Hiệu quả từ cây, con giống chất lượng cao
Tin tức - Ngày đăng : 11:36, 08/07/2020
Nông dân xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) chăm sóc đàn bò BBB. Ảnh: Mạnh Hà
Những thành công đáng ghi nhận
Xác định chất lượng giống có vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất, mỗi năm Hà Nội đầu tư hàng chục tỷ đồng vào công tác này. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, đối với lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội đã tạo ra nhiều giống lúa mới có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn và thích ứng được với sự biến đổi của khí hậu như: Giống lúa Japonica J02, ĐS1, Vaas16, Lộc trời 604, J01, J02. Đây là tiền đề quan trọng để bổ sung, mở rộng bộ giống lúa Nhật Bản cho Hà Nội.
Từ thực tế sản xuất vụ xuân 2020, bà Nguyễn Thị Thư ở xã Tự Lập (huyện Mê Linh) chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: “Gia đình tôi trồng giống lúa Japonica, năng suất đạt hơn 62 tạ/ha, cao hơn khoảng 15 tạ/ha so với các giống lúa khác”.
Với cây ăn quả, Hà Nội đã đưa một loạt giống mới vào sản xuất như: Nhãn chín muộn, bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc… Đây là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu cuối năm 2020, toàn thành phố có 1.384ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao và tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao chiếm 15%-20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả.
Với ngành chăn nuôi, là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất giống cho chăn nuôi của Thủ đô, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong chia sẻ, để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của thành phố, đơn vị đã đẩy mạnh lai tạo giống bò BBB trên nền bò lai Sind thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn Hà Nội. Qua đó đã mang lại giá trị từ chăn nuôi bò F1 BBB đạt hơn 3.000 tỷ đồng/năm; tăng 1.300 tỷ đồng/năm so với giống bò thịt khác.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững và tăng cường năng lực cho sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Ngành Nông nghiệp thành phố đã tạo ra nhiều giống lúa mới, giống cây ăn quả, có năng suất cao. Đối với giống chăn nuôi, Hà Nội đã lai tạo thành công giống bò BBB, Brahman. Cùng với đó, chất lượng đàn lợn giống cũng có bước chuyển biến tích cực. Hiện số lượng đàn lợn nái có khoảng 130.000 con, trong đó tỷ lệ lợn nái ngoại thuần chủng chiếm 86% tổng đàn… Đây là những yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 1,61%.
Tăng cường năng lực cho các trạm giống cây trồng, vật nuôi
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, thành phố có hơn 110 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, nhưng giống lúa mới đáp ứng được 70%, cây ăn quả là 30%-40%. Trong khi đó, sản xuất giống vật nuôi vẫn tập trung ở những cơ sở, trang trại, chưa xây dựng được vùng chuyên sản xuất giống chất lượng cao.
Từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế kể trên, thành phố đã có “kịch bản” hỗ trợ các địa phương khôi phục và phát triển nông nghiệp sau dịch bệnh và một trong những ưu tiên là đưa giống cây trồng, vật nuôi mới hiệu quả cao vào sản xuất. Do đó, các địa phương cần sớm rà soát, bổ sung và đưa vào cơ cấu giống ngay trong vụ mùa, vụ thu đông tới đây, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Ở góc độ địa phương, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất như: Giống lúa Japonica triển khai ở cả vụ xuân và vụ mùa; bưởi Diễn, dưa lưới vàng giống Nhật Bản, giống bò BBB… để thúc đẩy tăng.
Cũng để đưa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất, từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Anh Hào, chủ trang trại sản xuất giống lợn ở huyện Đông Anh cho biết: Ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu cho thành phố có chính sách quảng bá các giống vật nuôi hiệu quả, năng suất cao do chính nông dân Hà Nội lai tạo. Đây là tiền đề để lan tỏa nhanh chóng đến người chăn nuôi trên địa bàn và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với tăng cường năng lực cho các trạm giống cây trồng, vật nuôi, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ xây dựng Trung tâm Giống cây trồng công nghệ cao ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) nhằm bảo tồn một số cây trồng có giá trị kinh tế và sản xuất giống gốc, giống đầu dòng cây ăn quả; phấn đấu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 100.000 cây giống đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đưa những giống vật nuôi có chất lượng cao về lai tạo, nhằm cải thiện chất lượng đàn giống bò, lợn, gia cầm.