GS.TS Nguyễn Việt Bắc: Gieo "mùa vàng" từ những say mê
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:56, 12/07/2020
GS.TS Nguyễn Việt Bắc hẹn gặp tôi trong căn nhà nhỏ ở phố Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khoảng sân nhỏ trước nhà mướt màu xanh của lá khiến tôi càng thêm tò mò hơn về chủ nhân của ngôi nhà. Và câu chuyện ông kể cuốn tôi theo những chặng đường, những say mê, nhiệt huyết của một người trí thức đã đóng góp không nhỏ cho những thành tựu của nền khoa học và công nghệ nước nhà.
Những “chiếc nôi” nuôi dưỡng đam mê
GS.TS Nguyễn Việt Bắc sinh năm 1948 tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ông ngoại ông là cố GS. Dương Quảng Hàm – một nhà nghiên cứu văn học sử, nhà giáo dục nổi tiếng của Việt Nam; các cô, các cậu trong gia đình ông cũng là những người đã khẳng định được tên tuổi trong nhiều lĩnh vực như: GS. Dương Trọng Bái, GS. Dương Thị Thoa (tức Lê Thi), GS. Dương Thị Cương… Truyền thống hiếu học của gia đình chính là “chiếc nôi” thúc đẩy ông đến với con đường nghiên cứu khoa học sau này.
Sinh ra trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn, ngay từ nhỏ cậu bé Bắc đã chứng kiến những vất vả của bố mẹ. “Bố tôi là phóng viên mặt trận, thường xuyên phải xa nhà; mẹ là phát thanh viên công việc cũng rất bận rộn. Gia đình tôi có 5 anh em trai, cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương của bố mẹ nên cuộc sống cũng đôi lúc khó khăn” - GS.TS Nguyễn Việt Bắc nhớ lại. Ông cũng chẳng thể quên những cuốn sách của tuổi thơ đã mở cho mình một bầu trời tri thức, khơi gợi những khát khao hiểu biết, tạo dựng cho mình thói quen tự học và suy nghĩ độc lập đặc biệt là góp phần hình thành nhân cách, trách nhiệm.
Thuở còn nhỏ, Nguyễn Việt Bắc nổi tiếng nghịch ngợm nhưng cũng rất thông minh. Ông luôn có tên trong danh sách những học sinh xuất sắc của lớp, của trường. Sau này (năm 1965), khi được cử đi học tại Rumani, ông cũng đã hoàn thành xuất sắc bậc đại học tại trường Đại học Bách khoa Bucaret - chuyên ngành Hóa hữu cơ - Polymer. Đặc biệt, ông cũng vẫn giữ cho mình thói quen đọc sách, từ sách chuyên môn, khoa học đến văn học nghệ thuật, nhất là sách về lịch sử vật lý những năm đầu thế kỷ XX, về lịch sử bom nguyên tử. Ông chia sẻ, chính những cuốn sách này đã giúp ông hiểu biết hơn về cộng đồng các nhà khoa học lớn - không khí làm việc cùng như mối quan hệ của họ dù khác chủng tộc, quốc gia, tôn giáo. Những tấm gương làm việc nhiệt tình, say mê nghiên cứu, học tập của các thầy giáo trong trường Đại học Bách khoa Bucaret cũng đã tác động sâu sắc đến quyết tâm phấn đấu của GS.TS Nguyễn Việt Bắc sau này.
Hết mình với nghiên cứu khoa học
Tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Bucaret (năm 1971), GS.TS Nguyễn Việt Bắc về nước và được phân công công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự. 5 năm sau (năm 1976), ông thi đỗ nghiên cứu sinh và trở lại Rumani để làm luận án tiến sĩ. Trong giai đoạn này ông đã nghiên cứu một cách hệ thống hơn phương pháp tổng hợp polyoxymetylen (POM) bằng phản ứng trùng hợp mở vòng, cơ chế cation, sử dụng chất khơi mào đặc biệt. Các kết quả của công trình nghiên cứu này đã được công bố tại Mỹ và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các chuyên gia.
Trở về nước, GS.TS Nguyễn Việt Bắc dồn tâm sức, miệt mài với các đề tài nghiên cứu khoa học về “Keo dán cấu trúc” (từ 1981 -1985); nghiên cứu vật liệu và công nghệ sơn điện di có chứa pigment màu và triển khai ứng dụng rộng rãi cho bảo vệ vũ khí, phụ tùng ô tô, xe máy (từ 1991 - 1995). Thời gian này và những năm tiếp theo, ông tập trung vào nội dung nghiên cứu chế biến và ứng dụng cao su, blend cao su - nhựa trong kỹ thuật dân dụng và an ninh quốc phòng. Sau năm 2000 là cụm đề tài về vật liệu ngụy trang.
GS.TS Nguyễn Việt Bắc cho biết, từ lúc bắt đầu tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học cho đến nay, ông đi theo 3 hướng nghiên cứu chính đó là: nghiên cứu chuyển hóa và ứng dụng vật liệu cao su; nghiên cứu về vật liệu sơn, màng bảo vệ và nghiên cứu hấp thụ sóng điện từ trên cơ sở polymer dẫn điện và polymer nano compozit. Trong khuôn khổ nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, GS.TS Nguyễn Việt Bắc đã nghiên cứu và giải quyết thành công hàng loạt các sản phẩm: gối đệm giảm chấn toa xe, trục xoay đầu máy diesel, cao su chống rung cho xe, đệm giảm chấn sàn than công nghiệp… Ông cũng đã nghiên cứu thiết lập đơn chế tạo, các điều kiện ổn định, đưa vào sử dụng thực tế hệ sơn điện di màu có chất lượng tốt và được đánh giá cao. Loại sơn này được ứng dụng trong nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội.
Từ năm 2006, GS.TS Nguyễn Việt Bắc còn tham gia quản lý chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước về KHCN vật liệu KC 02. Ông là Phó Chủ nhiệm chương trình KC 02 đến 2010 sau đó là Chủ nhiệm chương trình hai nhiệm kỳ (2010 - 2015) và (2016 - 2020). Giáo sư cũng đồng thời là chủ nhiệm chương trình KHCN vật liệu của Thành phố Hà Nội (KC 01 - C03) từ 2009 đến nay. Việc quản lý các đề tài, dự án KHCN đã đem đến cho giáo sư cơ hội gắn bó với nhiều nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước và thành phố đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong số các vật liệu của chương trình Hà Nội đáng chú ý có vật liệu hợp kim cứng dùng cho dụng cụ cắt gọt, compozit chịu đạn, polymer tái sinh cho công nghệ đế giày, màng che phủ đất phục vụ nông nghiệp, nhiều đề tài cho an ninh quốc phòng, gốm sứ mỹ thuật, vật liệu y sinh cho cấy ghép…
Gieo “mùa vàng” từ những say mê
Không chỉ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, GS. TS Nguyễn Việt Bắc còn tham gia hoạt động quản lý và đào tạo, hướng dẫn luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ; viết sách phục vụ đào tạo cao học và nghiên cứu sinh trong lĩnh vực vật liệu sơn - màng phủ bảo vệ, vật liệu cao su và keo dán kỹ thuật; chủ biên và là tác giả chính cuốn sách “Vật liệu polymer trong kỹ thuật tên lửa” và tham gia viết sách “Vật liệu kết cấu trong tên lửa” (năm 2016); đồng tác giả 2 giải pháp hữu ích trong lĩnh vực sản phẩm cao su kỹ thuật (năm 2013). Trên cương vị là Ủy viên BCH Hội Hóa học Việt Nam từ nhiều năm và từ 2015 là Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, kiêm Chủ tịch Phân hội Polyme, ông đã tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về chuyên ngành cả ở trong và ngoài nước; phản biện cho các quy hoạch phát triển ngành Hóa chất Việt Nam, quy hoạch ngành Sơn - Mực in, quy hoạch ngành công nghiệp cao su Việt Nam, quy hoạch ngành Hóa dầu Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Hơn 40 năm gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học, GS. TS Nguyễn Việt Bắc cũng đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng KHCN: Huy chương Vàng Hội chợ Kinh tế kỹ thuật toàn quốc năm 1985; Huy chương Vàng Hội chợ Hàng công nghiệp Việt Nam năm 1995; Giải thưởng của Bộ Quốc phòng về sơn điện di màu (1993) và vật liệu chống cháy cho thuốc phóng rắn (1998); Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ (cho tập thể về Vật liệu bảo quản, năm 2000); Giải VIFOTEC cho công trình cao su kỹ thuật (đồng tác giả) năm 2008, Giải VIFOTEC cho công trình vật liệu và phương tiện cứu hộ hỏa hoạn khẩn cấp nhà cao tầng năm 2010.
Những “mùa vàng” mà GS. TS Nguyễn Việt Bắc đã gặt hái được trong quá trình làm nghiên cứu khoa học chính là minh chứng cho sự nghiêm túc, hết mình với khoa học của ông. Tạm biệt ông ra về, tôi vẫn nhớ niềm ước mong mà ông chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn đội ngũ những người làm khoa học có những đóng góp nhiều hơn nữa vào các thành tựu chung của nền khoa học công nghệ Việt Nam bằng cách triển khai nghiên cứu sâu hơn nữa, sử dụng có hiệu quả hơn các nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên, những thế mạnh của Việt Nam để đem đến sự phát triển và phồn vinh cho đất nước”. Hi vọng thời gian tới, ông sẽ tiếp tục có thêm những thành tích trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình.