Hoa trái đầu mùa
Truyện - Ngày đăng : 11:49, 30/07/2020
Mùa nào thức nấy để hưởng những ngọt thơm, nguyên lành sản vật từ thiên nhiên là thói quen của bao người từ xưa đến nay. Chính vì thế mỗi khi mùa về ai cũng ngóng hoa trái đầu mùa. Có khi người ta còn đếm ngày, tính tháng nhắc nhớ về mùa đã qua, hay những mùa tự xa lắc, cơ hồ tháng năm được bện, được tết lại bởi những mùa vụ nối nhau với những câu chuyện gắn bó với cuộc đời mỗi người.
Xưa, hoa trái không nhiều và dư dả như bây giờ. Đồng đất cho hai vụ lúa, một vụ màu, hoa trái phải đúng mùa mới có bán ở chợ làng, chợ tổng, người ta cũng thường phải đợi đúng phiên mới đem bán cho đắt hàng. Có lẽ vì thế nên nghi lễ cúng sóc vọng tức là rằm, mùng một cũng đơn sơ hơn bây giờ nhiều. Phần lớn chỉ là hương đăng, thanh thủy tức là chỉ thắp hương với ngọn đèn, bát nước mà hành lễ, có thêm hoa tươi, quả tốt cũng là “cây nhà lá vườn” mà thôi.
Có thể cũng vì lý do ấy mà người ta coi trọng việc dâng cúng hoa trái đầu mùa. Ví như sau Tết ta nắng mới lên để đón hè sang, người làng này hay làng bên bê rổ hoa lan ra chợ phiên đếm bông ngồi bán là người ta lại vòng trong vòng ngoài mua cho được ít là 5 bông, nhiều là một chục gói gém trong cái lá dong riềng đem về thờ cụ. Những thúng, những làn của các bà các chị thơm cả, ai cũng hồ hởi vì cả năm mùa hoa mới trở lại. Chẳng thế mà chợ còn đông người mà bà cụ bán hoa lan đã khoác cái rổ không lên vai đi mua trầu vỏ, hay đi ăn bánh đúc cua ở cầu chợ chỗ hàng quà.
Phiên chợ sau thấy đôi người bê thúng roi hồng đi bán, roi quả chưa được to, ăn có khi còn dôn dốt chua, thế nhưng cũng đắt hàng tơi tới. Người ta cầm những chùm roi trên tay, giơ cao đếm xem được bao nhiêu quả, đã đủ đĩa chưa để còn chọn thêm. Người chọn quả lẻ về bầy, người lại kén cho được chùm nguyên lá rồi khẽ khàng đặt vào một góc rổ của mình mong về nhà còn nguyên đến khi dâng lễ. Của hàng hoa nên cả người bán lẫn người mua bao giờ cũng khẽ khàng, cẩn trọng.
Người bên bãi mang sang cả gánh vải đầu mùa, những túm 10 quả buộc rơm, buộc lạt lẫn lá được chọn mua ngay từ đầu chợ. Cho dù vải còn xanh, nhưng ai cũng muốn mua cho được vài ba chục thắp hương, để sau con cháu có mua về ăn cũng đã là dâng lễ các cụ hưởng trước rồi. Quý là hoa trái đầu mùa, có thể chỉ quả đu đủ chín cây hay 5, 7 quả na ưng ý cũng đủ khiến người mua được vui từ chợ về nhà. Mẹ cha nhìn thấy cũng ấm lòng, yên tâm con cái hiếu thảo biết giữ lễ, giữ nếp nhà.
Người trong làng cứ bảo ai có lứa hoa trái đầu mùa lựa hái đúng ngày tuần lại chợ phiên là nhất, hái ra tiền, là nói thế thôi giá cũng chỉ hơn chút gọi là, trong xóm ngoài làng cả mấy người dám bán đắt.
Vẫn chuyện quả đầu mùa, người dưới bãi lại đem sang một xe thồ ổi găng còn nguyên cành, quả xanh bóng, khía múi, nhìn đã biết giòn ngọt nên ai cũng muốn mua. Đôi ba chỗ thờ cứ phải hai chục quả mới đủ bầy, nếu một ban thờ chỉ cần 5 quả là được một đĩa đẹp. Người bán ít khi nhớ người mua bằng người mua nhớ người bán. Quả tươi ngon thế này cứ đến mùa là tự khắc nhớ, nếu không đám trẻ con cũng lại nhắc. Cách của người quê thường hay nhớ nhau kiểu thế này, làng nọ, làng kia cho đến làng xa, xã khác biết nhau cũng theo lối bán mua ở chợ phiên.
Người Việt thành tâm tự nếp nghĩ như thế nên từ quả mận, đến nải chuối đã vào hương cùng cốm xanh, hồng đỏ, hoa trái bốn mùa đều được dâng cúng tại tư gia bằng tấm lòng với những lời ước nguyện chân thành tới tiền nhân, tiên tổ. Với ý nghĩ rằng “Các cụ hưởng trước, sau cháu con mới dám ăn”.
Bà tôi xưa bao giờ cũng chú trọng dâng lễ hoa trái đầu mùa. Nhà có giàn hoa thiên lý gặp mưa đầu mùa vươn dài bà đã nhắc “thể nào dây ấy cũng sai hoa, mỗi đốt một chùm cho mà xem”. Y như lời bà nói, sau vài trận mưa dông, giàn thiên lý đã xanh um, những chùm hoa đầu tiên đã nở đôi bông. Bà tôi để cho hoa nở thơm mát thì chọn hái một đĩa, sửa soạn khăn áo tươm tất thắp hương mà không cần tính ngày. Bà bảo:
- Cúng bái không cứ mâm cao cỗ đầy mà cần nhất tâm, lòng thành.
