Giữ vững và phát huy phẩm chất ''Bộ đội Cụ Hồ'' thời kỳ mới
Tin tức - Ngày đăng : 23:14, 02/07/2020
Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” gắn liền với quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành giá trị văn hóa quân sự tiêu biểu của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Nhân dân gọi “Bộ đội Cụ Hồ” vì niềm tin son sắt đối với quân đội, một quân đội là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cùng với tiến trình lịch sử, “Bộ đội Cụ Hồ”, từ một danh xưng đã trở thành một mô hình nhân cách tiêu biểu, độc đáo ở Việt Nam. Giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn có mối quan hệ thống nhất biện chứng với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, bảo đảm quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; là nhân tố quan trọng tạo thành sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp đối với việc giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Đây là biện pháp then chốt, quyết định việc giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Với vị trí, vai trò, chức năng, chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì các cấp quyết định chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, các nhiệm vụ và việc giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của đơn vị, cá nhân thuộc quyền. Mặt khác, do tính đặc thù của việc giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với xây dựng con người, liên quan đến con người thì vai trò của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp càng đặc biệt quan trọng.
Để giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, trước hết cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp phải có nhận thức đúng, trách nhiệm cao, xác định là nhiệm vụ quan trọng thuộc về chức năng, chức trách, nhiệm vụ. Thường xuyên quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội và các nghị quyết, chỉ thị có liên quan…Trên cơ sở đó cụ thể hóa thành chủ trương, chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và kế hoạch tổ chức thực hiện.
Thường xuyên quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng, kỷ luật, chủ động phòng ngừa các sai phạm làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống quân đội và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; kiên quyết xử lý vi phạm của tập thể, cá nhân để giáo dục, răn đe, không để xảy ra chạy theo thành tích, bao che khuyết điểm.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ.
Đây là biện pháp cơ bản nhằm giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Kết quả hoạt động thực tiễn của con người đều bắt nguồn từ nhận thức, tư tưởng; do nhận thức, tư tưởng định hướng, điều khiến và chỉ có nhận thức, tư tưởng đúng mới đem lại hiệu quả cao, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được. Công tác giáo dục, tuyên truyền một mặt giải quyết vấn đề nhận thức, xây dựng trách nhiệm, quyết tâm của các chủ thể, các tổ chức, lực lượng và mỗi cán bộ, chiến sĩ để giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn lan tỏa trong xã hội, trong lòng nhân dân mặt khác làm thất bại âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng ở tất cả các cấp về công tác giáo dục, tuyên truyền phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và từng bước triển khai tuyên truyền, giáo dục trên không gian mạng phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ mỗi cơ quan, đơn vị; chú trọng bám sát thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tiến hành công tác dân vận, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...; các gương điển hình tiên tiến, người thật, việc thật; tập trung khắc họa sâu sắc các gương dũng cảm, quên mình trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nhân dân, chống tội phạm... để tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trên các phương tiện truyền thông.
Phát huy tốt vai trò nòng cốt tuyên truyền, giáo dục của các phương tiện thông tin đại chúng do quân đội quản lý gắn với phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông khác. Kết hợp giữa tuyên truyền trong nước với tuyên truyền ở ngoài nước, phát huy tốt các hoạt động của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc.
Ba là, phát huy vai trò tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ ” thời kỳ mới của cán bộ, chiến sĩ.
Đây là biện pháp quan trọng, trực tiếp động viên, khơi dậy, phát huy nhân tố chủ quan của cán bộ, chiến sĩ trong việc giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực tiễn chứng minh, ở đâu và chỉ khi nào, mỗi cán bộ, chiến sĩ ý thức sâu sắc về sự cần thiết, tự hào và luôn tự giác làm chủ bản thân, tự giác tu dưỡng rèn luyện thì phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được hình thành, phát triển và giữ vững, phát huy trong mọi điều kiện hoàn cảnh, nhất là trong tình hình hiện nay. Chính vì vậy, biến quá trình bồi dưỡng, rèn luyện thành quá trình tự bồi dưỡng, rèn luyện vừa là giải pháp quan trọng, vừa là yêu cầu thường xuyên nhằm giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Để phát huy vai trò tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ, trước hết giáo dục về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tự tu dưỡng, rèn luyện đối với hình thành phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng nói chung và giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới nói riêng. Tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm trong tự rèn luyện, tu dưỡng, có ý chí phấn đấu vươn lên, luôn nghiêm khắc và yêu cầu cao với chính mình, luôn biết đặt cho mình những mục tiêu rèn luyện, tu dưỡng. Xây dựng niềm tin vào khả năng của bản thân, tinh thần lạc quan, không ngại khó khăn, gian khổ.
