Người phụ nữ có trái tim nhân hậu
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 11:40, 10/06/2020
Gặp chị trong quán cà phê vào một buổi chiều Hà Nội nắng như lửa đốt, tôi không khỏi ngạc nhiên về người phụ nữ hơn 40 tuổi nhỏ nhắn, xinh xắn và trẻ trung, có trái tim thiết tha nhân hậu đến thế lại phải trải qua những biến cố thăng trầm nghiệt ngã của số phận. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, chị vẫn cống hiến hết mình cho cho công việc và các công tác thiện nguyện.
Chị Nguyễn Thị Phương
Vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết
Chị là Nguyễn Thị Phương, được mọi người gọi thân thương với cái tên Phương Anh. Sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, sau khi đỗ đại học ngành kinh tế chị xuống Hà Nội học. Cũng như bao cô gái khác, chị Phương có những ước mơ hoài bão, những bay bổng của tuổi trẻ. Tuy học ngành kinh tế nhưng chị lại thích những vai diễn với nhiều số phận khác nhau trong cuộc đời.
Vai diễn đầu tiên của chị là một vai nhỏ lúc chị đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng niềm đam mê với môn nghệ thuật thứ bảy vẫn theo chị cho đến tận sau này. Và thỉnh thoảng chị mới đi theo đoàn để đóng phim, nhưng với chị, qua những chuyến đi để hoàn thành vai diễn đã giúp chị tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu.
Rồi sở thích đấy của chị cũng tạm gác lại, chị lấy chồng, sinh con, tiếp tục công việc của một nhân viên ngành viễn thông, chăm sóc gia đình và dành thời gian đi làm những công việc thiện nguyện.
Chị Phương thường xuyên đến thăm các em nhỏ ở trại trẻ mồ côi.
Nhưng cuộc đời của chị đã thay đổi. Trong một lần đến Bệnh viện 354 để khám sức khỏe, bác sĩ đã phát hiện ra chị bị phình động mạch não. Tất cả như sụp đổ trước mắt, chị nghĩ rằng như vậy là chấm hết, bao nhiêu ước mơ còn dang dở, bao nhiêu việc chưa làm, cậu con trai còn chưa đủ trưởng thành để rời xa vòng tay mẹ, rồi người thân, bạn bè… lại cũng chính lúc này, chị nhận ra, mái ấm gia đình của mình không còn được như trước.
Những tủi hờn, cay đắng, số phận như đang trêu đùa với chị. Chị vẫn nhớ ngày lên bàn mổ, hai ngày liền chị hôn mê, rồi hai tháng ròng rã nằm viện gần như một mình chị phải tự xoay xở vì con còn nhỏ, bố mẹ lại ở xa thỉnh thoảng mới xuống thăm con được. Nhưng kỳ lạ, chính lúc ấy chị thấy không còn sợ hãi với bệnh tật. Chị chấp nhận nếu chẳng may mình không được sống cũng không sao, trong đầu chị hiện lên một suy nghĩ sẽ làm một việc gì đó có ích cho xã hội, cho cộng đồng… Kể đến đây, chị cười, rồi nói, ông trời không lấy đi hết của ai bao giờ, chị đã dành giật lại được sự sống, đã bước qua được lằn ranh của cái chết. Đến lúc đó chị mới hiểu rằng, sức khỏe là điều quan trọng nhất, có được sức khỏe mình sẽ làm được…
Cho đi là còn mãi
Sau khi ra viện, phải nửa năm sau sức khỏe của Phương mới hồi phục. Khi sức khỏe ổn định, chị đi đăng ký hiến mô tạng với suy nghĩ, biết đâu nếu mình chết đi vẫn còn có ích cho xã hội, mô tạng của mình sẽ cứu được người khác, sẽ giúp được ngành khoa học nước nhà... Nhưng đây là điều không phải dễ, bởi gia đình chị không đồng ý cho chị làm điều này, đặc biệt là mẹ chị. Bà nói rằng, bà đã mất công sinh ra và nuôi nấng một đứa con nên người như thế này thì không thể để cho con hiến tạng đi được, cả những người thân của chị cũng vậy. Họ yêu thương chị và không muốn điều đó. Cũng phải mất một thời gian chị mới thuyết phục được gia đình đồng ý, bởi khi gia đình đồng ý bệnh viện mới nhận đơn hiến nội tạng của chị.
Chị Phương và những người bạn của mình tự nấu ăn và đi phát cơm cho những người vô gia cư.
“Tôi nghĩ rằng, việc làm của những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa nhất, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống hôm nay. Lúc này, sự ra đi của họ không còn là hư không, vô nghĩa, bởi từ cái chết này, một sự sống khác được hồi sinh và sự “cho đi là còn mãi” của họ trở thành tấm gương, động lực để những người sống học tập làm theo và nhân rộng trong cộng đồng xã hội” - chị Phương chia sẻ. Chị cũng tâm sự, chính suy nghĩ này đã giúp chị có được cái nhìn lạc quan hơn về cuộc đời, về hạnh phúc.
Cũng chính bởi sự lạc quan ấy, mà chị vẫn say mê với công việc. Chị vừa là một nhân viên của ngành viễn thông, vừa là CEO của một công ty riêng, vừa làm bố vừa làm mẹ của con mình rồi còn nhận tham gia nhiều hơn những vai diễn, những game show… Với nghệ danh là Kami, là một diễn viên tự do, chị Nguyễn Thị Phương đã tham gia một số game show: Sức khỏe vàng trên sóng VTV3, Sống khỏe mỗi ngày trên sóng VTV2, Những người phụ nữ có gu trên sóng VTV 6. Chị cũng đã góp mặt trong một số phim truyền hình: Cô gái nhà người ta, Bão ngầm, Người nối nghiệp, Những cô gái ngàn đô, Tháng năm giữ dội, Mặt nạ hạnh phúc ,Tình yêu và tham vọng...
Chính vì đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều những cảnh đời, những số phận không may mắn, chị còn trở thành mẹ đỡ đầu cho hai em bé có có hoàn cảnh khó khăn ở Thái Nguyên và Hải Dương. Một bé vì bố mẹ chia tay mà không được học hành, thương con chị đã đồng ý hỗ trợ tiền học để bé được đến trường như bao đứa trẻ khác. Còn một bé được chị đỡ đầu nuôi nấng từ khi bé mới 3 tuổi, đến nay bé 7 tuổi và đã trở về với gia đình của mình.
Cũng đã 3 năm liền chị là thành viên của Hội hiến máu thiện nguyện 1979, thành viên của diễn đàn OTOFUN thường đi hiến máu ở các bệnh viện như: Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Quân đội 108, rồi thường xuyên đi phát cháo ở Viện bỏng Quốc gia vào mỗi chiều thứ 4 hàng tuần. Chị còn đến các trại trẻ mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội), chùa Bồ Đề, Trung tâm bảo trợ xã hội IV ủng hộ sách vở và nhu yếu phẩm giúp giúp các cháu ở đó… Ngoài ra, chị và những người bạn của mình đã tự nấu cơm và thức ăn rồi đi phát cho những người vô gia cư…
Vượt qua bệnh tật, qua nỗi đau của hạnh phúc, những công việc thiện nguyện không tên của chị Phương thật đáng quý, đáng trân trọng, đã phần nào giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa.