Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng)
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 19:01, 09/04/2020
(Thành hoàng làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) Vào những năm nửa cuối thế kỷ VIII, nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc do nhà đường thống trị. Bấy giờ quan An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình vì có công đánh đuổi được giặc Con Lôn, Chà Và nên ỷ thế ra sức tàn sát, cướp bóc, vơ vét, của cải của dân khiến người người đều oán hận. Nhân cơ hội ấy Phùng Hưng cùng hai em đã dấy cờ khởi nghĩa.
Ngày hội làng Triều Khúc - nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng được dân làng suy tôn ngài thành Thánh.
Vào những năm nửa cuối thế kỷ VIII, nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc do nhà đường thống trị. Bấy giờ quan An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình vì có công đánh đuổi được giặc Con Lôn, Chà Và nên ỷ thế ra sức tàn sát, cướp bóc, vơ vét, của cải của dân khiến người người đều oán hận. Nhân cơ hội ấy Phùng Hưng cùng hai em đã dấy cờ khởi nghĩa.
Anh em Phùng Hưng vốn dòng dõi quan lại bản Châu là Thổ Tù đất Đường Lâm, tục gọi là Quan Lang.
Cha của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế). Sau khi khởi nghĩa thất bại, Hạp Khanh bị phát giác nên bị cách chức. Hạp Khanh có người vợ họ Sử, thấy chồng phiền muộn về thế cuộc nên đã hết lòng khuyên nhủ ông đừng nản chí hãy dốc lòng chăm lo công việc nhà nông, chỉ trong vòng mấy năm đã trở nên rất giàu có, trong nhà có hàng ngàn gia nhân. Ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (720), bà vợ họ Sủ đẻ sinh ba cho ông ba người con trai khôi ngô, tuấn tú. Ông đặt tên con lớn là Hưng tự Công Phấn, con thứ là Hải tự Tử Hào, con út là Dĩnh tự Danh Đạt.
Đến năm 18 tuổi, cha mẹ qua đời, ba anh em đều thuận hòa, hiếu kính, giúp đỡ mọi người, làm nhiều điều ơn nghĩa được nhân dân trong vùng yêu mến.
Trong ba anh em, Phùng Hưng có sức khỏe và tư chất hơn người, lại có tài đánh trâu, diệt hổ. Có lần hai con trâu mộng đang húc nhau bất phân thắng bại, thấy vậy Phùng Hưng xắn tay áo lên xông vào gạt hai con trâu ra không cho đánh nhau nữa! Lần khác ông đã dùng mưu trí rồi dùng cây đoản côn đập vỡ đầu một con mãnh hổ trừ họa cho dân.
Vì được dân mến phục, nên khi ba anh em Phùng Hưng dựng cờ dấy nghĩa, dân chúng kéo về rất đông, chỉ trong thời gian ngắn, nghĩa quân có tới vài vạn người. Quân Đường không địch nổi nghĩa quân nên đã phải tháo chạy. Phùng Hưng tự xưng là Đô Quân, Phùng Hải là Đô Bảo, Phùng Dĩnh là Đô Tông cùng các chiến sĩ chia nhau đi chiếm giữ các nơi hiểm yếu, tích lũy lương thảo, chiêu mộ anh tài, thế lực ngày càng hùng mạnh. Cao Chính Bình đem quân dánh dẹp không thắng nổi, hai bên giằng co hơn 20 năm trời.
Năm Tân Mùi (791) theo lời của Sa bà tướng quân và tướng cùng làng là Đỗ Anh Hàn, Phùng Hưng bèn họp chư tướng bàn kế phá giặc. Phùng Hưng rất mừng khi thấy ai ai cũng một lòng xin cất quân tiến đánh thành Tống Bình (tức Hà Nội) để giải phóng đất nước.
Ông phong chức cho chư tướng chia thành bốn mũi tướng quân lớn tiến thẳng về vùng Khúc Giang phía nam thành để cắt đứt những đường tiếp lương của giặc.
