Mùa xuân kể chuyện áo dài nam ngũ thân truyền thống

Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 10:34, 22/01/2020

Lâu nay, nói về chiếc áo dài Việt Nam mọi người thường nhắc đến tà áo dài nữ, mà ít ai nhắc đến áo dài nam từng là trang phục truyền thống của đàn ông Việt. Xuân mới này, xin giới thiệu đôi điều về tà áo dài nam ngũ thân với mong muốn bạn đọc hiểu thêm về một trang phục truyền thống từng hiện diện như một nét đẹp văn hóa của ông cha.
Mùa xuân kể chuyện áo dài nam ngũ thân truyền thống
Bản vẽ áo năm vạt. Nguồn: Techniques du people Annamite của Henri Oger, 1907.

Trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn có viết: “Năm Bính Thân, mùa xuân, đặt nha môn Trấn phủ; tháng 7 mới hiểu dụ rằng: “Y phục bản quốc có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục. Nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người khách (hàng vạn người Minh Hương - còn gọi là Khách trú bất mãn với nhà Thanh sang định cư, lập nghiệp ở Đàng Trong) thì nên đổi theo thể chế của nước nhà. Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa”… “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không được xẻ mở. Duy đàn ông muốn mặc áo cổ tròn và ống tay hẹp cho tiện làm việc thì cũng được. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hay vải đen, hay vải trắng, tùy nghi. Còn các bực viền cổ và kết lót thì đều theo như điều hiểu dụ năm trước mà chế dùng…”

Như vậy, năm 1744, chính chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho tà áo dài ngũ thân nam ra đời. Sang thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), chiếc áo dài ngũ thân nam đã được kế thừa và phát triển đến mức toàn thiện, từ kiểu dáng đến cách ứng xử với nó. Đây là bộ Quốc phục của Việt Nam bởi chính lệnh do chúa, vua ban, có hiệu lực lâu dài ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, được quy định cụ thể trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”. 

Nhưng tạo sao lại gọi là áo dài ngũ thân? Bởi vì thời đó, khổ vải chỉ rộng từ 35 - 55cm, buộc phải gá, nối sống vải lại với nhau, lấy sống lưng làm chuẩn, bao gồm hai thân trước, hai thân sau và một thân con bên trong phía tay phải. Cổ áo tròn, đứng, vuông cạnh, cao chừng 4cm, khi mặc ôm vừa vặn lấy cổ tạo thành nét kín đáo, lịch sự, nghiêm túc. Chiếc áo có 5 khuy cài, gồm một khuy ở cổ, một khuy ở xương đòn bên phải, 3 khuy còn lại được cài ở dọc sườn phải cách đều nhau. Khổ vải tuy hẹp nhưng được phủ hết vai xuống đến khuỷu tay. Một đoạn vải nữa được nối từ khuỷu tay tới quá cổ tay chừng 2cm, ống tay hẹp (bó chẽn). Hai thân trước của áo được để dài quá đầu gối chừng 5 - 7cm, lượn hình cánh cung, rất nghệ thuật.

Vì được nối sống, đối sóng trước sau tạo thành dáng áo cứng cáp, oai nghiêm, đường vệ. Tà áo dài ngũ thân nam tuyệt nhiên không có nối cầu vai để tạo ra sự hài hòa, mềm mại nhưng lại khiến khuôn ngực của người đàn ông trở nên vạm vỡ hơn.

Khi mặc áo, theo truyền thống, người đàn ông Việt bao giờ cũng mặc bộ quần áo lót màu trắng hoặc sáng màu tạo điểm nhấn cho bộ trang phục bên ngoài. Thêm nữa, nó cũng tạo ra sự kín đáo, nghiêm túc cho người mặc. Còn một điểm đáng lưu ý nữa, đã mặc áo dài ngũ thân, người nho nhã, thư sinh, lịch thiệp bao giờ cũng phải dùng khăn vấn hoặc quấn rối trên đầu. Chiếc khăn không những che đi mái tóc hoa râm, hói đầu hoặc tóc dài mà còn để lộ ra vầng trán cao, rộng thanh tú.

Mùa xuân kể chuyện áo dài nam ngũ thân truyền thống
Chiếc áo dài nam truyền thống của người Việt đang được “hồi sinh” nhờ nỗ lực của nhóm Đình làng Việt.

