn kết tốt hơn giáo dục đào tạo với thị trường lao động và việc làm.

Xây dựng chuẩn đầu ra cho các trình độ của giáo dục nghề nghiệp

Ảnh minh họa

Cơ sở pháp lý

Khung Tham chiếu Trình độ ASEAN (AQRF) đã sử dụng chuẩn đầu ra như một cách tiếp cận đơn nhất để các nước thành viên có thể tham chiếu trình độ trong nội khối. Tại Việt Nam, theo Khung trình độ quốc gia, chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng đã và đang được xây dựng, ban hành, tạo cơ sở để thực hiện phát triển chương trình, nhất là các chương trình đào tạo nhân lực tay nghề cao.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 34 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Về bản chất, quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp phản ánh đầy đủ về nội hàm của chuẩn đầu ra theo cách gọi của nhiều nước trên thế giới. Do vậy, một cách gọi khác về “quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp” theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp đó là Chuẩn đầu ra.

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam thì “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu liên quan để triển khai xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc giáo dục nghề nghiệp”;

Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành danh mục các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; danh mục ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu. Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp (sau đây gọi chung là chuẩn đầu ra) cho từng ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề trọng điểm quốc gia; ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; ngành, nghề do cơ quan quản lý nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Để triển khai xây dựng chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20-4-2017.

Năm 2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức xây dựng được 160 quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Nội dung chuẩn đầu ra theo từng ngành, nghề đào tạo

Căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu chuyên môn của từng ngành, nghề đào tạo, trên cơ sở thực tiễn đào tạo, điều kiện đặc thù của vùng miền và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để bảo đảm chuẩn đầu ra có tính khoa học, thực tiễn và thực hiện được trên thực tế. Chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo bao gồm các nội dung sau: 1) Giới thiệu chung về ngành, nghề; 2) Kiến thức; 3) Kỹ năng; 4) Mức độ tự chủ và trách nhiệm; 5) Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; 6) Khả năng học tập, nâng cao trình độ.

Xây dựng chuẩn đầu ra nhằm hướng đến công khai với xã hội, người học và người sử dụng lao động biết được về chuẩn năng lực nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, loại hình công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp mỗi cấp trình độ theo từng ngành, nghề đào tạo. Đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đây sẽ là cơ sở để các trường xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo từng ngành, nghề đào tạo. Xây dựng chuẩn đầu ra cũng tạo ra  sự linh hoạt và trách nhiệm hơn đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp; làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả học tập của người học, đặc biệt là xác định và đánh giá những gì người học thể hiện được.

Thêm vào đó, việc xây dựng chuẩn đầu ra còn giúp cho việc tổ chức, thiết kế toàn bộ trình độ giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và sự liên thông giữa các bậc đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học trong khung trình độ quốc gia. Đồng thời, việc xây dựng chuẩn đầu ra còn là cơ sở đánh giá và chứng nhận chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.

https://vietnamhoinhap.vn/article/xay-dung-chuan-dau-ra-cho-cac-trinh-do-cua-giao-duc-nghe-nghiep---n-25228

VNHN