Đại biểu Quốc hội: Cơ chế tài chính, chính sách hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:13, 12/06/2020
Sáng 12/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Thủ đô Hà Nội.
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội dù hiện nay, Hà Nội là địa phương duy nhất của cả nước có luật của riêng mình (Luật Thủ đô).
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) chỉ rõ, năm 2017, Chính phủ có Nghị định 63 quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô quy định một số cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Qua 3 năm thực hiện Nghị định 63 đã đạt một số kết quả bước đầu trong việc huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận thấy, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách hiện hành chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức ở nhiều lĩnh vực như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định bền vững, tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng dân số cơ học.
Cùng với đó là, quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết căn cơ... Trong khi đó, quyền hạn và nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò, trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước và các vùng lân cận.
Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc xem xét, bổ sung cơ chế chính sách về tài chính, ngân sách sẽ cho phép Hà Nội huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, đáp ứng đòi hỏi của thực tế phát triển. Các cơ chế, chính sách này cũng sẽ giúp thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là Thủ đô, là động lực phát triển của vùng và của cả nước; đưa TP Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn so với trung bình cả nước và cao hơn hơn giai đoạn 2020-2025; trở thành đô thị phát triển năng động, hiệu quả và có sức cạnh tranh trong nước cũng như khu vực, quốc tế.
“Có đại biểu cho rằng có địa phương được hưởng nhiều cơ chế đặc thù cho nên chỉ dành cơ chế đặc thù cho tỉnh nghèo, có điều kiện còn nhiều khó khăn để giúp cho các tỉnh đó vươn lên. Nhưng tôi có ý kiến khác, đúng là địa phương nào cũng có đặc thù nhưng mỗi địa phương có điều kiện khác nhau thì cơ chế cũng có quy định riêng cho các địa phương ấy. Trong thời gian qua có quá nhiều đặc thù mà ít nhiều cũng gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền đặc lợi. Do đó không nên dùng từ đặc thù trong văn bản này và cân nhắc bỏ từ đặc thù trong dự thảo nghị quyết” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương góp ý.
Phân tích các nội dung cụ thể được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, một số ĐBQH cho rằng, trong số 9 cơ chế đặc thù thì có 7 cơ chế có tính tương đồng với cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù của TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Còn lại hai cơ chế khác thì cơ bản theo các ĐBQH cũng phù hợp. Ví dụ, cơ chế được sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi dư đầu tư cho các công trình cấp bách thực chất cũng phù hợp với chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên hiện nay. Trong khi đó, cơ chế được sử dụng ngân sách của TP để hỗ trợ cho địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn lại thể hiện rõ tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội. Chính vì vậy, các ĐBQH cho rằng, không có gì phải băn khoăn khi thông qua cơ chế này với Hà Nội.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong thời gian qua có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành, ít nhiều dẫn đến cách hiểu như đặc quyền đặc lợi. Do vậy, các đại biểu này cho rằng, không nên dùng từ “đặc thù” nữa và nên bỏ hai từ này trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Đây không phải né tránh mà là cơ chế chính sách cho địa phương nào riêng cho địa phương ấy. Để tên dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đối với TP Hà Nội là đủ. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, Chính phủ cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, để đáp ứng điều kiện phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất như Nghị quyết, bởi trong đó có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho TP Hồ Chí Minh trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt.
“Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình. Hai là cơ chế sử dụng ngân sách TP hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn - đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì khó khăn” – đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Các 7 cơ chế còn lại Quốc hội cũng đã thông qua cho TP Hồ Chí Minh và TP Hồ Chí Minh đang áp dụng tốt như xin được tự quyết điều chỉnh phí, lệ phí hoặc thêm phí mới chưa có trong Luật phí, lệ phí thì có thể tạo ra dịch vụ tốt hơn ở một số khu vực.
Hay cơ chế Hà Nội xin được hưởng 50% tiền sử dụng đất với việc chuyển tài sản trên đất, thực chất tiền này dành 70% trang trải cho di dời đầu tư xây dựng, thực hiện chuyển đổi, nên phần còn lại 30%. Việc này thúc đẩy chuyển dịch tài sản đất đai ở nơi không hiệu quả, các đơn vị sử dụng vị trí đặc địa họ sẽ tích cực hơn chuyển đổi, di dời.
Còn cơ chế cho phép Hà Nội được hưởng tiền thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thuộc các DN mà TP Hà Nội quản lý, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thực chất tại Luật Ngân sách cũng quy định nguồn thu về vốn từ các DN mà địa phương quản lý thì thuộc ngân sách địa phương. Nghị quyết thông qua là phù hợp và góp phần thúc đẩy cổ phần hoá DNNN do địa phương quản lý, khuyến khích để cổ phần hoá được giá trị nhiều hơn.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) ví một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là “nhà mặt tiền” của quốc gia, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hoá xã hội và là trái tim cả nước.
Điều đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn là cơ chế nào để phát huy tiềm lực của Hà Nội, của "nhà mặt tiền" mà Hà Nội có.
kinhtedothi