Bình Thục Đại vương và Đông Pha Đại vương
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 18:33, 17/04/2020
(Thành hoàng làng Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội)
Đình Thiết Úng thờ hai vị Bình Thục Đại Vương và Đông Pha Đại vương làm Thành hoàng làng
Vào cuối thời Hùng Vương ở xã Phù Ủng, huyện Đường Hào, lộ Hồng Châu có nhà ông Triệu Quang và bà Nguyễn Thị Tín, xuất thân hào phú, bản tính phúc hậu, hay giúp đỡ mọi người, nhưng chỉ hiềm nỗi muộn con. Sau được thần báo mộng, bà có mang và sinh đôi được hai người con trai. Hai người có tướng mạo khôi kỳ, ông bà đặt cho người anh là Triệu Thục và người em là Triệu Pha. Lớn lên hai anh em được mẹ cho đi học. Anh em đều học giỏi, tinh thông cả văn lẫn võ, được thầy dạy yêu quý và khen ngợi.
Đến năm 17 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Hai anh em lo ma chay báo hiếu với cha mẹ. Mãn tang gặp đúng lúc vua Hùng Duệ Vương thi chọn người tài giúp nước. Triệu Thục và Triệu Pha được vào bệ kiến. Vua Hùng Duệ Vương thấy hai anh em thông minh, văn võ song toàn, liền phong chức. Người anh được phong Đô úy, người em giữ chức Lang trung. Bấy giờ đất nước thanh bình, hai ông xin phép nhà vua cho đi thăm thú các nơi. Lần đó, hai ông đến đất Đông Ngàn và phường Xa Lập (nay là thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội). Thấy đất làng nằm bên dòng Hoàng Giang, phong cảnh ở đây sơn thủy hữu tình, hai ông đã cho xây một hành cung để làm chỗ nghỉ ngơi mỗi khi qua lại.
Hai ông còn ở lại phường Xa Lập, dạy dân ngày đêm chăm chỉ cấy lúa, chăn tằm và canh cửi, lấy điều nhân nghĩa thu phục nhân tâm, tạo cho dân cuộc sống hòa thuận và phong tục đẹp nên được dân làng tin yêu và quý mến.
Bấy giờ, Hùng Duệ Vương đã già yếu lại chỉ có hai người con gái. Thục chúa không quy thuận có ý định cướp ngôi. Quân Thục đông mạnh uy hiếp nhà Hùng. Vua cho gọi con rể là Sơn Thánh Tản Viên và hai anh em Triệu Thục, Triệu Pha về triều bàn kế giúp nước. Hai người được phong là Đại tướng quân. Sau đó, hai ông về Xa Lập mở tiệc khao quân, lấy thêm người làm gia thần túc vệ. Hai ông dẫn quân chặn và đánh tan một cánh quân Thục. Sau đại thắng, vua Hùng mở tiệc khao thưởng quân sĩ: Hai người nhận tước phong của vua rồi về phường Xa Lập mở tiệc vui cùng dân thôn. Trong bữa tiệc, hai ông nói với dân làng ước nguyện muốn lấy phường Xa Lập làm đất hộ nhi thờ cúng hai ông khi qua đời. Dân làng vui vẻ nhận lời. Khi tiệc vừa tan, đột nhiên Triệu Pha theo mây bay về trời làm Triệu Thục vô cùng buồn thương. Ba năm sau, trong chuyến du hành đến núi Kim Nham - Mục Tinh Sơn, Triệu Thục cũng đột nhiên hóa. Nhận biểu tấu cáo của dân, vua Hùng vô cùng thương tiếc. Nhà vua đã ban sắc chỉ cho dân lập miếu thờ ở chính hành cung của hai ông, ban duệ hiệu là Bình Thục Đại Vương và Đông Pha Đại Vương.
Ghi nhớ công lao của hai ông, dân phường Xa Lập, nay là thôn Thiết Úng, tôn làm Thành hoàng làng, quanh năm khói hương thờ phụng.
Hằng năm, vào ngày 11 tháng Giêng dân làng Thiết Úng lại mở hội lớn tưởng niệm Bình Thục Đại Vương và Đông Pha Đại Vương.
Đền thờ hai ông đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.