Người đúc đồng nổi tiếng xứ Thanh
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 20:01, 20/06/2020
Tìm về làng Chè, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), ai cũng biết nghệ nhân Lê Văn Bảy. Ông không chỉ là người phục hưng nghề đúc đồng truyền thống nổi tiếng xứ Thanh, mà còn là người đã từng đúc trống đồng lớn nhất Việt Nam và nhiều đồ đồng nổi tiếng cả nước. Không những vậy, ông còn truyền lửa cho nhiều thế hệ trẻ trong làng phát triển nghề vươn xa.
Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên hai sản phẩm sập gụ, tủ chè tinh xảo và độc đáo
Theo những bậc cao niên trong làng, nghề đúc đồng ở làng Chè ra đời từ khoảng thế kỷ 17, khi đó dòng họ Vũ đưa nghề đúc đồng về cho làng Chè nên ở làng còn có câu ca “đất họ Lê - nghề họ Vũ”, nhưng để kết hợp cổ kim, “khai sáng” phát triển nghề như nghệ nhân Lê Văn Bảy thì không nhiều. Vì quá đam mê với nghề và không muốn nghề đúc đồng của ông cha để lại bị thất truyền, hơn 40 năm theo nghề với những khó khăn, thiếu thốn, năm 2013 ông thành lập Công ty TNHH đúc đồng truyền thống Bảy Tuyên, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động tại địa phương.
Theo ông Bảy, sản phẩm trống đồng thường mang yếu tố tâm linh. Vì vậy, khi thực hiện các bước đúc trống, người thợ bao giờ cũng làm lễ xin phép ông tổ nghề đúc để sản phẩm được hoàn thiện về cả âm thanh, hoa văn, màu sắc. Cái tâm và độ tinh xảo của người thợ nghề cũng được nhìn từ những sản phẩm này. Những năm đầu, trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công theo mẫu phiên bản trống đồng cổ xưa của Việt Nam nhằm phục vụ chủ yếu cho một lớp người, nhưng nay, sản phẩm được sử dụng phổ biến, rộng rãi.
Chia sẻ về những kinh nghiệm để đúc thành công các sản phẩm có nguyên liệu từ đồng, nghệ nhân Lê Văn Bảy cho hay, trước hết, để đúc được sản phẩm theo kiểu dáng mà khách hàng đã đặt, người thợ phải tìm loại đất sét có đủ độ rắn nhằm tạo ra khuôn mẫu. Việc tạo ra khuôn mẫu này đòi hỏi người thợ phải lành nghề, ví như việc trang trí họa tiết hoa văn đàn chim Lạc trên trống đồng cổ phải tuân theo đúng mẫu hoa văn cổ vậy… Trong quá trình tạo khuôn, người thợ phải chú ý, không để cong vênh, sửa sang khuôn sao cho chuẩn. Kế đến là công đoạn chọn, thu mua sao cho được nguyên liệu đồng nguyên chất với đủ số lượng thành phẩm; đun đồng và đổ vào khuôn. Sau khi sản phẩm đã hình thành, người thợ phải thao tác “làm tinh” - tức là đánh bóng, khắc họa tiết theo mẫu khách hàng đặt. Đáng chú ý, nhằm hạn chế quá trình ôxi hóa trên các sản phẩm, người thợ sẽ sơn, mạ một lớp dầu bóng để bảo quản. Trong các công đoạn đúc trống thì yếu tố trọng yếu và cũng được coi là bí mật nghề nghiệp của người thợ đúc là âm của trống, thể hiện trình độ đẳng cấp giữa những người thợ đúc trống. Âm của trống đồng cũng như giọng nói của con người, khi âm trống vang lên người sành âm sẽ hiểu được giá trị trống ở mức độ nào. Ở thời này, người thẩm âm chuẩn không nhiều, để xử lý được âm của trống giống như âm của những chiếc trống cổ nguyên thủy đòi hỏi người thợ phải có một khả năng thẩm âm không thua kém gì những nhà thẩm âm chuyên nghiệp. Đồng thời, thợ đúc phải biết kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố về độ dày mỏng của trống với chất lượng nguyên liệu, độ nung... Trong các đơn đặt hàng của mình, ông nhớ nhất hồi đúc trống cho làng trên rẻo cao của Hà Giang. Những chiếc trống của đồng bào qua mấy chục năm bị rách, họ muốn có trống mới nhưng âm không được sai lệch so với trống cũ. Sau nhiều tháng ròng vất vả, với tài hoa anh em làng nghề và hơn một chút may mắn, chiếc trống đồng mới đáp ứng đúng yêu cầu của đồng bào.
