Hà Nội: Hỗ trợ nhanh, sớm nhất người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:09, 28/05/2020

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ các đối tượng nhanh nhất, sớm nhất, không để sai sót, tiêu cực…
Chiều 27/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản chủ trì hội nghị trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn về công tác triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của TP Hà Nội.

Triển khai hỗ trợ kịp thờ, đúng đối tượng, được nhân dân đánh giá cao

Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến 17 giờ ngày 14/5/2020, tổng hợp từ báo cáo của các quận, huyện, thị xã, toàn thành phố đã thực hiện việc chi trả cho 385.390 đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đạt 99,9% kế hoạch.
Trong đó, khối quận đã chi trả cho 65.349 đối tượng, đạt 99,6%; khối huyện, thị xã đã chi trả cho 320.041 đối tượng, đạt gần 100%. Các trường hợp hiện chưa chi trả được (363 người) phần lớn là do đối tượng vắng mặt tại nơi cư trú. Các quận, huyện, thị xã đã chi trả đạt 100% là Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai; Mỹ Đức, Hoài Đức, Đông Anh; Sơn Tây…
Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và tại các hộ dân có đối tượng thụ hưởng. Tính đến 15/5/2020 đã kiểm tra được tại 6 quận, huyện như: Hoàng Mai, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Đông Anh, Hoài Đức. Kết quả, các quận, huyện đã tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách và tổ chức triển khai hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng, được nhân dân và các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.
Về các đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tính đến 25/5/2020, các quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận 41 hồ sơ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; 1.247 hồ sơ hỗ trợ kinh doanh; 14 hồ sơ lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 22.193 hồ sơ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; 217 hồ sơ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất.
Tại phiên họp, các quận, huyện, thị xã cho biết, còn một số khó khăn khi triển khai thực hiện chi trả. Trong đó, một số ngành nghề chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; công tác rà soát, xác định đối tượng trùng hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu bằng phương pháp thủ công; việc xác định đối tượng nhất là lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do không có quy định cụ thể nên còn nhiều vướng mắc…
Các quận, huyện, thị xã kiến nghị thành phố sớm có hướng dẫn bằng văn bản để các đơn vị có cơ sở để thực hiện chi trả cho các đối tượng.
Nhanh chóng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý biểu dương các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn trong thời gian qua đã thực hiện có hiệu quả và tích cực chính sách của Trung ương cũng như của Hà Nội về hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh, các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao Hà Nội đã triển khai quyết liệt, cụ thể và có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị dễ dàng thực hiện, kiểm tra cũng như là đảm bảo thống nhất chung trong quá trình triển khai trên toàn thành phố.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị, căn cứ vào Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt hơn nữa việc chi trả cho các đối tượng.
Theo Phó Chủ tịch, người dân, người lao động mong muốn sớm nhận được hỗ trợ; do đó, các đơn vị cần thận trọng nhưng phải kịp thời. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã, phường, thị trấn nắm chắc và xử lý các tình huống của tổ chức và công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp với MTTQ các cấp thực hiện công tác giám sát các đối tượng được hỗ trợ. Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội là đầu mối chủ trì định kỳ báo cáo thành phố những vướng mắc, khó khăn… Đồng thời, Phó Chủ tịch yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Quyết định của thành phố theo hướng kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ các đối tượng nhanh nhất, sớm nhất, không để sai sót, tiêu cực…

kinhtedothi