Cao Chính Bình thấy vậy cũng đem trên bốn vạn tướng sĩ chống lại. Hai bên mở trận đánh lớn. Suốt bảy ngày đêm, quân Đường chết không kể xiết, máu đỏ ngầu sông Nhị khiến Cao Chính Bình phải rút quân vào thành cố thủ. Phùng Hưng liền cho vây chặt thành quyết tâm công phá. Chính Bình lo sợ phát bệnh ốm chết. Tướng sĩ nhà Đường phải mở cổng thành ra hàng. Phùng Hưng vào thành bắt hết gia tộc Cao Chính Bình đem giết hết, rồi phủ dụ dân chúng, sửa sang lại thành trì và làm lễ Tức vị. Nhà vua khen thưởng ba quân, định Quốc luật…
Có vua hiền, từ nơi thâm sơn cùng cốc đến các phố thị đâu đâu cũng được hưởng cảnh thái bình, muôn dân chăm lo làm ăn. Tiếc thay vận nước lại ngả nghiêng, đến năm Nhâm Ngọ (802) ngày 13 tháng 8, nhà vua băng hà. Quần thần đưa vương tử Phùng An lên ngôi. Phùng An còn ít tuổi lại nghe lời xiểm nịnh của bọn gian thần đem quân đi đánh Phùng Hải, Phùng Dĩnh. Hai ông này không muốn cảnh cốt nhục tương tàn bèn vứt bỏ vũ khí, thay họ, đổi tên giấu mình vào động Chu Nham, người trong nước cho họ là bậc hiền giả.
Phùng An lên nối ngôi suy tôn cha là Hưng, hiệu Bố Cái Đại Vương (cha mẹ của dân). Làm vua được hai năm thì nhà Đường lại cho Triệu Xương sang đô hộ. Quân Triệu Xương rất mạnh, đi đến đâu chúng đều phá sạch. Cuối cùng Phùng An phải khuất phục làm chức Tư Mã cho giặc.
Phùng Hưng tuy mất nhưng rất hiển linh, dân gian kể rằng: ông thường hiện hình giúp đỡ dân lúc hoạn nạn. Ông còn hiển linh giúp Ngô Quyền đánh tan giặc ở sông Bạch Đằng. Sau đó Ngô Quyền đã cho lập đền thờ Phùng Hưng rất lớn. Người trong nước không nguôi nhớ tiếc ông và đã có 37 địa phương thờ phụng ông.
Tương truyền khi Phùng An làm vua đã cử tướng tâm phúc về nơi vua cha đóng quân năm trước để lập miếu thờ. Đó là gò (núi) Lĩnh Hán ở Khúc Giang (Khúc Giang là tên cổ của làng Triều Khúc ngày nay).
Ngôi miếu thờ ngày nay vẫn gọi là đại Miếu hay đình làng. Hiện đình làng Triều Khúc còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong cho Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng từ đời Lê Cảnh Hưng (năm thứ 44) đến đời vua Khải Định. Trải qua hơn ngàn năm, giờ đây ngôi đình vẫn to đẹp, tôn nghiêm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Năm 1982, đình Triều Khúc được Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử, đến 1993 được Bộ văn hóa Thông tin công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Từ xa xưa đến nay làng vẫn giữ được các ngày lễ hội truyền thống của làng:
- Ngày 10 tháng Giêng, ngày tức vị của ngài;
- Ngày 13 tháng 8, ngày hóa;
- Ngày 25 tháng 11, ngày sinh.
Trong ba ngày lễ đó thì ngày sinh, ngày hóa làng chỉ tổ chức một vài tuần tế tại Đại đình. Chỉ có ngày 10 tháng Giêng là to hơn cả. Dịp đó làng mở hội bốn ngày: từ ngày 9 đến ngày 12 tháng Giêng rất hoành tráng, linh đình, song vẫn giữ được quy củ và truyền thống của ông cha để lại từ ngàn đời.