“Đào tạo kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội”
Hàng trăm đại biểu trong lĩnh vực y tế tham gia Hội thảo “Đào tạo kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội” tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ngày 25/7, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học RMIT Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đào tạo kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội”. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu từ các cơ sở thuộc Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện, trung tâm y tế khu vực Miền Trung- Tây Nguyên.
Sự kiện nhằm phát triển đội ngũ chuyên gia y tế có khả năng tham gia truyền thông chính thống, góp phần định hướng hành vi chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh ngành y đang chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng số hóa và kết nối đa chiều.
Phát biểu khai mạc, BS CKII. Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, “Trong bối cảnh ngành Y đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng chuyển đổi số, chúng ta không chỉ cần cập nhật công nghệ mà còn cần làm mới cách tiếp cận cộng đồng, truyền thông y tế với sự tham gia của chính các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ là con đường để tiếng nói y khoa chính thống đến gần hơn với người dân. Trong thời gian qua, Bệnh viện Trung ương Huế đã và đang phát huy tốt vai trò truyền thông trong ngành y tế thông qua nhiều kênh hiệu quả như Fanpage chính thức với lượng tương tác cao, cập nhật thường xuyên về thông tin y tế, kiến thức sức khỏe, các thành tựu chuyên môn và hoạt động cộng đồng, kênh YouTube là nơi các bác sĩ, chuyên gia chia sẻ kiến thức chuyên môn một cách dễ hiểu, tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả”.

“Website bệnh viện được xây dựng với giao diện hiện đại, giàu nội dung khoa học, thuận tiện tra cứu. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã phối hợp với các đài, báo địa phương và Trung ương triển khai các chương trình truyền hình, phóng sự … góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của bệnh viện trong lòng người dân” - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết thêm.
Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão và thông tin lan truyền nhanh chóng thì việc nắm bắt và sử dụng hiệu quả các công cụ truyền thông trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với các bác sĩ, chuyên gia y tế. Người dân không còn chỉ tiếp nhận thông tin y tế qua kênh báo chí truyền thống hay khám bệnh trực tiếp mà họ tìm kiếm lời khuyên sức khỏe trên mạng xã hội, video, fanpage, podcast, infographic… Việc chuyên gia y tế hiện diện đúng cách trên các nền tảng truyền thông chính là cách để định hướng dư luận, chống lại tin giả, thông tin sai lệch, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, có hiểu biết.
Tại Việt Nam, vai trò của những chuyên gia y tế có ảnh hưởng trên truyền thông ngày càng trở nên rõ nét, không chỉ tạo niềm tin với bệnh nhân mà còn góp phần quan trọng vào việc giải thích chính sách y tế, đẩy lùi thông tin sai lệch, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hội thảo hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng truyền thông cho đội ngũ chuyên gia y tế, đồng thời mở ra cơ hội kết nối giữa các nhà quản lý, chuyên gia truyền thông và đội ngũ chuyên gia y tế nhằm xây dựng hệ sinh thái truyền thông y tế tích cực, trách nhiệm và bền vững.
Mở đầu hội thảo, TS BS. Ngô Minh Trí - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Trung ương Huế) trình bày chủ đề “Bệnh viện Trung ương Huế đồng hành cùng chuyển đổi số và phát triển năng lực truyền thông y tế”. Bên cạnh việc chia sẻ những định hướng chiến lược của Bệnh viện Trung ương Huế trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, TS BS. Ngô Minh Trí khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của năng lực truyền thông y tế đối với các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế “Chúng tôi xem việc phát triển năng lực truyền thông là một phần không thể thiếu trong chiến lược chuyển đổi số bền vững tại Bệnh viện Trung ương Huế”.

PGS. Nguyễn Hoàng Thuận - Quyền Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh doanh đổi mới Đại học RMIT Việt Nam phân tích vai trò của dữ liệu, công nghệ và kết nối số trong hệ sinh thái HealthTech và chỉ ra rằng, để công nghệ phát huy hiệu quả trong lĩnh vực y tế, tiếng nói chuyên môn từ đội ngũ bác sĩ là yếu tố quyết định trong việc xây dựng lòng tin với người sử dụng. Sự hiện diện của chuyên gia y tế trên không gian số, nếu được tổ chức bài bản và đúng định hướng, sẽ giúp gia tăng hiệu quả truyền thông, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin của cộng đồng và thúc đẩy hành vi chăm sóc sức khỏe tích cực.
Trong khi đó, ThS. Đỗ Thị Nam Phương - Trưởng Trung tâm Truyền thông Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, truyền thông y tế không còn là công việc bên lề hay nhiệm vụ phụ trợ mà đã trở thành một phần tất yếu trong thực hành y học hiện đại. Khi bác sĩ truyền đạt kiến thức y khoa cho cộng đồng bằng ngôn ngữ chuẩn xác, dễ hiểu, có chiều sâu và giàu tính nhân văn chính họ đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng của chuyên môn, tăng cường năng lực tư vấn, đồng thời góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi sức khỏe của người dân theo hướng tích cực.
“Muốn nói điều đúng, bác sĩ phải hiểu thật sâu. Muốn cộng đồng tin tưởng, bác sĩ phải giao tiếp đúng cách. Truyền thông, nếu được làm bài bản và có định hướng sẽ không làm giảm đi chuyên môn mà ngược lại giúp người thầy thuốc cập nhật không ngừng, tư duy hệ thống và diễn đạt có trách nhiệm” - ThS. Đỗ Thị Nam Phương chia sẻ thêm.

Hội thảo tại Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nối hành trình lan tỏa từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Chương trình đã thu hút sự tham gia trực tiếp của hàng nghìn chuyên gia y tế trên cả nước với sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng hành của các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế và sự hỗ trợ học thuật từ Đại học RMIT Việt Nam.