Diễn ngôn ký ức trong "Lục bát giao mùa" của thơ Nguyễn Hoàng
Truyện - Ngày đăng : 09:14, 22/05/2020
Lục bát giao mùa là tập thơ thứ hai của tác giả Nguyễn Hoàng sau tập thơ Giọt thời gian in tại NXB Hội Nhà văn năm 2018. Là một cựu chiến binh trở về với miền đồi núi nghèo khó Sóc Sơn (Hà Nội) sau chiến tranh, thơ đến với anh hơi muộn qua chặng đời thăng trầm, vất vả mưu sinh từ khởi nghiệp đến lập nghiệp. Tới nay, khi cuộc sống đã vợi bớt những lo toan, trăn trở thường ngày, Nguyễn Hoàng đến với thơ cùng những nỗi niềm giao cảm trước tình người, tình đời và trước cảnh sắc thiên nhiên đã từng lay động trái tim mẫn cảm của một người thơ giàu ký ức. Ở bài viết này, tôi chỉ đề cập tới những diễn ngôn ký ức trong thơ Nguyễn Hoàng.
Một trong những diễn - ngôn - thơ giàu ký ức đã đưa tác giả Nguyễn Hoàng ngược về miền quá khứ đó là những kỷ niệm về người cha thương kính:
Bố tôi
Khuất núi lâu rồi
Những khi nhớ
Lại lệ rơi thành dòng
Nỗi niềm thương kính
Mênh mông
Người cha
Lẫn dáng lão nông tri điền
Trở giời
Sức chẳng còn nguyên
Cắn răng ru sốt
Ngủ yên đáy lòng
Trẻ thơ
Bỏ bữa chiều đông
Thương con đứt ruột
Nói không nên lời
Hiếm hoi
Giọt nước mắt rơi
Vì con
Đâu sợ cuộc đời chông gai
(Bố tôi)
Những câu thơ giản dị nói trên như một lời tâm sự, bộc bạch của đứa con với người cha thương kính. Hình như trong bài này, tác giả Nguyễn Hoàng không định làm thơ mà anh chỉ thưa với cha bằng mấy dòng lục bát với tấm tình trân quý của người con trước công lao trời bể của cha:
Gia đình
Gánh trĩu đôi vai
Tháng ngày chuệnh choạng
Đường dài bố đi
Quần chùng
Chẳng sắm mấy khi
Áo sờn cúc
Có tìm khuy bao giờ
Nuốt nghèo
Nuôi một giấc mơ
Bán thân mong mỏi
Con thơ nên người
(Bố tôi)
Bóng nghiêng
Tự hẹn với mình
Đến thăm
Ông bạn thương binh gần nhà
Bích đào thắm
Những bông hoa
Ôm nhau
Dành tặng món quà
Ngày xuân
Ngang chiều
Mang chiếu rải sân
Nhíu mày bỏ nạng
Tháo chân ra ngồi
Lê lê tay
Rót nước mời
Chén trà nóng rẫy
Tim tôi nghẹn ngào
(Thăm bạn hàng xóm)
Tôi cho rằng những câu thơ trên cũng nằm trong một diễn ngôn ký ức, khi cái phần quá khứ của cuộc chiến tranh tàn khốc tuy đã đi qua hàng mấy chục năm nhưng vẫn không chịu ngủ yên trong nỗi trăn trở của Nguyễn Hoàng trước mất mát của đồng đội. Với câu thơ “Bão qua/ Trót một cành rơi/ Để rừng cây/ Mãi xanh tươi bốn mùa” - tính diễn ngôn ở đoạn cuối bài thơ này đã được tác giả nâng lên như một lời chia sẻ, như một sự động viên bạn mình:
Trầm ngâm
Ăn điếu thuốc lào
Một làn khói trắng
Thổi vào bình yên
Chia tay
Chưa nỡ đứng lên
Nỗi đau mất mát
Đã quên đâu rồi
Bão qua
Trót một cành rơi
Để rừng cây
Mãi xanh tươi bốn mùa
(Thăm bạn hàng xóm)
Ở bài thơ thứ hai viết về người bạn thương binh hỏng mắt, diễn ngôn ký ức trong thơ Nguyễn Hoàng vẫn là dòng chảy suy tư, trăn trở của người thơ từng đi qua chiến tranh, từng nếm trải những đau thương, mất mát khi chia sẻ với nỗi đau của đồng đội khi quê hương đã trở lại thanh bình.
Đến thăm
Ông bạn thương binh
Ôm nhau
Giữa biển nghĩa tình chân quê
Xóm nghèo
Rợp bóng rặng tre
Mái tranh đội nắng
Trưa hè lim dim
Gậy quen
Quờ quạng lần tìm
Ngắm anh
Ngấn lệ con tim chảy buồn
Dù trên vai áo
Vải sờn
Vẫn vương dáng lính
Trường Sơn thuở nào
(Thăm bạn)
Viết về mất mát mà không bi lụy, viết về đau thương mà không thở than yếu đuối, đấy cũng là một đặc điểm trong diễn ngôn ký ức của thơ Nguyễn Hoàng. Và đoạn cuối trong bài thơ thứ hai viết về người bạn thương binh đã ghi nhận điều ấy:
Chạnh lòng
Thương mến nao nao
Kính đen chạm vẻ
Hanh hao tuổi già
Chia tay
Khi bóng chiều tà
Bồng bềnh trắng muốt
Mây xa in trời
Mắt anh
Dù chẳng còn cười
Nhưng nay
Tổ quốc muôn đời sáng danh
(Thăm bạn)
Qua mấy bài thơ giàu tính diễn ngôn ký ức nói trên, có thể ta đã thấy được hết những ưu điểm - nhược điểm, cái được và cái chưa được trong thơ Nguyễn Hoàng. Theo tôi, khi đưa hiện thực đời sống vào thơ, Nguyễn Hoàng dường như vẫn còn nghiêng về phía tả chân, tả thực nhiều quá và đôi khi anh cũng ham diễn giải. Bởi với thi ca thì cái hiện thực đời sống trong thơ phải được nâng lên thành hiện thực có chất thơ chứ không thể chỉ dừng lại ở chất văn vần. Mặc dù trong văn vần có chút nào đó là thơ và trong thơ có chút nào đấy là văn vần, nhưng với một bài thơ đúng nghĩa thì chất thơ phải nhiều hơn chất văn vần.