Ký ức chiến tranh
Truyện - Ngày đăng : 14:28, 28/12/2019
Ngày ấy chúng tôi đã lấy máu của mình viết quyết tâm thư, xin gia nhập quân đội, xung phong vào chiến trường, chiến đấu giải phóng miền Nam. Những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân, chúng tôi đã hiến dâng cho Tổ quốc.
Tác giả (áo trắng đứng thứ 3 từ trái sang) chụp cùng đồng đội.
Ngày ấy chúng tôi đã lấy máu của mình viết quyết tâm thư, xin gia nhập quân đội, xung phong vào chiến trường, chiến đấu giải phóng miền Nam. Những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân, chúng tôi đã hiến dâng cho Tổ quốc.
Năm 1970 ở chiến trường Quảng Trị, nơi ấy từng được mệnh danh là cái cối xay thịt, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Bởi nó nằm trên vĩ tuyến lửa của sự tranh chấp, một mất một còn giữa ta và địch. Trước khi vào chiến trường chúng tôi được huấn luyện bộ binh, sử dụng thành thạo một số vũ khí quân dụng như: Súng trường, súng AK, súng ngắn K54, K59 và máy móc thông tin để trực tổng đài. Sau những tháng huấn luyện, chúng tôi bí mật hành quân vào Quảng Trị nhận nhiệm vụ. Mười người trong đó có tôi, được biên chế về tăng cường cho đại đội thông tin của binh trạm 27. Đây là một binh trạm có đa binh chủng gồm: 3 tiểu đoàn xe là: D57, D58, D62; hai đơn vị công binh là D61 và E98, một đại đội thông tin, một tiểu đoàn pháo cao xạ, một bệnh xá quân y, một binh trạm bộ do Trung tá Nguyễn Ngọc Dẫn làm binh trạm trưởng. Ngày ấy, không quân Mỹ chủ yếu đánh vào ban đêm. Còn ban ngày, chúng cho máy bay do thám VO-10 đi trinh sát mục tiêu để đánh dấu tọa độ. Đêm, chúng đưa các loại máy bay chiến đấu đến bắn phá. Đầu tiên chúng thả pháo sáng để nhận biết mục tiêu, tiếp theo là quân chiêu hồi ở trên máy bay cầm loa phóng thanh chõ xuống, dùng lời lẽ dụ dỗ, để gây tâm lý chiến. Chúng tự nhận là: “Chính nghĩa quốc gia”, để kêu gọi quân ta phản chiến, sau đó hứa hẹn rằng: nếu quân ta đầu hàng, chúng sẽ cho cuộc sống giàu sang, đi du học ở Mỹ, còn được cấp nhà lầu xe hơi ở Sài Gòn.
Tiểu đoàn pháo cao xạ của ta được lệnh nhằm thẳng vào máy bay chiêu hồi của địch bắn hạ. Trong nháy mắt, hàng đoàn máy bay chiến đấu các loại của địch kéo đến, bâu đen cả bầu trời để dội bom. Lực lượng AC 30 bắn đạn rốc két trúng kho đạn Q4, Q5 của ta. Từ tổng đài A9 cạnh đồi 500, chúng tôi khẩn trương báo cáo về cho ban chỉ huy binh trạm. Thủ trưởng Nguyễn Ngọc Dẫn lệnh cho chúng tôi tạm thời di chuyển máy móc tổng đài lánh tạm vào hang núi để bảo vệ khí tài và bảo toàn lực lượng, chỉ để lại tiểu đoàn pháo cao xạ ở đồi 500 chiến đấu với quân thù. Cả khu rừng trước mặt chúng tôi đang xanh tươi là thế, vậy mà chỉ trong chốc lát đã bị bom phát quang làm cho tan nát, tiếp theo chúng dội bom na pan khiến rừng xanh bốc cháy ngùn ngụt, sau đó hàng loạt bom bi được rải xuống. Kết thúc là chúng rải chất độc hóa học. Âm mưu hủy diệt hoàn toàn sự sống của rừng Trường Sơn. Sau đó chúng kéo đi, để lại bãi chiến trường tan nát ngổn ngang, giữa khu rừng Trường Sơn mênh mông. Nhưng, không phải chỉ có thế, chúng đoán được sau khi chúng bỏ đi rồi, thế nào quân ta cũng rời nơi trú ẩn để đi cứu các kho hàng đang bị cháy, nên chỉ một lúc sau chúng lại quay trở lại đánh vu hồi. Chúng cày xới trận địa pháo cao xạ ở đồi 500 cạnh tổng đài chúng tôi đến nát bươm.
