Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Tin tức - Ngày đăng : 14:33, 21/07/2020

Ngày 20-7, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 13-7 đến 19-7), trên địa bàn thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng hơn so với tuần trước đó.
Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra dụng cụ chứa nước, nơi có thể có bọ gậy, tại một hộ gia đình trên địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ.

Cụ thể, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 139 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 48 xã, phường, thị trấn (tăng 24 trường hợp so với tuần trước đó).

Như vậy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 1.007 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 384 trường hợp (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 1.391 trường hợp).

Nếu trong tuần từ ngày 6-7 đến 12-7, trên địa bàn thành phố ghi nhận 295 trường hợp mắc tay chân miệng thì trong tuần qua (từ ngày 13-7 đến 19-7), số trường hợp mắc tay chân miệng là 375 (tăng 80 trường hợp).

Ngoài ra, trong tuần qua không ghi nhận ca mắc não mô cầu, ho gà, sởi, bạch hầu, viêm não Nhật Bản...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường giám sát và hỗ trợ các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao trong công tác bao vây khoanh vùng xử lý dịch, tiến hành kiểm tra các khu vực ổ dịch cũ và các khu vực có nguy cơ cao.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận xét, dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của năm 2019 nhưng thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.

Vì vậy, các đơn vị tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân cùng phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố trong bối cảnh gia tăng chung của cả nước. Tuy nhiên, các ca mắc thường ở thể nhẹ. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh này, người dân cần tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

"Các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực thực hiện công tác vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng...", PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

Theo Hanoimoi