Chờ những dây thiên lý khác ra hoa bà tôi mới hái để nấu canh cua hay xào cho cả nhà ăn. Nếu hoa thiên lý nhiều bà tôi dậy sớm hái một rổ đem ra chợ làng bán. Bà bán rẻ cho người mua về thắp hương hay ăn thì tùy. Nhiều bà cụ lại xin bà tôi một chùm cài lên khăn để hưởng hương hoa thơm mát, bà tôi cũng chia cho cả, chẳng tính đếm gì. Bà còn bảo của nhà trồng được, đã thắp hương hoa đầu mùa, giờ ra chợ vừa bán vừa là chia lộc. Có bà cụ còn bảo:
- Quý hóa quá! Chùm hoa thiên lý ăn sống cũng ngọt.
Tôi nghe được mà nhớ mãi. Đúng là người quê quý nhau ở cái tình.
Đằng đẵng thời gian đi qua mùa vụ, với bốn mùa ấm lạnh với những sản vật của thiên nhiên trao vào lòng tay mỗi người. Nhớ có năm hoa trái đầu mùa gắn với chuyện làng xã, phận người.
Làng tôi năm ấy, nhãn nhiều hoa, nước lớn, mất mùa. Dù xã đã kêu gọi trên đài truyền thanh xã “Xanh nhà hơn già đồng” mà lúa về đến nhà vẫn đen xì rồi mọc mầm. Thủy lợi có nghiêng đồng cũng không kịp xả nước. Gặt xong, làng xã nheo nhóc, nước rút đến rơm cũng mủn. Năm ấy làng cúng việc làng lặng lẽ hơn hẳn những năm khác. Vẫn mận chín, vải chùm, rượu nếp, xôi oản cùng chuối chín nhưng xem ra lời khấn nguyện thống thiết hơn nhiều. Rằng xin thần hoàng làng bù đắp cho dân thôn chăn nuôi, chạy chợ lấy ngắn nuôi dài đắp điếm đợi vụ sau được mùa, canh nông lúa gạo là hàng đầu, có no bụng mới mong làm được việc lớn, việc bé.
Năm ấy làng đói, cùng với nhãn là muỗm, quéo và mướp đều sai hoa, sai quả, kinh nghiệm dân gian chẳng sai lệch đi đâu. Năm ấy tôi còn bé, chỉ nhớ bà khóc khi đội lễ lên chùa cúng ra hè…
Mất mùa, có anh em họ Tạ còn phải đi biệt xứ, nhà cửa gửi cho ông anh thúc bá trông hộ, tận mấy năm sau mới về làng. Mấy ai ngờ một trận mưa lũ, mất mùa mà cửa nhà, vườn tược trống hoác. Cây mít vắng chủ cả mấy năm không bói quả. Đến năm anh em, vợ chồng con cái hai nhà ấy dắt díu nhau về thì cây mít ra quả ngay. Đầu mùa hè quả đã chín cây, bổ chia cho vài nhà hàng xóm mới hết.
Tôi theo nếp nhà mình, bao giờ đến mùa hoa trái mới cũng mua ngay về thành tâm thắp hương dâng lên tiên tổ và ông bà. Có gì đâu, chỉ là những cành hoa đơn đỏ thắm, 5 cành là chặt một lọ, cùng với những trái dưa lê chín trắng, thơm phưng phức. Hay là tôi mua chục hồng xiêm nguyên cành lá về để trong cái xoong to he hé vung và thắp lên một nén hương đen, đúng kiểu “vào hương” ngày xưa bà tôi vẫn làm. Khi hồng xiêm mềm tay thì tôi xếp lên đĩa, cắm một lọ hoa, thay bát nước rồi thắp lên 3 nén hương trầm. Tôi thành kính dâng lên tiền nhân, ông bà tôi, bố tôi chút hoa trái đầu mùa thơm thảo. Có lần mùa nhãn, tôi chỉ mua được chùm nhãn trơ không đẹp lắm mà đắt nhưng tôi lại chợt nghĩ chắc nhãn xấu thế này sẽ không nước lớn, mất mùa, đói kém như năm nào.
Khấn nguyện xong tôi còn kể với bà suy nghĩ của mình về mùa nhãn này. Tôi thấy thơm mùi trầu vỏ, như thể bà tôi đội cái nón vào đầu tôi, cắp tôi chạy lên đê cùng những người trong làng mùa lụt năm ấy, khi rặng nhãn dưới đê chi chít hoa sũng nước. Tôi còn kể với bà về dải khăn xô buộc vào cành hồng xiêm trong sân nhà hôm bà mất mấy năm sau mới mục. Hết tang bà cây hồng xiêm cũng ít quả hơn, có năm chỉ đủ thắp hương và bầy ngũ quả Tết. Không lâu sau cây bị sâu đục rồi lụi dần, có thể cây đã rất nhớ bà…
Bà tôi về trời vào một ngày cuối tháng mười, chặng thời gian xa hun hút, đủ để tôi trưởng thành và có nếp nhà của mình. Đã bao mùa, tôi vẫn giữ nếp thắp hương hoa trái đầu mùa như ngày xưa bà tôi vẫn thường làm tận tâm và thành kính.