Trên cơ sở đăng ký, cam kết phấn đấu thực hiện nội dung xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với đăng ký cam kết thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua quyết thắng, các cuộc vận động của các cấp, các ngành và thực hiện nhiệm vụ hằng năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần xây dựng và tự giác thực hiện kế hoạch giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ ” thời kỳ mới.
Giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong toàn quân và từng cơ quan, đơn vị. Vai trò đó trước hết là theo chức năng, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các tổ chức, lực lượng tác động vào quá trình quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện quân nhân; mặt khác hoạt động của các tổ chức là môi trường thực tiễn để mỗi thành viên hình thành, giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Có thể khẳng định, đây là biện pháp cơ bản, góp phần quan trọng bảo đảm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được giữ vững, phát huy trong tình hình mới.
Đối với cơ quan chính trị các cấp, trước hết cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” theo chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng cấp trên. Nắm chắc tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, thực trạng giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để tham mưu, đề xuất chủ trương, chỉ tiêu, biện pháp lãnh đạo và kế hoạch tổ chức thực hiện sát đúng.
Đối với các tổ chức quần chúng, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên, hội viên về mục đích, yêu cầu, nội dung giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Đối với hội đồng quân nhân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, phát huy dân chủ trên các mặt, bồi dưỡng nâng cao ý thức, trình độ dân chủ của mọi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận.
Phẩm chất nói chung và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nói riêng luôn được hình thành, phát triển trong một điều kiện xã hội, môi trường tập thể nhất định. Xây dựng môi trường văn hóa chính là tạo dựng những yếu tố khách quan tác động thuận chiều đến quá trình giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và suy cho cùng chỉ trong môi trường văn hóa thì những yếu tố chủ quan của mỗi cán bộ, chiến sĩ mới có thể được phát huy cao nhất để tu dưỡng, rèn luyện theo nội dung xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Mặt khác, trung với Đảng, hiếu với dân, đoàn kết quân dân cá nước, gắn bó máu thịt là đặc trưng cốt lõi của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, môi trường văn hóa quân sự, chất lượng, hiệu quả công tác dân vận đang đứng trước nhiều thách thức, trở ngại. Vì vậy, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đổi mới nâng cao chất lượng công tác dân vận là biện pháp quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục một cách kiên trì nhằm giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Sáu là, kết hợp giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với đẩy mạnh đấu tranh chống quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch thời kỳ mới.
Kết hợp giữa “xây” với “chống” là phương châm xuyên suốt quá trình giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là trong tình hình hiện nay. Vì vậy đẩy mạnh đấu tranh chống quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch là giải pháp quan trọng, trực tiếp làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” của các thế lực thù địch nhằm chống phá quân đội về chính trị. Mặt khác, thực hiện tốt biện pháp này góp phần quan trọng phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ, làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được giữ vững, phát huy và lan tỏa sâu rộng.
Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị nhằm giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực sự xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm của mặt trận đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trước hết, cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho cán bộ, chiến sĩ về âm mưu thủ đoạn xuyên tạc giá trị, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng hiện nay. Làm tốt công tác nắm dự báo tình hình, âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị để chủ động có kế hoạch, phương án đấu tranh hiệu quả. Kết hợp đấu tranh trực diện, vạch trần quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng với đẩy mạnh đấu tranh trên không gian mạng, tuyên truyền đấu tranh trên các địa bàn đóng quân.
Thường xuyên chăm lo kiện toàn, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt làm hạt nhân đấu tranh trực diện bảo vệ giá trị, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời động viên, phát huy đông đảo, rộng khắp các tổ chức, các lực lượng tích cực tham gia tạo thành mạng lưới đấu tranh sâu rộng.
Giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chỉ huy và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân, hơn lúc nào hết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; tình cảm sâu đậm với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác chính quy, khoa học; chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, pháp lụật của Nhà nước, có khát vọng cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, mãi mãi xứng đáng với truyền thống, bản chất tốt đẹp của quân đội, danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.