Nhà văn Nguyễn Xuân Hải với "Người đẹp ở bản Hoa"
Truyện - Ngày đăng : 08:42, 28/04/2020
“Người đẹp ở bản Hoa” là cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Hải, NXB Hồng Đức, 2019, gồm 14 truyện ngắn. Trước khi về công tác ở báo Công an nhân dân, Nguyễn Xuân Hải đã từng có nhiều năm làm người chiến sĩ công an vũ trang (bây giờ gọi là bộ đội biên phòng), hoạt động ở miền rừng núi biên giới Tây Bắc. Thiên nhiên và con người nơi đây đã ban tặng cho ông một vốn sống đầy đặn, phong phú. Để rồi thời gian càng lùi xa thì những kỷ niệm càng trở nên lấp lánh, ám ảnh, trôi chảy vào những trang văn của ô
Nhà văn Nguyễn Xuân Hải
“Người đẹp ở bản Hoa” là cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Hải, NXB Hồng Đức, 2019, gồm 14 truyện ngắn. Trước khi về công tác ở báo Công an nhân dân, Nguyễn Xuân Hải đã từng có nhiều năm làm người chiến sĩ công an vũ trang (bây giờ gọi là bộ đội biên phòng), hoạt động ở miền rừng núi biên giới Tây Bắc. Thiên nhiên và con người nơi đây đã ban tặng cho ông một vốn sống đầy đặn, phong phú. Để rồi thời gian càng lùi xa thì những kỷ niệm càng trở nên lấp lánh, ám ảnh, trôi chảy vào những trang văn của ông một cách tự nhiên, thao thiết. Số truyện viết về đề tài này chiếm non nửa tập sách.
Mở đầu là truyện “Người đẹp ở bản Hoa” mà tác giả lấy đặt tên cho cả tập nói về cái đoạn đầu đời của Mỵ, một em gái người dân tộc Mông hiền hậu, xinh đẹp. Bản của em đang vào thời mở cửa đón khách du lịch. Cái ông khách Tây lắm tiền và ham của lạ đã mồi chài được Mỵ đi vào rừng rậm để rồi ông ta cướp đi sự trinh trắng của em. Việc xẩy ra rồi Mỵ mới ý thức được đó là sự mất mát ô nhục, em toan ăn lá ngón quyên sinh. Nhưng cái bức ảnh mà người nghệ sĩ nghiệp dư chụp Mỵ đăng lên bìa một tờ tạp chí, nhờ anh chiến sĩ biên phòng đưa đến tay Mỵ, đã giúp Mỵ “nhận thức lại” rằng cuộc đời của em chưa phải đã bị bỏ đi, trái lại, sẽ còn rất hữu ích nếu em biết đứng lên đi tiếp bằng những nội lực tiềm ẩn trong chính con người em. Phải, vẻ đẹp của chính em đã đi vào tác phẩm nghệ thuật và nghệ thuật đã hàn gắn vết thương, chắp cánh cho em bay lên khỏi vũng lầy. Em trở thành hướng dẫn viên du lịch duyên dáng, tài năng.
“Phận lá vàng” là truyện viết về người La Hủ ở Tây Bắc, nhân vật chính là cô Mùa. Giống như nhiều cô gái ở đây, Mùa oằn mình chống lại thiên tai, nai lưng với đất cát, núi đồi để kiếm miếng ăn đã vô cùng cực nhọc, nhưng cái nỗi khổ ghê gớm hơn lại là những phong tục lạc hậu trói buộc con người cô, làm cho cô không tự ý thức được mình là con người nữa. Thật may, những người lính biên phòng đóng quân trong cái đồn gần đấy đã phát hiện và hiểu được những nỗi khổ hạnh mà Mùa đang phải chịu đựng, họ đã giải thoát cho Mùa, giúp Mùa hiểu được quyền làm người để cô được sống an lành, có tình yêu, hạnh phúc.
