Tăng cường xét nghiệm, khuyến khích người dân giao dịch trực tuyến

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:49, 17/04/2020

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội diễn ra sáng 17-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Đức Chung khẳng định, công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tránh sự lây lan của dịch.
Tăng cường xét nghiệm, khuyến khích người dân giao dịch trực tuyến
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp.

Khuyến khích người dân hạn chế dùng tiền mặt, không bắt tay

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, những báo cáo, phân tích mới nhất cho thấy, vi rút SARS-CoV-2 có nhiều biến thể vì thế có hiện tượng tái nhiễm tại Vũ Hán (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thế giới đánh giá, với tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân không nên chủ quan, không vội vàng lạc quan sớm mà cần phải tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch. Một số nơi đã lên các kịch bản khi hết dịch: Kịch bản 1 là đại dịch sẽ kéo dài thêm khoảng ba tháng và được khống chế, kiểm soát trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Các trường học và công sở sẽ mở cửa trở lại, hoạt động kinh doanh buôn bán, giao thông, du lịch, khách sạn, nhà hàng dần khôi phục. 

Kịch bản thứ 2 dịch bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm, cho đến khi con người chế tạo được một loại thuốc đặc trị để điều trị. Lúc này Covid-19 xem như một loại cúm mùa, con người có thể sống chung với nó. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái nhưng vẫn phải dành nguồn lực đáng kể trong phòng, chống dịch bệnh.

Kịch bản thứ 3, là dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ khủng khiếp. Theo kịch bản này, số người chết có thể tăng lên 1 triệu người, hàng chục triệu người có khả năng bị nhiễm khiến hệ thống y tế công cộng, hệ thống phòng dịch bị thất thủ. Các hậu quả đối với kinh tế thế giới vô cùng nặng nề, sự phát triển của thế giới có thể bị kéo lùi lại hàng thập kỷ.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, với nỗ lực thực hiện xét nghiệm, đến nay, thành phố cơ bản đã điều tra, xác minh, làm rõ được các trường hợp liên quan đến các ổ dịch và ca bệnh. Hà Nội đã lấy được 70.817 mẫu xét nghiệm so với hơn 8 triệu dân, chiếm tỷ lệ 0,88%. So với các nước trên thế giới, thì tỷ lệ này cũng đáng ghi nhận (Mỹ đạt tỷ lệ 0,99%, Đức đạt 1,8%, Italia đạt 1,82%, Nga đạt 1,04%, Nhật Bản đạt 0,08%...) 

Những ổ dịch tại Hà Nội chỉ xảy ra tại một số địa bàn, trong đó ổ dịch lớn nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi (Mê Linh), số 125 Trúc Bạch (Ba Đình); còn lại chỉ có một vài ca bệnh ở quận Cầu Giấy, huyện Thường Tín. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã có sự chủ động kiểm soát dịch nên sẽ không xảy ra kịch bản xấu nhất.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền các biện pháp phòng dịch, yêu cầu người dân ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, coi đây là thói quen thường xuyên trong thời gian dài; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, giao dịch trực tuyến; hạn chế sử dụng tiền mặt, thay vào đó là thanh toán bằng thẻ; hạn chế tụ tập đông người trong một thời gian nữa.

Bên cạnh đó, người dân cần có thói quen không bắt tay mà dùng hình thức chào hỏi khác, thường xuyên rửa tay. Phòng làm việc, nơi ở phải để thông thoáng, giảm việc dùng điều hòa; thường xuyên kiểm tra sức khỏe, vệ sinh nơi làm việc, nơi ở...

Xét nghiệm là công tác quan trọng số 1

Bên cạnh khuyến cáo người dân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, công tác rà soát, phát hiện là quan trọng. Sở Y tế và các địa phương phải yêu cầu các cửa hàng dược thực hiện việc khai báo y tế, hướng dẫn người dân đi xét nghiệm khi đến mua thuốc sốt, cảm, ho. Hiện, Hà Nội có hơn 7.000 cửa hàng thuốc có kết nối internet, Sở Y tế phải có hình thức quản lý phù hợp trong việc khai báo của các cửa hàng này.

Đánh giá công tác xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng ý thực hiện xét nghiệm nhanh tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Ngoài ra, các quận, huyện ngay trong ngày 18 và 19-4 phải tiến hành xét nghiệm nhanh tại một số chợ, gồm: Chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), chợ Long Biên (Ba Đình), chợ đầu mối hoa quả Hoàng Mai, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) và một số chợ hải sản.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Y tế tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000 - 6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về dịch Covid-19, xác định ứng phó lâu dài với dịch này; nắm chắc các phác đồ điều trị.

Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và phải được bảo quản trong kho cất trữ. "Các bệnh viện, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chỉ được dùng các trang thiết bị y tế này để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được dùng để khám, chữa bệnh thông thường. Chúng ta phải dự trữ cho chiến lược lâu dài", Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường chăn nuôi, bảo đảm vụ xuân hè; dự báo để phòng, chống thiên tai.

Sở Giáo dục và Đào tạo phải nghiên cứu mở rộng hình thức học trực tuyến; làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận kết quả học tập bằng hình thức học trực tuyến; có phương án về việc cho học sinh quay trở lại trường học; tổ chức tốt các kỳ thi theo hướng giảm môn thi, giảm số lượng bài thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thi; yêu cầu các nhà trường có quy định cho phụ huynh trong việc đưa, đón học sinh; bảo đảm các trang thiết bị y tế cần thiết cho các nhà trường để tiếp tục phòng, chống dịch.

"Lúc này, tất cả công việc đều đang thực hiện quyết liệt. Người dân cần tiếp tục đồng hành cùng thành phố thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội, không nên sốt ruột, chủ quan... thì mới đạt hiệu quả trong việc tránh lây nhiễm. Chỉ khi kiểm soát tốt dịch thì mọi hoạt động sản xuất mới nhanh chóng trở lại và khôi phục nhanh", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Hanoimoi