Văn học thiếu nhi: Những khởi sắc từ phương Nam

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 22:10, 02/06/2020

Sau khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, sách báo cho trẻ em ở nước ta đã được phát hành trên toàn quốc từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Đó thật sự là một cơ hội lớn cho việc phát triển của văn học thiếu nhi nước nhà. Và sự khởi sắc ấy đã bắt đầu từ mảnh đất phương Nam.
Văn học thiếu nhi: Những khởi sắc từ phương Nam
Một số đầu sách văn học thiếu nhi của các tác giả phương Nam đã được 
Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc.
“Bà đỡ” cho văn học thiếu nhi thuở ban đầu

Từ 1976, NXB Kim Đồng đã có trụ sở Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, sách Kim Đồng đã được in tại các nhà in ở TP. Hồ Chí Minh và phát hành ở các tỉnh phía Nam. Từ đó số lượng các bản sách phát hành trong cả nước tăng lên rõ rệt (có những tựa sách bản in tới 100.000 bản). Cùng với sự hiện diện của NXB Kim Đồng, năm 1981 NXB Măng Non (tiền thân của NXB Trẻ) đã ra đời tại TP. Hồ Chí Minh, hai nhà xuất bản chuyên làm sách cho trẻ em đã trở thành hai trung tâm khuyến khích sự xuất hiện của một thế hệ nhà văn mới viết cho thanh thiếu nhi ở  Việt Nam. Các nhà văn, các chuyên gia văn học thiếu nhi từ miền Bắc như Thy Ngọc (NXB Kim Đồng), Cửu Thọ, Trần Hoài Dương (NXB Măng Non), các nhà giáo, nhà văn như: Lê Khắc Hoan, Nguyễn Ngọc Ký, Trần Quốc Toàn… đã chuyển vào sinh sống, hoạt động xuất bản, báo chí tại TP. Hồ Chí Minh. Các nhà văn đã thành danh như: Hoàng Văn Bổn, Xuân Sách; các tác giả trẻ mới khởi nghiệp như: Trần Đức Tiến, Cao Xuân Sơn… cũng từ miền Bắc vào vùng đất Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo lập một sự nghiệp văn học mới. 

Có thể nói, cuộc Nam tiến của văn học thiếu nhi từ đất Bắc đã dần khởi sắc ở phương Nam. Văn học thiếu nhi là một bộ phận văn học dễ hòa đồng, hòa hợp hơn so với văn học người lớn. Ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cũng có sách báo dành riêng cho thanh thiếu nhi và cũng có một số tác giả chuyên viết cho thanh thiếu nhi. Những năm cuối thập niên 70 đầu 80 đã có các tác giả miền Nam viết từ trước 1975 tham gia sáng tác gửi bài đến các báo chí của chế độ mới. Nhiều người đã được biết bài hát nổi tiếng Quê hương nhạc của Giáp Văn Thạch được sáng tác từ bài thơ Bài học đầu cho con của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bài thơ đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn quàng đỏ (tờ báo của Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh). Khi đăng bài này, biên tập viên Việt Nga (con của nhà thơ Lê Giang) đã thêm một câu “Sẽ không lớn nổi thành người” ở cuối cùng. Bài hát Quê hương từ bài thơ của Đỗ Trung Quân đã đi vào tâm tư tình cảm của công chúng từ người trẻ tới người già - một dấu ấn tình cảm hòa chung của một thế hệ mới lan tỏa cả hai miền Nam - Bắc. 

