Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn
Tin tức - Ngày đăng : 08:54, 04/06/2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5. Ảnh: Ly Ly
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 để đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh 46 ngày qua chúng ta không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, phần lớn ca nhiễm COVID-19 đã ra viện, trong đó có ca rất nặng như bệnh nhân số 19, ngay cả bệnh nhân số 91, phi công người Anh, có nhiều tiến triển. Đó là tin vui đối với chúng ta, nhiều tờ báo lớn của quốc tế đưa tin, đánh giá cao nỗ lực và các giải pháp của chúng ta, khẳng định thành công nổi bật của Việt Nam trong phòng chống COVID-19.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ trong phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5, các thành viên chính phủ nhất trí với quan điểm: “Xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội vàng rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế”.
Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, có một số điểm đáng lưu ý, đáng mừng khác là nhiều tỉnh, thành phố có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.
Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Quảng cảnh buổi họp báo thường kỳ chính phủ tháng 5. Ảnh: Ly Ly
Công tác triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai tích cực khắp cả nước. Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng). Nhiều địa phương đã hỗ trợ mở rộng hơn so với Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15. Cho đến nay, về cơ bản, các đối tượng chính sách, người có công đều đã nhận được hỗ trợ. Nhóm đối tượng là công nhân mất việc làm, tạm nghỉ việc cũng đang được các cơ quan chức năng, địa phương hoàn tất các thủ tục để triển khai hỗ trợ.
Mặc dù, trong tháng 5 vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng, tình hình sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có bước hồi phục; nhưng trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Quan điểm của Chính phủ là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; “khó một, chứ khó mười vẫn phải cố gắng vượt qua”, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.
Các thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tập trung thiết lập trạng thái bình thường mới; đồng thời không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.