“Biên cương thăm thẳm” là tác phẩm mang cảm hứng chủ đạo là ngợi ca. Viết ngợi ca tưởng dễ mà khó, bởi nếu non tay, nếu hụt hẫng vốn sống và bản lĩnh nghệ thuật sẽ gây cảm giác “ngờ ngợ” cho bạn đọc. Không cột được niềm tin của bạn đọc vào tác phẩm thì tác phẩm ấy không thể đứng được. Trong truyện “Biên cương thăm thẳm” cảm hứng ngợi ca của Nguyễn Xuân Hải lại lôi cuốn người đọc khá mạnh mẽ. Vì sao vậy? Theo tôi, thứ nhất: nhà văn rất “thuộc” nhân vật. Ba nhân vật chính trong truyện là hai người lính biên phòng (Vu và Thanh) quê miền xuôi và một thiếu nữ dân tộc Thái tên là Phin. Không gian trong truyện là bản Phổng dưới chân dãy núi Pú Luông. Thứ hai: cả ba nhân vật của ông là những người tốt, tốt từ bản chất và tốt nhờ cái môi trường của những người lính áo xanh đã truyền cho họ một tình yêu đất nước quê hương, trân quý con người. Có những việc họ làm, với họ thì rất bình thường, nhưng bạn đọc thì nhận ra nó rất cao quý, rất đỗi thiêng liêng. Nó đi vào tác phẩm một cách rất tự nhiên, không một chút gượng ép, áp đặt. Đọc tác phẩm mang cảm hứng chủ đạo ngợi ca mà giá trị nhân văn thấm đẫm trên từng câu chữ, cuốn hút từ dòng đầu đến dòng cuối.
Nguyễn Xuân Hải rất am hiểu người dân tộc thiểu số. Ông mô tả người dân tộc từ dáng đi điệu đứng, cách hành xử, nói năng y như ông cũng là người miền núi chính hiệu vậy. Nhiều câu văn của ông mô tả lời ăn tiếng nói của người dân tộc khiến tôi thích thú: “…tiếng khèn xui cái bụng của Mùa thích dần…”, “…Cả bản có chín nhà thì năm nhà bị ma nước lôi đi…”, “…Con Ly đã gần ba tuổi, cũng không phải ngậm vú một năm rồi…”. Nếu như cần “bàn góp” với nhà văn một chút trong mảng truyện xanh mát màu biên cương này, ấy là có truyện, do “dư dật” vốn liếng mà có cảm giác tác giả hơi “tham”, có những tình tiết dư thừa làm “loãng” trang văn, cốt truyện lắt léo một cách không cần thiết cho dù vấn đề của tác phẩm rất hay, như “Bài thơ về cây măng trúc” là một thí dụ.
Mảng đề tài thứ hai trong tập sách là những truyện ngắn ôm chứa những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống đương đại hôm nay. Với con mắt của một người vừa viết văn vừa làm báo, Nguyễn Xuân Hải có cái nhìn soi vào những tầng sâu của những câu chuyện. Có chuyện mà dung lượng của nó có thể xây dựng thành một tiểu thuyết như “Những trang nhật ký” viết về hai chị em ruột Đa và Đại. Đa đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, xinh đẹp, đảm đang, nhưng do một tai họa của thời kinh tế thị trường, bố mẹ cô phải gánh nợ, rồi mang bệnh mà qua đời, ngôi nhà bị tịch thu, hai chị em cô bị đẩy ra đường. Đa và Đại trốn bọn đầu gấu chuyên đòi nợ bằng cách dạt lên thành phố, sống trong một túp lều ở cái ngõ tối tăm, bẩn thỉu, nhan nhản bọn đạo chích, nghiện hút. Liền kề với cái ngõ ấy là cái xóm liều, nơi hội tụ đủ mọi hàng người lưu manh du thủ du thực. Người công an khu vực tiền nhiệm là một kẻ thoái hóa, khi có sự cố thì lại đứng về phía bọn bất lương để ăn lộc của chúng. Chị em Đa – Đại chỉ có hai bàn tay trắng trở thành những “miếng mồi ngon” cho bọn này. Đã có đêm Đa bị chúng bắt đưa ra bãi cỏ hãm hiếp lấy đi đời thiếu nữ trinh trắng nhưng cô không dám tố cáo. Chẳng hiểu rồi cuộc đời hai chị em sẽ bị xô dạt đến đâu nếu như người lính công an khu vực tiêu cực kia nhận giấy nghỉ hưu? Thay thế ông ta là người chiến sĩ công an trẻ, còn có những ngờ nghệch, nhưng bằng tâm hồn trong sáng, thẳng ngay, thương người và một trái tim quả cảm mà anh đã giúp chị em Đa tránh được những hiểm họa. Truyện hấp dẫn bạn đọc bởi lối văn biến ảo, khi hiền hòa, khi hài hước, khi dữ dội và lắm bất ngờ.