Nhiều tác giả viết từ trước 1975 thời kỳ này cũng đã viết trở lại, có sách in ở NXB Trẻ và NXB Kim Đồng như: Võ Hồng (Nha Trang), Nguyễn Thái Hải (Đồng Nai), Kim Hài, Thùy An, Đinh Tiến Luyện (TP. Hồ Chí Minh)... Có nhà văn tham gia làng báo mới như nhà văn Đoàn Thạch Biền (ông vốn là nhà văn viết cho tuổi mới lớn ở miền Nam trước 1975). Khi báo chí thiếu nhi ở miền Bắc vào Nam như: Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng… bạn đọc miền Nam thấy có sự thiếu hụt báo chí dành cho tuổi mới lớn (tuổi teen). NXB Trẻ đã kịp thời nắm bắt được nhu cầu này và nhà văn Đoàn Thạch Biền đã được mời là chủ biên tập san Áo trắng, một tập san văn học dành cho tuổi học trò, sinh viên. Văn học dành cho thanh thiếu nhi ở miền Nam trước 1975 có chú trọng hơn đến tâm lý lứa tuổi, quan tâm nhiều hơn đến tình cảm giới tính của tuổi học trò. Các nhà văn viết cho tuổi “Phượng hồng”(*) có một lối viết trong sáng thể hiện tinh tế tình cảm chớm nở “tình yêu học trò”. Tập san Áo trắng đã là “cái nôi” nuôi dưỡng nhiều tài năng trẻ như:  Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Vũ Đình Giang, Đinh Lê Vũ…  Cũng từ xuất phát điểm viết cho tuổi mới lớn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng NXB Trẻ đã thành công với hàng loạt các tác phẩm: Nữ sinh, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Hoa hồng xứ khác, Bồ câu không đưa thư… tạo nên một “cơn mưa giải nhiệt” cho niềm khao khát đọc sách phù hợp với tâm lý lứa tuổi dậy thì. Năm 1994, 1995 tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã gặp gỡ và cộng tác với NXB Kim Đồng. Với sự nhanh nhạy vốn có Nguyễn Nhật Ánh đã đổi mới cách viết vừa thể hiện phản ánh sinh hoạt nhà trường theo truyền thống văn học thiếu nhi miền Bắc vừa thể hiện tài năng miêu tả tâm lý lứa tuổi tinh tế hóm hỉnh, vừa có cách kể chuyện hấp dẫn lôi cuốn, vừa khơi gợi cảm xúc thiện lành trong tâm hồn độc giả. Bộ sách Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh (45 tập kéo dài từ 1995 đến 2002) ra đời có thể nói là một kỳ tích của văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ đổi mới. Với hàng triệu bản sách được bạn đọc hai miền Nam, Bắc đón nhận nhiệt tình, bộ Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do NXB Kim Đồng ấn hành đã làm được một “cuộc kết nối văn học thiếu nhi Việt Nam”.

“Lực đẩy” từ phương Nam

Để khích lệ và phát hiện tài năng trẻ, NXB Kim Đồng và NXB Trẻ đều tổ chức các cuộc vận động sáng tác và giải thưởng văn học thiếu nhi trong phạm vi cả nước. Nhiều tên tuổi mới đã xuất hiện từ các cuộc vận động sáng tác này như: Lý Lan, Lưu Thị Lương, Nguyễn Thị Bích Nga, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Trương Huỳnh Như Trân (TP. Hồ Chí Minh); Bùi Tự Lực (Đà Nẵng); Thu Trân (Đồng Nai); Nguyên Hương (Đắk Lắk), Mai Bửu Minh (An Giang); Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận)… Các tác giả mới từ các vùng miền khác nhau đã làm nên bức tranh phong phú đa dạng của văn học thiếu nhi Việt Nam trong thế kỷ mới. Năm 2001, Giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học Vì tương lai đất nước lần thứ III (do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức) đã gây tiếng vang trong dư luận với tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Tác phẩm là câu chuyện của một cậu bé lên 10 tuổi kể lại những gì mình mắt thấy tai nghe từ lúc sinh ra và cả sự tưởng tượng của cậu bé từ khi còn trong bụng mẹ. Đọc từng câu từng chữ, từng trang văn của Nguyễn Ngọc Thuần người đọc lâng lâng trong một cảm xúc đẹp thiện lành, yêu thương trong veo, bâng khuâng với cách nhìn thơ ngây mà thấm thía trí tuệ, uyên nguyên. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ không chỉ được bạn đọc Việt Nam tán thưởng mà sức hấp dẫn của cuốn sách đã vượt ra ngoài biên giới được dịch ra tiếng Anh, tiếng Thụy Điển, Hàn Quốc, Thái Lan. Năm 2008, tác phẩm này đã đoạt giải thưởng Peter Pan - Giải thưởng của Ủy ban Quốc tế về sách dành cho thiếu nhi tại Thụy Điển. Sau tác phẩm nổi tiếng Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần là tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam thứ hai được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đạt giải thưởng ASEAN. Sự kiện này đã khiến việc quảng bá văn học thiếu nhi Việt Nam tiếp tục khởi sắc. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được dịch ra tiếng Thái Lan, tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh và được phát hành rộng rãi tại Mỹ.

