Lính bắn tỉa
Truyện - Ngày đăng : 11:11, 22/07/2020

Minh họa của Vũ Khánh
Hiện cầm cái xẻng, bảo Bình:
“Mỗi khi tớ tỉa vài ba thằng Pôn-pốt bỏ mạng, thế nào chúng cũng phản pháo vào đúng khu vực tớ nằm bắn. Cho nên, hố chiến đấu của tớ phải thiết lập cách xa chốt các cậu”. Đào xong hố, Hiện đặt cái bao cát lên thành hầm làm bệ tì đặt khẩu súng lên.
Hiện nằm xuống lia súng nheo nheo mắt ngắm tìm mục tiêu ở cái phum trước mặt, cách hố bắn tỉa của Hiện một thửa ruộng ngập nước, bên ấy là trận địa của bọn Pôn-pốt. Mấy đêm nay chúng thường mò sang trận địa bên ta bất ngờ tập kích, gài mìn trên các lối đi. Ban Tác chiến sư đoàn phổ biến xuống các đơn vị rằng địch mới được trang bị một loại mìn mới, tên gọi là K.58. Lính trong trung đoàn đặt tên cho loại vũ khí giết người này là mìn “xin một chân”. Cùng với việc gài mìn, chúng quấy nhiễu đủ trò, thỉnh thoảng lại nhả một loạt đạn 12 ly 8 về bên ta, trong khi ta chưa được phép nổ súng, phải kìm nén tư tưởng tiến công lại, tập trung cho chiến dịch lớn, khiến thần kinh của những người lính bên ta rất căng thẳng. Có lẽ vì thế mà D bộ tăng cường tay súng bắn tỉa nhằm mục đích chặn bớt sự quấy nhiễu, gây nỗi hoang mang, buộc chúng phải nằm yên mà chờ chết chăng?
Bây giờ Bình mới để ý kĩ: Nhìn bề ngoài Hiện giống một diễn viên điện ảnh hay một ông chủ lò võ hơn là một chàng lính trơn binh nhất. Tính cách anh ta vui vẻ, nói gì nghe cũng thấy khôi hài. Khẩu súng cổ quái của Hiện có cái nòng dài một cách khác thường, bên trên có mấy khía thoát khí. Ký hiệu được viết trên thân súng bằng tiếng Nga với cái tên Dragunov. Bình cũng đã nghe nói về loại súng này, nó là nỗi hoang mang kinh hãi tột độ đối với địch.
Hiện nằm soi, ngắm mãi đến khi ánh nắng bắt đầu lên cao, cái nắng hanh khô khiến da dẻ căng ra, thì bảo Bình cùng vào một ngôi nhà “công xã” ngồi. Hiện hỏi Bình: “Cậu là người Hà Nội hả?”. “Vâng, sao anh biết”. Bình đáp. “Nhìn bộ dạng là nhận ra ngay. Chắc đang học sinh thì vào lính?”. “Em đã học xong cấp ba. Đi bộ đội hơn một năm, tham gia chiến đấu hơn ba tháng, lên tiểu đội trưởng được bảy ngày”. “Tớ cũng dân Hà Nội, ở cuối thành phố, sát ven đô. Học xong phổ thông, nhà nghèo, tớ đã đi làm ở nghĩa trang Văn Điển hai năm”. “Anh thích làm tay súng bắn tỉa lắm phải không?”. “Trước tớ cũng giữ cây súng AK 47 như cậu, sau được chọn đi học bắn tỉa. Thú thật, tớ cũng thích dùng cái loại súng đặc biệt này. Cùng học với tớ có thằng Công, nó về D8. Cả E chỉ có hai thằng bọn tớ là lính bắn tỉa “chuyên nghiệp” và cũng chỉ có hai khẩu súng bắn tỉa đó thôi…” .
- Cho em bắn thử một phát nhé.
- Đừng! Làm lộ mục tiêu. Cậu muốn biết tính năng của nó thì cứ ra nằm ngắm vào cái ống kính, nếu thấy thằng Pôn-pốt nào thì gọi tớ. Cẩn thận, khẩu súng đắt tiền lắm đấy.
