Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Tin tức - Ngày đăng : 06:58, 29/05/2020
Ngày 25/5/2020, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục ngày làm việc thứ năm theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Trong ngày làm việc này, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng như tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án…
Chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật. Trong đó đa số ý kiến đại biểu tán thành với các nội dung trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh đó để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề cụ thể sau:
Về chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, cơ bản nhất trí với chủ trương Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, trừ 3 trường hợp được nêu trong dự thảo…
Về phạm vi hoạt động của hòa giải viên, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với quy định là hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải tại các tòa án khác ngoài tòa án họ đã được bổ nhiệm, nhưng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thành phố nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc có trụ sở…
Về trình tự nhận xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án và chỉ định hòa giải viên, nhiều ý kiến nhất trí với quy định rằng ngay khi nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, tòa án thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn biết để họ thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại tại tòa án hoặc giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính…
Về thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án, nhiều ý kiến đại biểu tán thành và cho rằng do tính chất quan trọng của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nên cần quy định về việc mở phiên họp theo trình tự, thủ tục, thành phần tại chương XXXIII của Bộ Luật tố tụng dân sự..
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về một số vấn đề: Về việc bổ nhiệm, bầu hay công nhận hòa giải viên; nhiệm kỳ hòa giải viên thay 3 năm bằng 5 năm; về tiêu chuẩn, điều kiện hòa giải viên nên bổ sung thêm một số đối tượng, phân biệt thành 3 nhóm với những điều kiện tiêu chuẩn khác nhau cho từng nhóm; về vấn đề bảo mật thông tin; về bổ sung điều cấm đối với hòa giải viên; về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân…
Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.
Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: về xây dựng Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 28 trước đây để phù hợp với thực tiễn cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập; kiểm kê, đánh giá về diện tích đất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả, để đất hoang hóa; về kéo dài, thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2025; về thu thuế đối với diện tích đất nông nghiệp không sử dụng để canh tác, hoang hóa…
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Về thời gian, có một số ý kiến thống nhất với việc kéo dài 5 năm, sau đó sẽ tiến hành sửa Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Đất đai và xây dựng Luật Thuế tài sản. Cũng có ý kiến đề nghị thời gian miễn thuế là 10 năm, kéo dài đến năm 2030; cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự đúng đối tượng, hạn chế bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất...
Các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu; đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.