Cách đây không lâu, vào trung tuần tháng 12/2019, tại “Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại”, nhóm Đình làng Việt đã tạo dựng một không gian mang đậm dấu ấn truyền thống Việt Nam với việc trưng bày khoảng 15 bộ áo dài nam ngũ thân, từ hàng sa (the), gấm, đoạn đến hàng vải thô, đũi bình dân. Có những tà áo dài được phục dựng lại theo nguyên mẫu bộ trang phục (thường phục) mà các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, và Bảo Đại đã từng mặc, được coi là mẫu mực về kiểu dáng tạo hình đến những bộ áo cặp, áo thời trang đã bị các nhà thiết kế tạo mẫu may sai lệch, không đúng theo truyền thống.

Gian hàng trưng bày lôi cuốn đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Bên cạnh tà áo dài nam truyền thống do nhóm Đình làng Việt mặc thể nghiệm, khác lạ với những bộ quần áo tân thời mà lớp thanh niên trẻ đang mặc nên có nhiều người không tiếc lời khen đây là những bộ trang phục “xưa” của các cụ rất đẹp, nền nã. Tuy nhiên, nói là “xưa” thì không hợp lý lắm bởi nó gắn với cái gì đó xa xăm, đoạn tuyệt với với hiện tại và khiến cho người ta hoài niệm “bao giờ cho đến ngày xưa”. Nên dùng từ “truyền thống” thì hợp lẽ hơn. Vì trong truyền thống có lịch sử hình thành tà áo dài nam ngũ thân, được kế thừa từ áo giao lĩnh, áo tấc, áo viên lĩnh… từ thời Lê - Trịnh trước đó, và xưa hơn nữa từ thời Lý - Trần (1010 - 1400). Trong truyền thống còn có sự vun bồi liên tục, hoàn thiện đến độ tinh xảo vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945). Truyền thống này chỉ bị mai một từ sau năm 1945 trở lại đây. 

Tà áo dài nam ngũ thân không còn mấy hiện diện trong cuộc sống đương đại là bởi nó bị quy kết về thành phần địa chủ, tàn dư của chế độ quân chủ phong kiến, hủ tục cần bị loại bỏ. Không còn chỗ đứng, bộ Quốc phục bước vào sân khấu chèo, quan họ, cải lương, hầu đồng nơi cửa đền cửa phủ và dĩ nhiên, văn học và nghệ thuật sân khấu mang một chiều kích khác - chiều kích tư tưởng, truyền tải đạo lý hướng thượng, giáo dục mỹ cảm và lên án những thói hư, tật xấu trong xã hội. Người đạo diễn, các nhà thiết kế phục trang, cổ trang hoàn toàn có quyền cách điệu, biến tấu, thêm bớt, thậm chí thổi phổng để làm nổi bật nét thiện, ác trong tính cách nhân vật. Vì thế mà bộ trang phục cũng được cải biên cho phù hợp với vở diễn.

Những nhân vật trong vở kịch “Ngao, sò, ốc, hến”, vở chèo “Quan âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, dân ca quan họ… đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Những nhân vật trong văn học nghệ thuật, trong phim, trên sân khấu điện ảnh đều được các đạo diễn xây dựng rất công phu nên nó “thật hơn cả ngoài đời”, lẽ dĩ nhiên, sau vở diễn, các nhân vật trong văn học, sân khấu điện ảnh lại trở về với cuộc sống đời thường và họ bê nguyên kiểu dáng y phục trên sân khấu vào trong cuộc sống thì làm sao tránh được cái màu mè, biến cải và khôi hài. 

Chiếc áo không làm nên một nhà tu chân chính. Nhưng “y phục xứng với kỳ đức” lại hàm chứa những bài học về nhân cách, về văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Thông điệp ý nghĩa của 5 thân áo: “Hai thân trước tượng trưng cho cha mẹ đẻ ra mình; hai thân sau tượng trưng cho cha mẹ đẻ ra vợ mình; thân bên trong là thân con của mình và mình phải giữ đạo hiếu với “tứ thân phụ mẫu”; 5 chiếc khuy áo gửi gắm thông điệp về ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín); khăn vấn hình chữ nhân, chữ nhất trên đầu với biểu tượng coi trọng tính Người, lòng cương trực, thẳng thắn, nhất tâm của người đàn ông… vẫn là biểu tượng về văn hóa (văn là đẹp, hóa là trở thành đẹp), về giá trị nhân văn và lối sống cao thượng. 

Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng khẳng định: “Văn hóa là cái còn lại sau khi mọi thứ đã bị mất đi”. Vậy nên, người có am hiểu về chiếc áo dài ngũ thân này thì mới biết cách mặc và ứng xử với nó thế nào cho vừa văn minh, lịch sự, như câu ca dao xưa đã từng tôn vinh người Thủ đô:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng lịch cũng thể là người 
Tràng An”.

Đinh Hồng Cường