Thế độc đạo hàng không tới Côn Đảo sắp vỡ, hành khách hưởng lợi sau cùng
Tin tức - Ngày đăng : 17:07, 30/07/2020
Hành khách bị động
Côn Đảo là một trong những sân bay cổ nhất Việt Nam do Pháp xây dựng, hiện là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2. Sân bay có đường hạ cánh ngắn, chỉ dài 1800m, bao quanh là biển cả và núi non hiểm trở. Bởi vậy, sân bay Côn Đảo chỉ đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách/năm. Hiện tại, Côn Đảo đang được VASCO độc quyền khai thác bằng tàu bay ATR72, sức chứa chỉ 70 hành khách mỗi chuyến.
Côn Đảo đang là địa điểm được nhiều hành khách ưa thích
Chính vì khan hiếm chuyến bay, nên hành khách thường nằm trong tình trạng bị động, phải chờ đợi, nếu chẳng may máy bay của VASCO gặp trục trặc vì không có sự lựa chọn thay thế. Trước đây đã có nhiều trường hợp khách mắc kẹt tại Côn Đảo nhiều ngày liền vì máy bay gặp sự cố. Khi trường hợp biển động xảy ra, tàu không đi được, khách chuyển sang đi máy bay, sẽ xảy ra tình trạng quá tải, hãng bay cũng không đáp ứng được nhu cầu của hành khách.
Đồng thời, việc mua vé máy bay đi Côn Đảo rất khó khăn và luôn có giá cao, vào dịp cao điểm, lễ tết khách phải đặt trước cả tháng mới có vé.
Anh Hoàng Thanh Tâm (Hà Nội) cho biết để đến Côn Đảo du lịch vào mùa hè này, anh đã phải đặt trước 1 tháng. Mặt khác, hiện tại chưa có hãng hàng không nào khai thác đường bay Hà Nội – Côn Đảo, cho nên anh phải bay nối chuyến vào TP Hồ Chí Minh rồi bay chặng TP Hồ Chí Minh – Côn Đảo, tốn kém chi phí, thời gian.
Chính vì vậy, dù năm 2019, Côn Đảo đón gần 400.000 lượt khách du lịch, tuy nhiên điều này được coi là chưa tương xứng với tiềm năng du lịch địa phương khi giao thông vẫn còn nhiều hạn chế.
Độc quyền đường bay
Sau giai đoạn cách ly xã hội, số liệu cho thấy tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP.HCM/Cần Thơ đến/đi Côn Đảo thuộc nhóm phục hồi nhanh nhất khi đạt lên tới 22-27 chuyến/ngày.
Lý giải cho xu hướng này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 tại các nước trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, du lịch nội địa - đặc biệt là du lịch biển đảo đang được ưa chuộng khiến Côn Đảo là địa điểm được nhiều hành khách ưa thích. Đặc biệt, với việc sở hữu Đầm Trầu – bãi biển duy nhất tại Việt Nam mà du khách có thể vừa tắm biển, vừa ngắm máy bay hạ cánh "lướt qua đầu", dự báo trong tương lai, số lượng lượt khách đến Côn Đảo sẽ còn tăng đáng kể.
Hiện nhu cầu của hành khách bay đến Côn Đảo rất lớn nhưng cảng hàng không Côn Đảo lại chưa có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Do đó, chuyến bay cất cánh cuối cùng từ Côn Đảo về TP.HCM trước 16h. Dù hãng bay có mong muốn có nhiều chuyến bay hơn, hướng tới giảm chi phí, nhưng với tình trạng sân bay Côn Đảo được đề cập phía trên, hiện tại rất khó để tăng chuyến.
Hiện tại, theo ghi nhận trên website của Vietnam Airlines cho thấy chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh - Côn Đảo có giá trung bình 1,8 triệu đồng/chuyến cho một hành trình bay thẳng 1 tiếng, cao hơn chặng bay từ TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội kéo dài hơn 2 tiếng từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng.
Nói về vấn đề “độc quyền” đường bay đến Côn Đảo khiến cho giá vé đường bay này đang khá cao, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam từng khẳng định, Chính phủ không hạn chế cũng không ưu ái cho doanh nghiệp hay hãng hàng không nào. Việc chỉ một hãng khai thác đường bay Côn Đảo hiện nay là do định hướng sử dụng đội máy bay của các hãng hàng không.
Vietjet Air cuối năm 2018 cho biết Hãng sẵn sàng khai thác máy bay A319 đi/đến Côn Đảo nếu phù hợp, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Hãng này vẫn chưa triển khai.
Trong khi đó, Bamboo Airways đã và đang có nhiều động thái rốt ráo, tích cực để xúc tiến mở đường bay tới đây.
Thêm đường bay mới, hành khách hưởng lợi
Thông tin từ Bamboo Airways cho biết, Hãng sẽ khai thác đường bay Côn Đảo dự kiến từ tháng 8. Bamboo Airways cũng đã nghiên cứu và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch đưa vào khai thác dòng tàu bay hiện đại, có cấu hình 110-120 ghế. Đặt trong so sánh, so với dòng máy bay ATR72 hiện nay chỉ chở được khoảng 70 khách, dòng máy bay mà Bamboo Airways dự định khai thác sẽ chở được nhiều khách hơn, sẽ giúp có khả năng hạ giá vé trên đường bay này. Mặt khác, dòng máy bay nói trên có chỗ ngồi rộng rãi thoải mái hơn, giúp hành khách có những hành trình bay thoải mái, thư giãn hơn.
Đồng thời, để giải quyết vấn đề hạ tầng sân bay thiếu đèn đêm, Tập đoàn FLC (tập đoàn mẹ của Bamboo Airways) mới đây đã đệ trình công văn tới UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị phê duyệt chủ trương tài trợ lắp đặt hệ thống đèn đêm tại cảng hàng không Côn Đảo.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của Bamboo Airways trong hoạt động mở mới đường bay đi/đến Côn Đảo, “thế độc đạo” ngành hàng không tới Côn Đảo sẽ không còn, hành khách nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung có thể bay thẳng tới Côn Đảo, không phải chờ đợi nối chuyến. Cùng nhiều lựa chọn vé bay và dịch vụ chất lượng, việc có thêm nhiều đường bay mới, sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường cũng được nâng cao, nền du lịch Côn Đảo cũng được kỳ vọng sẽ bứt phá hơn trong tương lai gần.
Mặt khác, không chỉ là hãng hàng không có tỷ lệ khôi phục chuyến bay nhanh nhất hậu Covid-19, Bamboo Airways còn tiếp tục giữ vững vị trí hãng hàng không có tỷ lệ bay đúng giờ cao nhất 6 tháng đầu năm 2020, cùng tỷ lệ bay an toàn tuyệt đối 100%. Cộng thêm sự phục vụ hiếu khách, tận tình của đội ngũ tiếp viên giàu kinh nghiệm, những hành trình bay với Bamboo Airways đến Côn Đảo sẽ mang đến cho hành khách trải nghiệm bay chất lượng với giá cả hợp lý.
Với những lợi ích trên đây, rõ ràng, khi có hãng bay mới tham gia khai thác đường bay đến Côn Đảo, hành khách luôn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.