Theo nghệ nhân Lê Văn Bảy, thời gian thực hiện các công đoạn trên tùy thuộc vào từng sản phẩm, kích thước cụ thể đi kèm. Có khi 1-2 tháng cũng có khi đến cả năm trời.
Ông Bảy khẳng định, chiêng thì không đâu qua Phước Kiều, trống thì không đâu nổi Chè Đông. Những thạp đồng, ly, đỉnh, hạc, rùa, các đồ thờ bằng đồng khác và hàng trăm loại sản phẩm kể cả đồ lưu niệm thì đâu cũng giống nhau, hơn nhau ở độ tinh xảo hay độ giả cổ (kỹ xảo đánh đồng) thôi, nhưng để ghi tên ở “bảng vàng” thì phải kể đến chiêng và trống đồng là vậy. Đó là bởi âm thanh của hai sản phẩm này. Vạt mỏng một tí đồng trên sản phẩm khi làm nguội hay kỹ thuật pha đồng lúc làm nóng tựa hồ cũng khó như thuật luyện kim sẽ quyết định tiếng đồng ở lại với nhân gian. Các sản phẩm của công ty đã có thương hiệu cũng như uy tín, được khách hàng đến tận nơi đặt mua cho gia đình, làm quà biếu, được trưng bày ở những nơi sang trọng nhất trong nhà.
Năm 2009, nghệ nhân Lê Văn Bảy và các cộng sự đã đúc thành công chiếc trống đồng kỷ lục Đông Nam Á với đường kính 1,51m, vượt qua chiếc trống đồng lớn nhất khu vực lúc ấy ở Indonesia (đường kính 1,3m). Lúc bấy giờ, chiếc trống đồng được cho là lớn nhất thế giới thể hiện nỗ lực không ngừng của ông.
Năm 2013, ông Lê Văn Bảy cùng nhóm nghệ nhân làng nghề Chè Đông vừa đúc thành công chiếc trống đồng được cho là lớn nhất thế giới theo phương pháp thủ công, với trọng lượng 8 tấn, chiều cao thân 2m và đường kính mặt 2,7m. "Có thể khẳng định đây là trống đồng lớn nhất thế giới được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống bởi trong một cuộc hội thảo về trống đồng gần đây, các nhà sử học, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam đều khẳng định, trống đồng lớn nhất thế giới ở Trung Quốc chỉ có đường kính mặt 1,8m", nghệ nhân Lê Văn Bảy nói.
Đặc biệt, gần đây nhất ông đã đúc thành công hai sản phẩm sập gụ, tủ chè: Sập gụ dài 2m, rộng 1,6m; tủ chè dài 1,8m, rộng 50cm. Đây là hai sản phẩm tinh xảo và độc đáo chưa từng có chứa đựng phong tục tập quán và những nét đẹp văn hóa trong truyền thống của làng quê Việt Nam.
Những đóng góp của nghệ nhân Lê Văn Bảy được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, đã được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận. Ông vinh dự được các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen. Sản phẩm trống đồng của ông đã được công nhận kỷ lục Guiness năm 2008, 2009...
Nhìn lại chặng đường đã qua, người nghệ nhân này không thể thống kê được mình đã tạc bao nhiêu sản phẩm bằng đồng và đã có biết bao sản phẩm trở nên nổi tiếng. Với nghệ nhân Lê Văn Bảy, phần thưởng cao nhất là mơ ước giữ gìn và phát triển nghề đúc đồng truyền thống của gia đình và quê hương đã trở thành hiện thực. Có thể nói nghệ nhân Lê Văn Bảy là người đã phục hưng nghề đúc đồng xứ Thanh, người thổi hồn vào những sản phẩm văn hóa đầy sáng tạo và người đã thổi bùng lên ngọn lửa nghề truyền thống cho nhiều thế hệ mai sau.