Bình cảm thấy sử dụng khẩu súng cũng không khó lắm. Bình rê súng tìm mục tiêu suốt buổi sáng, nắng gay gắt như sắp thiêu cháy, nhưng Bình vẫn không muốn rời khẩu súng.
Trong ngôi nhà “công xã”, Hiện ngồi quan sát, canh chừng các hướng. Gần giữa trưa, bỗng từ phía trận địa địch có tiếng đề pa của đạn cối nã về phía ta. Đại đội hỏa lực bị trúng đạn, có tiếng la hét. Rồi thấy mấy cái cáng khiêng thương binh tử sĩ luồn lách trong những vườn chuối. Hiện kéo Bình trở về hố chiến đấu. Hiện giơ tay ra hiệu cho Bình lại gần, nằm xuống bên cạnh.
- Cậu có nhìn thấy thằng Pôn-pốt mặc bộ đồ đen đang đứng dưới hố pháo gần gốc cây thốt nốt kia không?
- Hình như đó chính là ổ súng nó vừa nã đạn sang “thịt” anh em mình?
- Không thể sai được. Đó là một ổ súng cối. Bây giờ thì ta báo tử cho nó. Hãy xem đây!
Hiện căn chỉnh mục tiêu, chờ cho thằng Pôn-pốt thò cao đầu lên một tẹo, anh nháy cò súng, đòm một phát, từng thằng lính ngã nghẹo đầu. Sau cuộc trình diễn ngoạn mục, Hiện tháo súng cho vào bao đeo sau lưng, vác bao cát làm bệ tì lên vai, bảo Bình mang giúp những thứ còn lại vận chuyển nhanh ra khỏi nơi có hố bắn tỉa. Họ tới một khu vườn phía Đông cách khu vườn cũ một quãng. Đang chuẩn bị đào hố bắn mới thì các loại cối và đại liên của địch từ nơi có mấy thằng lính bị tỉa bay tới tấp về cái nơi Hiện và Bình vừa nằm bắn. Có cả những quả cối 82 ly từ cái phum rất xa bên hướng Nam bắn tới. Hai người thiết lập xong vị trí bắn thì bỗng từ phía D8 có tiếng đòm, rồi lại tiếng đòm khác.
- Thằng Công bên D8 đang bắn nhử cho bọn đại liên và 12 ly 8 xuất đầu lộ diện để bên D7 này tớ xơi tái đấy - Hiện chỉ tay về cái phum phía trước mặt - Cậu có thấy một dải đất cao lên chỗ cái ụ đó không? Nó được ngụy trang lớp cỏ, phía trên màu cỏ không còn tươi, sau lưng nó là cái bờ ruộng cỏ mọc xanh, chính chỗ đó là khẩu 12,8ly của địch, mặt chính của nó quay về hướng D8, phía D7 chúng mình là sườn trái của nó. Khi bắn nó phải thò đầu cao lên hơn bờ công sự, thằng Công phải khiêu khích cho nó bắn về phía ấy, chúng để lộ sườn, làm mồi ngon cho tớ - Hiện nhích nhích người để chỉnh đường ngắm, bất chợt: Đòm! Đòm! Anh nhanh chóng kéo Bình rút lui khỏi vị trí để tránh phản đòn. “Đêm nay tớ sẽ ngủ ở đây với tiểu đội!” - Hiện nói.
Ăn cơm xong, Hiện chui vào lán loay hoay sửa sang chỗ ngủ. Dù hầm chật vẫn phải mắc màn. Muỗi Cam-bốt có họ với muỗi Đồng Tháp Mười, con nào con nấy to kềnh, lăn xả vào người. Nhưng người lính không được vỗ, đập vì sẽ gây tiếng động. Cũng không được dùng dầu gió xoa vì ban đêm mùi dầu sẽ lan rất xa, địch sẽ phát hiện mục tiêu. Chỉ được phép vuốt thôi, vuốt đến đâu muỗi nổ lép bép đến đó.
