Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh
Tin tức - Ngày đăng : 12:36, 21/07/2020
Nhân viên dọn xe buýt trong thời gian trung chuyển tại Bến xe Giáp Bát. Ảnh: Quang Thái
Duy trì thói quen phòng hộ cá nhân
Khảo sát tại các bến xe, nhà ga trong các ngày từ 16 đến 18-7, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy tại các địa điểm này luôn tập trung đông hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng, taxi, xe ôm... Bên cạnh số ít người đã “quên” đeo khẩu trang thì đại đa số vẫn chú trọng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân để phòng, chống dịch bệnh.
Tại Bến xe khách Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), trên các dãy ghế phục vụ hành khách, nhiều người ngồi san sát nhau, ai cũng đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện chỗ đông người. Anh Vũ Thế Phương (tỉnh Phú Thọ) giải thích: "Tuy nước ta đã khống chế được dịch Covid-19, không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn cao và các bệnh dịch mùa hè không thể chủ quan, nên tôi vẫn thường xuyên đeo khẩu trang, phòng, chống dịch trong cộng đồng".
Không đông khách như Bến xe khách Mỹ Đình, Bến xe Yên Nghĩa đón 900 lượt xe buýt/ngày vận chuyển hành khách nội thành và ngoại thành cùng với 400 lượt xe khách chạy các tỉnh miền Bắc với số lượng hành khách hơn nghìn người mỗi ngày. Cứ 10 đến 15 phút lại có xe buýt vào bến và xuất bến. Trong số các hành khách lên xuống xe, nhiều người trang bị đầy đủ khẩu trang. Chị Lý Ngọc Hoa (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Tuy không còn quy định nghiêm ngặt như thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhưng tôi vẫn thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân. Tôi cũng mong tất cả hành khách đi xe buýt đều đeo khẩu trang để chung tay phòng dịch trong cộng đồng”.
Anh Nguyễn Văn Hóa, lái xe buýt tuyến 72 Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai cho biết: Mặc dù xe buýt đã được hoạt động 100% công suất từ 2 tháng nay nhưng đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, mỗi khi dừng tại bến chúng tôi đều tắt điều hòa, mở tất cả các cửa cho thông thoáng phương tiện, bảo đảm môi trường an toàn cho hành khách.
Tương tự tại Ga Hà Nội - địa điểm có tới 10.000 hành khách đi tàu mỗi ngày, nhà ga vẫn niêm yết đầy đủ các hướng dẫn phòng dịch như trước đây, từ quy trình rửa tay sạch, đeo khẩu trang nơi công cộng, thậm chí còn đặt cả trạm rửa tay dã chiến ngay sảnh ra vào để người dân tiện sử dụng để phòng, chống các loại dịch bệnh.
Bảo đảm kết quả phòng, chống dịch trong cộng đồng
Hành khách rửa tay trước khi vào Ga Hà Nội làm thủ tục. Ảnh: Quang Thái
Giám đốc Bến xe khách Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết: So với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, hiện lượng khách ra, vào bến tăng cao trở lại từ 3.000 đến 5.000 người/ngày. Xác định nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch trong "tình hình mới" và các loại dịch bệnh mùa hè, chúng tôi đã quán triệt cán bộ, công nhân viên trong các ca trực thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch, đồng thời tuyên truyền cho đội ngũ lái, phụ xe của các nhà xe về yêu cầu này.
Trưởng Bến xe Yên Nghĩa Đinh Xuân Trường thông tin thêm: Bến xe Yên Nghĩa đang tập trung kinh doanh phục hồi kinh tế sau dịch, bảo đảm cuộc sống ổn định của người lao động. Để không có những đợt dừng hoạt động như vừa qua, bến xe tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống các dịch bệnh. Trong đó, ngày 12-7 vừa qua, đơn vị đã trích kinh phí mua dung dịch khử khuẩn về tự phun toàn bộ bến xe để phòng dịch.
Tương tự, Phó Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Việt Nam Trần Thanh Hương cho biết: "Ga Hà Nội vẫn duy trì đầy đủ cơ sở vật chất phòng dịch như phòng cách ly, pano tuyên truyền hướng dẫn, vệ sinh tàu đi, tàu đến hằng ngày... Nhà ga luôn mong muốn hành khách cùng chung sức bảo đảm an toàn sức khỏe cho cá nhân lẫn cộng đồng".
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội và cả nước đã khống chế thành công dịch Covid-19 và được thế giới đánh giá cao. Kết quả này có được là nhờ ý thức phòng bệnh của người dân đã được nâng lên, trong đó việc thường xuyên rửa tay với xà phòng, hình thành thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tích cực vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh cá nhân… Những thói quen này không chỉ góp phần vào thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh lưu hành nhiều năm nay ở nước ta.
Do đó, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần tiếp tục phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả và bền vững. Ý thức chủ động chấp hành các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế và luôn không chủ quan, lơ là với dịch bệnh từ mỗi người dân chính là “vắc xin” tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh.