Mẫu số lợi ích chung gắn kết ASEAN càng được nhân lên trong bối cảnh khó khăn, thử thách
Tin tức - Ngày đăng : 14:42, 26/06/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Việt Nam và các nước đã quyết định tổ chức hội nghị lần này theo hình thức trực tuyến. Đây sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo ASEAN rà soát lại các công việc của ASEAN từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 (tháng 11-2019) đến nay và đưa ra các định hướng cho công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN trong thời gian tới.
Phiên khai mạc có 300 khách mời quốc tế và trong nước tham dự. Về phía ASEAN có lãnh đạo các nước trong khối; Bộ trưởng phụ trách các trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh, Văn hóa - Xã hội và Kinh tế của các nước; Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; Trưởng Quan chức cao cấp ASEAN tại ba trụ cột; các Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực các nước ASEAN (CPR). Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana, đại diện Ngoại giao đoàn tại Hà Nội… cũng là những khách mời của sự kiện lần này.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ.
Đoàn đại biểu phía Việt Nam còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) 41 Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 Phạm Bình Minh; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng…; lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao. Về phía thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến. Thủ tướng cho rằng, nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng diễn ra trên các mạng kết nối toàn cầu đã phản ánh thực tế rằng nhiều phương thức vận hành công việc đang buộc phải thay đổi, không chỉ do phát triển của khoa học công nghệ, mà còn do thách thức chưa từng có: Dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dịch Covid-19 mới bùng phát, lan rộng từ đầu năm 2020 đã gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Thủ tướng nhận định sự bùng phát của dịch bệnh, càng thổi bùng thêm những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị - kinh tế - xã hội của thế giới và mỗi khu vực. Các thể chế đa phương và quy định của luật pháp quốc tế chịu nhiều thách thức nghiêm trọng. Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn càng bộc lộ rõ nét và bị đẩy lên cao.
Thủ tướng nêu rõ, chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của ASEAN 2020 được triển khai trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động. Trải qua 5 năm hình thành Cộng đồng, ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa chiến lược toàn cầu cũng như tác động của dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh này, bản lĩnh của Cộng đồng ASEAN được thể hiện rõ nét, gắn kết chặt chẽ các thành viên tạo nên sức mạnh tổng hợp để tranh thủ hiệu quả các cơ hội, vững vàng vượt qua thử thách.
Cho rằng trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã để lại hệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia thành viên ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Qua đó, tới nay các thành viên ASEAN cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình. Tuy tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân ASEAN được dự báo tăng trưởng mức thấp trong năm 2020, nhưng các nền kinh tế ASEAN vẫn giữ được ổn định”.
Thủ tướng cho rằng, trọng trách nặng nề trên vai chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và cá nhân các nhà lãnh đạo ASEAN trong thời gian nửa năm 2020 còn lại là phải đưa ASEAN vượt qua giai đoạn cam go đầy khó khăn này, minh chứng cho giá trị và sức sống vững bền của một cộng đồng tự cường và năng động.
Thủ tướng kỳ vọng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ là dịp tái khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết tâm cao của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên các khó khăn thách thức, vững vàng đi tới. Một mặt cần kiểm soát tốt dịch Covid-19, mặt khác, cần sớm khắc phục hậu quả của dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế; đồng thời nỗ lực hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, là cộng đồng rộng mở, một đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế, ASEAN sẽ không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các đối tác. ASEAN cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bày tỏ tin tưởng mỗi cơn phong ba sẽ khiến bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn kết bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN, Thủ tướng khẳng định: “Mẫu số lợi ích chung gắn kết các quốc gia thành viên ASEAN hơn 5 thập kỷ qua càng được nhân lên trong bối cảnh khó khăn, thử thách. Dịch bệnh Covid-19 là phép thử để ASEAN càng khẳng định bản lĩnh của một Cộng đồng ngày càng trưởng thành”.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn, hội nghị sẽ thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên thử thách, thúc đẩy tăng trưởng” và đó sẽ là kim chỉ nam cho ASEAN tự tin trên bước đường tiếp theo.
Sau phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bước vào phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.