1977 Vlog: Sáng tạo từ nhân vật văn học kinh điển
Tin tức - Ngày đăng : 16:54, 21/05/2020
1977 Vlog vừa “trở lại” với một clip ấn tượng có tên gọi “Tiếng gọi vùng hoang dã”. Clip này thu hút hàng triệu lượt xem khi tiếp tục khai thác, sáng tạo để đưa những nhân vật văn học kinh điển hòa vào cuộc sống đương đại.
1977 Vlog 1: Từ trái qua Trung Anh, Văn Tân và Việt Anh - những “diễn viên” chính
của 1977 Vlog.
Thời sự mà thâm thúy
“Tiếng gọi vùng hoang dã” của 1977 Vlog được mở ra với hình ảnh Thị Nở ngồi khoắng cái chảo chống dính trơ đáy. Thế mà thị vẫn cố nêm nếm đôi đũa và trả lời anh Chí rằng: “Đang nấu tương lai của chúng mình đấy”.
1977 Vlog là thế. Mỗi clip chỉ dài chừng 5 - 7 phút nhưng từ hình ảnh đến câu thoại của nhân vật đều rất thời sự mà thâm thúy và được hàng triệu, thậm chí hơn chục triệu khán giả thích thú bắt “trend” (xu hướng). Chẳng thế mà đã gần một năm qua khi 1977 Vlog xuất hiện, khán giả đã “sưu tập” câu nói vừa hài hước vừa chí lý của những: “Spoil phim mới “Cậu Vàng” cực mạnh”, “Hồi ký của một dân chơi - Chí Phèo”, “Vợ chồng A Phủ Parody - Vòng xoáy của bạc”, “Chị Dậu Parody - Kỷ nguyên hắc ám”, “Sống mòn - Giáo án lửa thiêng”, “Vợ nhặt - Kẻ đi tìm tương lai”, “Dấu ấn 2019 - Làng Vũ Đại và mạng xã hội”, “Chiếc lá cuối cùng - Quyền năng đất mẹ” và “Tiếng gọi vùng hoang dã”. Đấy là lão Hạc giận dữ trước việc động vật hoang dã vẫn bị săn bắt và đưa lên bàn tiệc: “Nếu cứ ăn như thế thì chương trình thế giới động vật của VTV2 chỉ chiếu về chúng ta thôi”. Anh Chí khảng khái đặt câu hỏi: “Sống thật có xóa được hết những cái vết sẹo trên gương mặt này không? Hay phải dùng đến photoshop?”. Bá Cường thì hăm dọa: “Mày sẽ đi tù bằng đúng thời gian xây tuyến đường sắt trên cao”... Hay như: “Toang rồi”, “Hãy sống những tháng năm rực rỡ, đừng chết mòn trong cái “đết lai” (deadline) của mình”... Những câu thoại ấy được thể hiện bởi “giọng xưa”, bởi những diễn viên tay ngang và ghi lại trên khuôn hình đen trắng nên mang phong vị rất riêng biệt, khiến mọi người được cười, được ngẫm để rồi liên tưởng đến các vấn đề nóng của xã hội như đợt tuyển diễn viên cậu Vàng, vụ Alibaba, vụ việc hành khách ăn trộm trên máy bay, sống ảo, cờ bạc, hút chích, nâng điểm thi… Cái khéo hơn cả là cách 1977 Vlog khơi gợi sự liên tưởng của khán giả với các vấn đề thời sự một cách hợp lý chứ không hề ép uổng, khiên cưỡng. Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, các clip của 1977 Vlog đã luôn đưa ra những hình ảnh có động cơ quyến rũ, tinh tế để người xem có động cơ để đào sâu và tìm hiểu.
Khi thưởng thức các clip của 1977 Vlog, nhiều khán giả đã không quên gửi lời cảm ơn, trong đó phần nhiều là các thầy cô giáo dạy văn. Cô giáo Nguyễn Thị Yến - Giáo viên Trường THPT Văn Hiến (Hà Nội) chia sẻ, nhờ cậu con trai của mình mà cô biết đến 1977 Vlog. Đến buổi lên lớp, cô đã cùng học trò thưởng thức các clip của họ. “Cảm ơn các bạn rất nhiều. Các bạn đã tạo ra một thế giới của lão Hạc, chị Dậu, giáo Thứ, cậu Vàng, Mỵ, A Phủ, A Sử... vô cùng hấp dẫn, thú vị” - cô Yến nói.