Quá nửa đêm, Bình thức dậy ra chốt gác. Tuy Tiểu đoàn 7 nằm hơi lui về sau đội hình của trung đoàn nhưng vẫn tổ chức gác ba vọng đề phòng địch bâu bám mật tập. Bình đã biết định vị sao Tua Rua để căn giờ gác. Trong đêm, nếu ếch nhái đang rỉ rả ầm ĩ mà tự nhiên im bặt, hoặc chim đêm trong chòm cây phía trước bỗng dưng xao xác là phải coi chừng. Luồn hào về bấu tay anh em dậy rồi trở lại vị trí gác ngay. Đêm nay trời nhiều sao, báo hiệu ngày mai nắng nóng. Toàn tuyến chốt im lìm, không gian như chết lặng.
Hiện kêu khó ngủ ra đứng xuống hố gác cùng Bình. Khoảng gần sáng khi đã gần hết ca, Bình chợt nghe có tiếng bước chân đi trên bờ mương phía sau, lúc đầu là tiếng lội nước, rồi im lặng một lúc, sau đó là tiếng bước chân đi trên bờ mương. Bình bấu tay vào vai Hiện ra hiệu phải coi chừng. Hiện và Bình áp tai xuống đất lắng nghe thì thấy tiếng bước chân mỗi lúc một to hơn. Giờ này bọn Pôn-pốt rất hay mò sang, vào tận nơi ở của ta quậy phá, cần phải cảnh giác cao độ.
Những bước chân còn cách chỗ hai người lính gác khoảng trên 20m, Bình quát:
- Ai?
Nhóm người hơi chững lại, không thấy trả lời. Hiện nâng khẩu Dragunov lên cho tầm đạn bay cao hơn đỉnh đầu nhóm người trước mặt, bóp cò, đòm một phát. Bình bật người qua bên kia cái ụ gác nổi, nâng khẩu AK điểm xạ thêm hai viên nữa. Cùng với hai phát AK của Bình là những tiếng ùm ùm liên tiếp dưới mương nước. Cả Bình và Hiện đều không dám khẳng định trước mặt họ là ta hay địch nữa. Bình hơi hoảng vì đối phương đông người mà bên này chỉ có hai mống, nếu phải đọ súng, rất có thể anh và Hiện phải ngã xuống. Bỗng từ trong đám người đó có tiếng nói cất lên:
- Tôi là Đông, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7 đây, đừng bắn nữa.
- Anh Đông hả? - Bình hoảng hốt - Sao hỏi không thấy trả lời?
Đám người bắt đầu ngoi ngóp từ dưới mương nước bước lên bờ, đi đầu là một ông có dáng thấp đậm, đêm tối quá Bình và Hiện không nhìn rõ mặt. Vị này xăm xăm bước đến chỗ hai người lính gác, nhanh tay túm lấy cổ áo Hiện giật mạnh:
- Thiếu tá Bùi Hạ, trung đoàn trưởng đây. Các cậu gác sách thế à? Hôm nay nếu tôi không tránh nhanh thì dính đạn của các cậu rồi!
Những người đi cùng nhóm bị ướt như chuột lột, không ai lên tiếng. Bình tự thấy làm thế là rất liều, nhưng đã trót leo lên lưng hổ rồi…, đành phải chìa cái bản mặt ra cho trung đoàn trưởng xỉ vả. Còn Hiện, xạ thủ bắn tỉa, lại gỡ bàn tay trung đoàn trưởng ra khỏi ngực áo mình, nói:
- Thủ trưởng đã mắng xong chưa? Trong Điều lệnh điều lệ canh gác của Quân đội nhân dân Việt Nam có điều mục ghi rõ: Người gác là người có quyền hành cao nhất ở khu vực họ gác, bất kể ai đến khu vực này đều phải chấp hành theo đúng sự hướng dẫn của người gác. Từ đây về phía sau, gần hai trăm mét không hề có một hầm nào của ta cả, địch có thể luồn vào đánh từ phía sau hố gác của tôi, cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ địch là nhiệm vụ của người lính gác. Từ phía sau đi lại khi tôi hỏi phải trả lời, nếu không trả lời tức là địch. Tôi bắn địch, bảo vệ chốt là nhiệm vụ của tôi. Rất may cho thủ trưởng là hôm nay chúng tôi còn ngờ ngợ nên bắn đạn vọt lên trời đấy!