Trong “Ngõ hai nhà”, nhân vật chính là một ông quan tham đã từng bị bắt đi tù, nhưng do thủ đoạn khôn khéo mà ông vẫn giữ được một khối tài sản lớn, vì thế, khi ra tù ông ta vẫn vênh vang, mục hạ vô nhân. Nhưng chỉ bằng một vài chi tiết cuối truyện, thông qua cái nhìn nhân bản của đứa con gái mà ông ta mới giật mình ngộ ra được những điều quan thiết nhất đối với một đời người. Còn truyện “Nhà có chó dữ” cũng kể về một ông quan tham rất sống động, tên là Nghĩ. Ông Nghĩ luôn biết cách nịnh hót cấp trên, lấy lòng những người xung quanh để tiến thân, nhưng ông lại rất ác cảm với những người đầu tắt mặt tối sống trong cùng ngõ phố. Chỉ đến khi gia đình ông gặp hoạn nạn thì hóa ra chính những kẻ “tầm thường” sống liền kề ấy đã cứu nguy cho ông và gia đình. Tuy là hai truyện ngắn có tính luận đề nhưng nhờ bút pháp vững, vốn sống dày dặn của tác giả mà câu chuyện được diễn tiến một cách tự nhiên, cuốn hút bạn đọc.
Hai truyện “Câu hát ngày xưa” và “Người trong tranh” đều nói về mối quan hệ mang tính hệ quả giữa Tác giả - Nhân vật ngoài đời - Tác phẩm . “Câu hát ngày xưa” mô tả số phận của một cô bé nhà quê Lê Thi Lập, do người cha rượu chè, lười lao động, lại hay đánh đập vợ con, gia đình bị rơi vào cảnh bần cùng mà cô phải bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi thiếu niên. Mọi người nghĩ cô đã chết ở một xó xỉnh nào đó. Phận cô rẻ rúng như cánh bèo chẳng khiến người ta bận tâm. Nhiều năm sau, khi mà người làng gần như đã quên hẳn cô thì cô trở về với tư cách là một diễn viên kiêm tác giả kịch bản điện ảnh có danh giá. Thì ra, ngày cô bỏ làng là cô đi theo một bà hát xẩm kiếm sống. Lớn thêm chút nữa, cô gặp một đạo diễn trẻ tài ba, anh nhìn thấy ở cô một tài năng hứa hẹn. Cô kể cho anh nghe câu chuyện về người hát xẩm dưới gốc đa làng cô để anh viết thành kịch bản. Giờ đây đoàn làm phim về làng cô để thực hiện những cảnh quay về bộ phim ấy. Sự trở về của Lê Thị Lập đã làm đảo lộn bao nhiêu lối nghĩ cổ hủ, mòn cũ, trì độn ở cái làng quê ngàn năm cát cứ này. Còn truyện “Người trong tranh” lại đề cập đến một khía cạnh khác: để làm ra một tác phẩm nghệ thuật có giá trị trường tồn với thời gian, có khi nhân vật nguyên mẫu và tác giả phải trả giá bằng cả một kiếp người. Cái ý tưởng như thế này dường như tôi cũng đã đọc thấp thoáng ở đâu đó. Nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Hải đã cho thấy bút pháp sáng tạo của riêng ông: ý tưởng chỉ là cái có sau, sự trải nghiệm từ cuộc sống của ông mới làm nên “máu thịt” của tác phẩm, vì thế mà “hơi thở” truyện của ông trở nên rất mới mẻ, tự nhiên, gây xúc động cho người đọc.
Các truyện “Ngọn lửa chiếu manh”, “Của để dành ở Amsterdam”, “Đất đình làng” là ba truyện hay nhất tập. Nhưng tôi muốn nhường quyền cho bạn đọc tự tìm sách để thưởng thức. Nhà văn Nguyễn Xuân Hải lâu nay được bạn đọc biết đến nhiều trong vai trò là một tác giả kịch bản phim truyền hình và thơ, còn tôi thì xin nói rằng mảng truyện ngắn của ông cũng rất đáng để cho bạn đọc đón nhận và thưởng thức.