Bên cạnh những thành công của các tác giả người phương Nam, các tác giả quê miền Bắc vào sinh sống ở miền Nam cũng đã khẳng định mình ở lĩnh vực văn học thiếu nhi. Nhà văn Trần Hoài Dương là nhà văn viết cho thiếu nhi từ Hà Nội, khi vào TP. Hồ Chí Minh ông đã thành công với tác phẩm Miền xanh thẳm đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001. Nhà văn Trần Đức Tiến vốn là cây bút văn xuôi đã có những truyện ngắn hay cho người lớn, khi vào sống ở thành phố biển Vũng Tàu cũng trở thành một nhà văn viết cho thiếu nhi thành đạt. Trần Đức Tiến đã liên tiếp nhận được các giải thưởng cao: Giải Nhất Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng trong Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam -  Đan Mạch. Gần đây tác phẩm Xóm Bờ Giậu của Trần Đức Tiến cũng đã đạt giải B hạng mục Sách Thiếu nhi - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai (2019). Nhà thơ Cao Xuân Sơn cùng từ thơ thanh niên trở nên thành công với thơ thiếu nhi, tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất được giải thưởng hạng mục sách thiếu nhi của Hội Xuất bản Việt Nam (năm 2011). Nhà thơ Trần Quốc Toàn với tập thơ Viết thơ lên cát trắng, nhà thơ Đặng Hấn với tập thơ Cầu chữ Y đều là các tác giả thành danh nhà thơ thiếu nhi ở đất phương Nam. Cùng với thành công của các tác giả gạo cội, các tác giả trẻ từ miền Bắc vào Nam như: Nguyễn Thị Châu Giang, Võ Thu Hương, Hồ Huy Sơn… cũng đã ghi được dấu ấn. Họ là những cây bút trưởng thành trong lĩnh vực văn học thiếu nhi hiện nay đã và đang khẳng định mình trên con đường văn học. Phải chăng miền đất phương Nam tràn đầy nắng gió, trẻ em cũng như con người phương Nam sống hồn nhiên, cởi mở, hào hiệp đã là miền đất nhân văn tươi tốt khiến cho các tài năng văn học thiếu nhi nảy nở, phát triển ra hoa, kết trái?

Nhìn lại chặng đường từ miền đất phương Nam với văn học thiếu nhi Việt Nam trong thời gian lịch sử 45 năm (1975-2020) có thể thấy những thành công văn học thiếu nhi hôm nay chính là thành quả từ sự kiện vĩ đại - ngày 30/4/1975. Đất nước Việt Nam thống nhất mở ra kỷ nguyên mới cho nền văn học Việt Nam, từ truyền thống văn hiến ngàn năm dân tộc ta bước vào cuộc hội nhập với nền văn minh thế giới. Văn học thiếu nhi chính là bộ phận văn học dễ dàng tạo nên sự đồng cảm thân ái giữa các cộng đồng con người khác biệt về màu da, về tôn giáo và cả về chế độ chính trị. Sự phát triển của văn học thiếu nhi hai miền Nam - Bắc trong 45 năm qua đã nói lên những nỗ lực của những người hoạt động văn học thiếu nhi cùng nhau vượt qua “vết cắt lịch sử” 21 năm đất nước bị chia thành hai miền Nam - Bắc để cùng nhau hướng tới một khát vọng chung: văn học thiếu nhi Việt Nam hòa nhập với tinh thần nhân văn của văn học thiếu nhi thế giới. 
.............................................

(*) Phượng hồng: tên một bài hát dành cho tuổi mới lớn, nhạc của 
Vũ Hoàng, phổ thơ Đỗ Trung Quân.

Lê Phương Liên