Trong đêm tối nhưng Hiện và Bình vẫn nhận ra gương mặt trung đoàn trưởng Bùi Hạ thuỗn ra. Hẳn ông quá bất ngờ trước sự phản kháng rất bài bản và quyết liệt của Hiện. Không thể bắt bẻ Hiện được dù là một câu, ông liền quay sang nói với một người trợ lý đứng gần đó:
- Nhớ mặt cậu này nhé!
Mấy ngày sau, tiểu đoàn được lệnh nhường trận địa cho tiểu đoàn khác, rút về tuyến sau huấn luyện và củng cố lực lượng. Một buổi sáng, cả tiểu đoàn tập trung bên chiếc cầu gỗ, xuống sông tập bơi. Khoảng 9 giờ sáng, trung đoàn trưởng Bùi Hạ từ trên chiếc xe Jeep (chiến lợi phẩm thu được trong chiến dịch 30 tháng 4 năm 1975) đường bệ bước xuống, tay cầm cái ba toong làm bằng thân cây song rừng, quân phục cấp tá nghiêm chỉnh, giày da Cuxogin bóng lộn. Trông ông chỉ khoảng 28 tuổi. Trẻ thế mà đã giữ cương vị trung đoàn trưởng, hẳn phải có bề dầy thành tích chiến đấu lắm. Trung đoàn trưởng nhoẻn điệu cười xã giao rồi móc túi ra mời mỗi người lính một điếu thuốc lá Drao. Cả tiểu đoàn chia lửa đốt thuốc. Đến lượt Hiện, vừa châm xong điếu thuốc, anh đã nghe có tiếng hô tập hợp hàng quân. Đã mấy tuần nay ở ngoài chốt nhịn thuốc nên ngậm điếu Drao vào môi, Hiện rít lấy rít để, mắt lơ đãng nhìn theo làn khói mà không tập hợp theo mệnh lệnh. Bỗng có một mũi giầy đá mạnh vào ống chân anh. Theo phản xạ tự nhiên của người lính trận, Hiện rút chân phải về sau một bước rồi nâng báng súng thúc mạnh vào ngực người đối diện, miệng nói :
- Cậu mà đá phát nữa là lãnh đủ đòn knock out đấy!
Nói xong, Hiện mới nhận ra người vừa đá mình rồi lĩnh trọn một cái báng súng của anh là trung đoàn trưởng Bùi Hạ. Hiện cũng nhận ra mọi người trong hàng quân như chết lặng nhìn anh. Trung đoàn trưởng Bùi Hạ chống mạnh cái ba toong xuống đất, nhìn chằm chặp vào mặt Hiện, tuyên bố:
- Kể từ giờ phút này, người lính vừa phang báng súng vào bụng tôi không còn là lính của trung đoàn này nữa! - rồi ông quay sang nói với những cán bộ tiểu đoàn - Các anh hãy nhanh chóng thi hành lệnh của tôi!
Những cán bộ tiểu đoàn còn đang lúng túng chưa biết phải làm gì thì Hiện đã bước đến trước mặt tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, tháo khẩu súng bắn tỉa khỏi vai mình khoác sang vai tiểu đoàn trưởng, nói:
- Cả tiểu đoàn chứng kiến đồng chí trung đoàn trưởng Bùi Hạ đuổi tôi nhé. Cái báng súng của tôi phang vào ngực đồng chí ấy chẳng qua là bản năng tự vệ của người lính trước cú đá của đối phương thôi. Bây giờ ông ấy đuổi tôi thì tôi về! Chào tất cả anh em trong tiểu đoàn!
Người lệch sang một bên, Hiện tập tễnh bước đi. Bình toan chạy lên nói với trung đoàn trưởng rằng, Hiện là một tay súng bắn tỉa giỏi giang, không nên để mất anh ấy, nhưng Bình lại không dám.