Trong rừng già các đoàn xe của ta vẫn bí mật di chuyển bằng đèn ngầm, để đưa vũ khí và lương thực tiếp viện cho bộ binh chiến đấu. Từng đoàn xe zin 30 và gát 57 cứ lặng lẽ nối đuôi nhau tiến sâu vào phía trong, nhiều xe trúng mảnh đạn bay mất kính, biến thành xe không kính. Bởi thế, bài thơ “Xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả hình ảnh rõ nét địch cứ đánh và ta cứ đi.
Sau trận này, tổng đài A9 của chúng tôi đã bị lộ. Ban chỉ huy binh trạm lệnh cho tổng đài chúng tôi chuyển đi nơi khác, cách chỗ cũ chừng 10km đường chim bay. Tôi và chị Linh quê Hải Phòng, cùng 3 người nữa mới ở miền Bắc vào tăng cường, phải khẩn trương triển khai đường dây mới. Chị Linh hơn tôi 5 tuổi, vào chiến trường trước tôi 3 năm. Chị có cái duyên mặn mà của người con gái thành phố hoa phượng đỏ. Đôi mắt chị lúc nào cũng tinh nghịch và đen lay láy. Mới 24 tuổi chị đã được vinh danh là dũng sĩ diệt Mỹ, hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 1973, chị được bầu là Chiến sĩ quyết thắng. Vậy mà ngày đất nước toàn thắng chị không còn. Vào một đêm tối trời, đường dây điện thoại của chúng tôi bị thám báo phá hoại. Tôi và chị Linh đi nối lại, bỗng một mảnh bom phát quang bay lạc từ đâu đến cắt ngang người chị khiến chị ra đi mãi mãi và một mảnh nhỏ sạt qua đùi tôi. Chị vừa cười đấy, nói đấy, thế mà chỉ trong một khoảnh khắc, chị đã nằm lại nơi chiến trường. Tôi hét lên đau đớn rồi ngất đi. Mãi chiều hôm sau khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang được nằm truyền máu ở một bệnh xá của tiểu đoàn công binh, tuy vết thương đã được băng bó cẩn thận, nhưng chân trái tôi đau cứng không sao cử động được. Lúc ấy tôi mới biết mình bị mất một phần đùi, vì mất quá nhiều máu nên tôi đã ngất đi. Đồng đội đã kịp thời đưa tôi về trạm xá cấp cứu.
Năm tháng qua đi, chiến dịch mùa xuân năm 1975 diễn ra, quân ta dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thắng lợi lớn. Khi chiến dịch kết thúc tôi và những người đồng đội gặp lại nhau trong niềm vui chiến thắng, có những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc! Chúng tôi sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, không sợ hy sinh, không ngại gian khổ. Những người chiến sĩ dũng mãnh đầy quả cảm nơi chiến trường, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của quân đội giao cho, 5 năm trời vào sinh ra tử. Tự nhiên không ai bảo ai, cùng cất lời hát vang bài ca từ thuở chúng tôi mới bước chân vào cuộc đời người chiến sĩ: “Vinh quang thay làm người lính trẻ, có vẻ đẹp tự hào vì biết hy sinh, vì dân vì nước quên mình, dẫu cho gian khổ, nhọc nhằn vẫn vui”.