Chủ động bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia UV
Tin tức - Ngày đăng : 08:35, 30/05/2020
Những ngày gần đây, Hà Nội và các tỉnh, TP lân cận nóng gay gắt với nồng độ bức xạ cực tím (UV) cao dễ gây tổn hại đến sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra nắng giờ cao điểm; cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV.
Hệ lụy khi tiếp xúc trực tiếp với nắng
Đến khám tại Bệnh viện Da liễu T.Ư trong tình trạng làn da đỏ phồng rộp sau chuyến đi tắm biển, nữ bệnh nhân 20 tuổi cho biết, trước khi tắm biển, cô thoa kem chống nắng, song nhiều vùng da vẫn bị cháy nắng. Đặc biệt, vùng mặt và tay bị sưng nề, ngứa, bỏng rát, phồng rộp như bỏng hơi nước. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng nắng, phải dùng thuốc bôi kết hợp uống để điều trị.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, thông thường vào cao điểm mùa Hè, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 3 - 5 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Tâm, nắng nóng kéo theo chỉ số UV cũng tăng cao gây hại cho da, nếu người dân tiếp xúc trực tiếp với nắng trong thời gian dài. Bỏng nắng do tia UV, còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím. Các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ gây mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người. UV bao gồm tia A (bước sóng 380 - 315nm), tia B (315 - 280nm), tia C (ngắn hơn 280nm).
Cụ thể, tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da, là nguyên nhân gây ra các vết nhăn và nám trên da; còn tia UVB có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, gây say nắng, tổn thương, làm đen da, cháy nắng. Người bị bỏng nắng chủ yếu do tia này. Tia UVC năng lượng cao nhất, gây ung thư da, may mắn đã có tầng ozon chặn lại.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động 0 - 2 được xem là thấp, chỉ số UV 8 - 10 thời gian tiếp xúc gây bỏng là 25 phút. Chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Bác sĩ Tâm cũng cho rằng, tiếp xúc quá mức với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, da bị bỏng, khô, sạm, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh. Nếu tiếp xúc kéo dài, tích lũy có thể gây ung thư da.
Nhiều biện pháp bảo vệ cơ thể thoát khỏi bức xạ UV
Vì vậy, bác sĩ Tâm khuyến cáo, người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của UV như hạn chế ra nắng vào giờ cao điểm, chú ý bôi kem chống nắng. Khi dùng phải bảo đảm lượng kem chống nắng vừa đủ. Nếu dùng thiếu, làn da không có tác dụng bảo vệ tối ưu, dùng quá nhiều sẽ gây lãng phí, đồng thời gây bít dính làn da, dễ nổi mụn.
“Khi ra nắng, người dân nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ trước 15 - 20 phút khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cứ sau 2 - 3 giờ phải bôi lại kem chống nắng. Có thể sử dụng viên uống chống nắng phối hợp để bảo vệ da. Ngoài ra, chúng ta cần có biện pháp bảo vệ vật lý như đội mũ rộng vành, đeo kính râm, che ô, đeo khẩu trang, găng tay, tất, quần áo sậm màu và trú dưới bóng râm. Bên cạnh đó uống đủ nước, bổ sung thêm rau củ quả tươi trong bữa ăn hàng ngày” - bác sĩ lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt T.Ư cho rằng, khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giác mạc hấp thu hầu hết các bức xạ UV, gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm, viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng thịt... Do đó, chúng ta hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết, nhất là vào khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ hằng ngày, vì đây là thời gian tia UV hoạt động cao điểm nhất. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
Cũng theo nhiều chuyên gia, trong các đợt nắng nóng cao điểm như hiện nay, việc sốc nhiệt hoặc đột quỵ rất dễ xảy ra. Hầu hết những người phải đi ngoài trời nắng nhiều hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não… Do vậy, trong những ngày nắng nóng, khi ra ngoài trời lúc nhiệt độ tăng cao, không chỉ đề phòng sốc nhiệt mà còn phải trang bị bảo hộ để hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của tia UV.
Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt... Tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, việc phòng các bệnh mùa nắng nóng bằng các biện pháp cho trẻ em là điều cần thiết.