Hơn ba tháng sau, trung đoàn nhận lệnh hành quân truy kích địch, đây là chiến dịch lớn, mang tính chất quyết định để kết thúc cuộc chiến tranh. Tiểu đội của Bình dừng lại chốt trong một cái phum phía sau con đường có nhiều vết xe trâu, bên dưới là con kênh dài, thẳng tắp do những lao động khổ sai dưới chế độ công xã đào. Tiểu đội của Bình có nhiệm vụ cảnh giới cho đại đội vận tải khiêng thương binh liệt sĩ về tuyến sau. Trận đánh này trung đoàn bị bọn Pôn-pốt chơi đòn thọc hậu, thương vong nhiều. Gần sáng, Bình đang ôm súng tựa vào vách hố chiến đấu mơ màng ngủ, bỗng có một bàn tay vỗ nhẹ vào vai: “Bình, Bình dậy đi. Hiện đây!” Bình dụi dụi mắt, nhận ra Hiện và một nữ quân nhân đang ngồi cạnh hố chiến đấu của anh. “Ôi anh Hiện. Anh từ đâu ra vậy? Không mang súng ống gì à? Còn đồng chí nữ chiến sĩ này từ đâu đến vậy?”. “Nữ chiến sĩ này tên là Trâm, y tá của bệnh xá sư đoàn. Lai lịch thế nào cậu tìm hiểu sau. Tớ từ Hà Nội vào thì làm gì có súng”.
Hiện kể: “Sáng hôm ấy, sau khi bị trung đoàn trưởng Bùi Hạ tuyên bố đuổi, tớ định ra đường lớn vẫy một cái xe trở về Tây Ninh, rồi tìm phương tiện vào Sài Gòn xả strees ít hôm. Nhưng dưới ống chân, chỗ bị trung đoàn trưởng đá, đau buốt từng cơn, tớ đành phải đi nhờ xe bò của bà con Khơ me về bệnh xá sư đoàn. Chính y tá Trâm khám xét, băng bó vết thương cho tớ. Trâm cứ hỏi loại mảnh đạn gì văng vào mà chỉ trầy da nhưng lại thâm tím cả ống chân? Tớ phải nói thật, trung đoàn trưởng Bùi Hạ đá tớ. Trâm tỏ vẻ khó chịu, nói: “Ôi cái ông Bùi Hạ ấy, công nhận là một người chỉ huy trận mạc có tài đấy, nhưng…”
Tớ điều trị ba ngày, vết thương đỡ. Đang trong cơn bấn bách, máu liều nổi lên, nhân có chuyến xe hậu cần về nước, tớ xin quá giang. Về Hà Nội được mấy hôm thì ông trưởng phố đến nhà chìa cho tớ xem cái giấy báo đảo ngũ. Ông ấy nói: “Bác được nghe đồng đội của cháu về kể, cháu chiến đấu rất dũng cảm, lập nhiều chiến công, thế mà bây giờ lại…Cháu có biết như thế là công lao đổ xuống sông xuống bể hết không? Bác khuyên cháu hãy nhanh chóng trở vào đơn vị…”. Tớ cứ dạ dạ vâng vâng, tìm kế hoãn binh vì khả năng trung đoàn trưởng Bùi Hạ chấp nhận là rất khó...
- Vậy, vì sao cuối cùng anh lại quyết định trở lại trung đoàn này? - Bình hỏi.
- À, là bởi nữ đồng chí y tá xinh đẹp này - Hiện vỗ nhẹ tay vào vai Trâm - Cô ấy viết thư ra Hà Nội bảo tớ cứ trở về đơn vị, nhưng trên đường đi thì ghé vào trạm xá sư đoàn để cô ấy đi cùng. Trâm bảo Bùi Hạ có một “yếu điểm”: cho dù đang rất hung hăng nóng giận, nhưng nhìn thấy nước mắt phụ nữ là ông ấy thay đổi thái độ, mềm như nước ngay. Nể Trâm quá, tớ quyết định trở lại đơn vị.
Vừa khi đó, từ phía con đường trước mặt xuất hiện rất nhiều cáng thương. Họ đi lầm lũi trong màn đêm đang dần hửng sáng. Bình, Hiện và Trâm chạy ra chặn chiếc cáng thương đi đầu. Bình hỏi:
- Ai đây các đồng chí?