Từ chối cẩu thả
1977 Vlog là ai? Thật dễ dàng để tìm câu trả lời: 1977 Vlog là sản phẩm giải trí trên mạng xã hội của hai anh em song sinh: Việt Anh - Trung Anh. Những vlogger này đều là người Hà Nội và mới ngấp nghé tuổi 30 (sinh năm 1992).
Cơ duyên để cặp đôi song sinh này trở thành vlogger là vì trót nuôi giấc mơ trở thành diễn viên rồi đạo diễn, như Trung Anh chia sẻ. Khi tốt nghiệp THPT, hai anh em đã thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nhưng bị trượt, dù đã “giở” chất giọng thoại rất đỗi cổ kính - một yếu tố làm nên sự khác biệt của 1977 Vlog và khiến khán giả mê tít. Đành dở dang ước mơ, Trung Anh tự kinh doanh tại gia còn Việt Anh trở thành dân văn phòng. “Nhưng, cái lần trượt vỏ chuối năm ấy là “vết sẹo” trong chúng tôi, khiến trong suốt 10 năm mỗi khi gió mùa về lại tái nhức. Đôi khi nhức nhối quá, chúng tôi “mon men” đi viết kịch bản thuê, tham gia những cuộc thi và giành giải nho nhỏ. Thế nhưng, những công việc ấy chỉ tạo thêm cho chúng tôi những vết sẹo chồng vết sẹo, nỗi sợ hãi về sự đối mặt với thất bại...” - Trung Anh kể.
Đến tháng 8/2019, Trung Anh - Việt Anh đã dám dứt ra khỏi nỗi sợ hãi ấy, quyết định không thể rong chơi mà phải làm gì đó cho ước mơ. Nếu không thể “chen chân” vào những dự án phim lớn thì họ làm biên kịch, đạo diễn, diễn viên và kiêm luôn cả nhà sản xuất. Không thể phát hành trên truyền hình, hệ thống rạp thì họ phát hành trên mạng xã hội thông qua việc trở thành vlogger.
Có một điều thú vị là khi học phổ thông, Trung Anh và Việt Anh đều không phải là những “ngôi sao” văn chương vì điểm văn chỉ đạt trung bình. Đến lúc bất đắc dĩ trở thành nhà biên kịch, cả hai đã chịu khó cùng đọc lại tác phẩm văn học như: “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Vợ nhặt”, “Sống mòn” của Nam Cao; “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, “Vợ nhặt” của Kim Lân, “Chiếc lá cuối cùng” của O.Henry... Đọc lại như thế là để nảy ra ý tưởng, xây dựng kịch bản, đem đến cho các tác phẩm văn học một đời sống mới hấp dẫn đong đầy ước mơ, khát vọng. Khi đó, chị Dậu, lão Hạc, giáo Thứ, Mỵ, A Phủ... không hẳn là những người mãi mãi chấp nhận số phận cùng đinh, bế tắc mà luôn có sự phản kháng mạnh mẽ, vươn đến một tương lai tươi mới...
Với sự cộng tác của các diễn viên: Văn Tân, Chí Hiếu, Năng Hải, kênh 1977 Vlog của Việt Anh - Trung Anh đã sớm giành được nút vàng của YouTube. Cùng với đó, cặp anh em song sinh này đã ẵm giải thưởng về sáng tạo cho giới trẻ như: Nhà sáng tạo triển vọng năm 2019, WeChoice 2019... Tất nhiên, sức hút của họ không phải là những chiêu trò câu view mà bởi sự tinh tế từ hình ảnh, diễn xuất cho đến lời thoại. Mỗi clip được hai anh em thực hiện trong cả tháng với kinh phí vài trăm ngàn. Họ viết, quay (bằng Ipad) rồi xóa cho đến khi nào thực sự thấy “hoàn hảo” theo 3 tiêu chí: Chuyển tải những thông điệp của thời đại bây giờ đến các bạn trẻ một cách trong trẻo; luôn hài hước, vui vẻ và không làm mất đi giá trị cốt lõi gốc của tác phẩm thì mới phát hành.
Nhắc lại câu nói của nhân vật Hoàng trong truyện ngắn “Đời thừa” (Nam Cao): “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”, Việt Anh quan niệm: “Chúng tôi cũng thế, chúng tôi không muốn làm việc cẩu thả. Chúng tôi luôn cảm thấy khó chịu nếu sản phẩm không được chỉn chu”. Còn với Trung Anh thì: “Chúng tôi làm clip bằng cả tình yêu cùng sự trung thực với ước mơ của mình. Ở mỗi clip, chúng tôi muốn mọi người thấy cuộc sống này còn rất nhiều điều tươi đẹp”.