Người khiêng đầu cáng nói:
- Trung đoàn trưởng Bùi Hạ bị dính mìn…
Trong đoàn khiêng cáng, có một người không khiêng mà hai bên vai anh ta đeo tới bốn chiếc ba lô, chắc ba lô của thương binh, liệt sĩ. Hiện nắm cánh tay giữ anh ta lại, hỏi:
- Trung đoàn trưởng bị dính loại mìn gì mà kinh khủng thế?
- À, lúc ấy quãng nửa đêm, thủ trưởng cùng cánh trợ lý đang đi từ trung đoàn bộ xuống tiểu đoàn 6, đi tắt theo một con đường bờ ruộng. Gặp một xác chết nằm dọc bờ ruộng ấy, trung đoàn trưởng bấm đèn pin thì nhận ra đó là một xác lính Pôn-pốt. Bờ ruộng quá nhỏ, xác tên lính nằm vừa vặn. Trung đoàn trưởng thò mũi giầy vào mông xác thằng lính toan hất xuống ruộng lấy lối đi, dè đâu quả mìn gài dưới mông tên lính phát nổ. Thủ trưởng bị tiện mất một cẳng chân…
- Thủ trưởng Bùi Hạ là người dầy dạn trận mạc lắm mà sao…?
- Thì từ trước đến nay, bọn địch thường gài mìn dưới xác quân đối phương, chứ có ngờ đâu còn gài mìn ngay dưới lưng xác chiến hữu của nó.
Y tá Trâm ra hiệu bảo hai người hạ cáng thương trung đoàn trưởng xuống vệ cỏ. Trâm ngồi xuống lật tấm tăng lên, lộ ra gương mặt Bùi Hạ bê bết những vềt máu, nhưng đôi mắt của ông vẫn mở to, sáng quắc. Cô lấy cuốn băng trong túi cứu thương lau những vết máu trên gương mặt ông. Đôi mắt cô chảy nhòe hai dòng lệ.
- Thủ trưởng có nhận ra em không? Em là Trâm, y tá trạm xá sư đoàn đây mà!
- Anh nhận ra rồi. Em đi cùng ai thế kia?
- Anh Hiện, tay súng bắn tỉa của trung đoàn ta đó. Em đi cùng anh ấy đến gặp thủ trưởng là để xin thủ trưởng tha cho anh ấy. Anh ấy có lỗi. Nhưng nay anh ấy đã tự nguyện trở lại đơn vị để tiếp tục cầm súng chiến đấu nghĩa là anh ấy ăn năn hối lỗi lắm rồi…
Lúc này Bùi Hạ mới nhận ra người lính đi cùng nữ y tá Trâm chính là Hiện. Không hiểu có phải vì đôi dòng lệ trên gương mặt Trâm khiến ông “mềm lòng” không mà ông nói với Trâm nhưng còn có ý để cho cả Hiện nghe:
- Thực ra, ngay sau khi đuổi Hiện, nhìn cậu ấy tập tễnh bỏ về, tôi cũng đã cảm thấy ân hận, tự xỉ vả cái thói hống hách, chấp nhặt của mình. Đêm vừa rồi, cái lúc tôi bị mìn của kẻ thù tiện mất một cẳng chân, tôi cũng nghĩ đến cậu ta…
Hình như chỉ chờ câu nói ấy, Hiện liền ngồi xuống bên cáng thương, dang hai tay ôm lấy hai bên vai Bùi Hạ:
- Vậy là thủ trưởng đã tha lỗi cho tôi rồi, đúng không? Tôi mong thủ trưởng về trạm xá điều trị vết thương mau lành, thủ trưởng nhé!
- Cậu là một thằng lính giỏi, nhưng có cá tính. Về đơn vị bớt bướng bỉnh đi một chút thì mới hòa đồng được với anh em, nhớ chưa?
Trung đoàn trưởng Bùi Hạ nói thế rồi giơ tay ra hiệu cho hai người lính cáng thương tiếp rục khiêng ông cùng với đoàn cáng thương đi sau tiếp tục hành quân đi về tuyến sau.