Văn hóa - Xã hội

Hành trình tuổi xanh lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

PV 18:27 24/07/2025

Những ngày tháng 7 này, tuổi trẻ khắp cả nước đều có những hoạt động ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025).

220250724144256.png

Trong khuôn khổ chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2025, các đoàn viên, thanh niên Đại học Kinh tế Quốc dân vừa vượt qua hành trình hơn 1.500km đến với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị khi tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ nhằm tiếp tục lan tỏa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc với thế hệ trẻ.

Những “địa chỉ đỏ” ghi dấu tinh thần bất khuất của dân tộc

GS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân làm trưởng đoàn công tác. Tham gia đoàn có PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nhà trường; TS. Vũ Trí Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội, Bí thư Đoàn Thanh niên cùng các đồng chí Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên, Chi ủy Chi bộ Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân.

320250724144259.png

Trong hành trình về nguồn, đoàn đến dâng hương tại những địa danh lịch sử linh thiêng, những “địa chỉ đỏ” ghi dấu tinh thần bất khuất và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ để bảo vệ Tổ quốc. Điểm dừng chân đầu tiên là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào (xã Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) - nơi yên nghỉ của 10.804 liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào. Mỗi lần đến với địa danh lịch sử linh thiêng này, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu rất xúc động khi thắp nén hương thơm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ nơi đây.

“Để tri ân và ghi nhớ công lao các Anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam kề vai sát cánh với quân giải phóng Pa-thét chiến đấu bảo vệ hai đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã cho xây dựng nghĩa trang này. Đây biểu tượng ghi dấu sự quyết tâm, hy sinh xương máu và nghĩa tình quân dân từ chính những người con ưu tú của dân tộc anh em Việt Nam - Lào”, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu chia sẻ.

420250724144302.jpg

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc, tuyến huyết mạch quan trọng, là “yết hầu” giao thông chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Vừa thắp nén hương, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà nghẹn ngào trước sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong khi tuổi đời mười tám, đôi mươi. Tất cả vì độc lập tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử đấu tranh và giải phóng dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca bất khuất về sự hi sinh và quyết tâm sắt đá của quân và dân miền Bắc dành cho tiền tuyến lớn miền Nam.

720250724144311.png

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh, TS Phan Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Bảo Hiểm, Bí thư Chi bộ sinh viên 4 Đại học Kinh tế Quốc dân, từ thuở bé đã được nghe kể về sự hy sinh anh dũng sự hi sinh quả cảm của các nữ thanh niên xung phong khi tuổi đời mười tám, đôi mươi vì độc lập tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một biểu tượng bất diệt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, là khúc tráng ca bi hùng về sự kiên cường, quyết tâm sắt đá của quân và dân miền Bắc gửi trọn niềm tin cho tiền tuyến miền Nam. “Tôi tự nhủ phải sống xứng đáng với máu xương của các bậc tiền nhân, tiếp tục cống hiến hết mình cho đất nước”, thầy Phan Anh Tuấn chia sẻ.

Hành trình tiếp nối của đoàn đến Thành cổ Quảng Trị - chứng tích của cuộc chiến 81 ngày đêm năm 1972, nơi hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Dưới lớp đất đỏ là máu xương của một thế hệ anh hùng, để đổi lấy tự do cho hôm nay. Đoàn cũng tới thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - nơi quy tụ hơn 10.000 phần mộ của bộ đội Trường Sơn, và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nơi an nghỉ của các liệt sĩ từng chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước..

1320250724144330.png

“Đây đã là năm thứ ba chúng tôi thực hiện hành trình này, mỗi lần trở lại mảnh đất lịch sử này trái tim tôi vẫn dâng trào những xúc cảm khó tả. Trước những địa danh thiêng liêng nhất tại Quảng Trị, tôi cảm nhận rõ từng nhịp đập tuổi trẻ mình hòa cùng nhịp thở của lịch sử. Sự thành kính và niềm thương nhớ vẫn vẹn nguyên như lần đầu, khi thắp những nén nhang tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Tôi luôn biết ơn trước công lao to lớn và sự hy sinh cao cả ấy vì Tổ quốc”, TS. Vũ Trí Tuấn xúc động nói.

Giây phút cúi đầu tưởng nhớ tại nghĩa trang, cảm xúc của đoàn công tác trào dâng thành niềm tự hào và cũng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ hôm nay, tuổi trẻ được sống trong hoà bình là nhờ vào sự đánh đổi và hy sinh của cha ông.

Thật vinh dự được tham gia cùng đoàn trong hành trình đầy ý nghĩa này, bạn Hoàng Ngọc Mai, Phó Chủ tịch Hội sinh viên, đồng thời cũng là sinh viên lớp Kinh doanh số EBDB 4 (Viện Quản trị Kinh doanh), khi được nghe về những câu chuyện tại Thành cổ Quảng Trị - chiến địa khốc liệt của Mùa hè đỏ lửa 1972, mỗi thành viên trong đoàn càng cảm nhận rõ hơn về lòng quả cảm, tinh thần bất khuất và niềm tin sắt đá của thế hệ đi trước.

1520250724144337.jpg

“Chính ở nơi này - giữa lớp đất thiêng liêng và ký ức chưa bao giờ ngủ yên, chúng em càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ mình. Trách nhiệm không chỉ là biết ơn, mà còn là hành động cụ thể: giữ gìn nền hòa bình mà cha ông đã đổ máu để bảo vệ, sống có lý tưởng, có ước mơ lớn, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, góp phần đưa đất nước vươn mình phát triển”, Ngọc Mai bày tỏ.

Mang yêu thương chia sẻ với những học sinh nghèo

Cùng với những hoạt động tri ân tại những “địa chỉ đỏ” thiêng liêng, trong hành trình lần này đoàn công tác còn mang theo hành trang yêu thương, sẻ chia đến với bốn điểm trường còn nhiều khó khăn. Cụ thể, đoàn đến thăm và tặng quà các Trường THCS Phúc Sơn (Nghệ An), Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vĩnh Hà (Quảng Trị), Trường Tiểu học Hưng Thuỷ (Quảng Trị), Điểm trường thôn Ka Óoc, xã Dân Hóa (Quảng Trị).

920250724144317.jpg

Mỗi điểm trường được trao tặng phần quà trị giá 35 triệu đồng, bao gồm các vật dụng thiết yếu phục vụ học tập và sinh hoạt, với tổng giá trị hỗ trợ lên tới 140 triệu đồng. Cô Dương Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thủy (Quảng Trị) xúc động chia sẻ: “Tình yêu thương chúng tôi nhận được không chỉ được gửi trao qua những món quà vật chất, mà còn là sự lan tỏa tinh thần và niềm tin vào tương lai từ đoàn công tác. Những ánh mắt trẻ thơ, những nụ cười rạng rỡ của học sinh khi nhận được sách vở mới, bàn ghế mới… phần nào xóa tan cái nắng gắt miền Trung và cả những nhọc nhằn thường ngày mà các em vẫn phải gồng gánh trên con đường đến lớp”.

Chứng kiến thầy và trò tại các điểm trường không quản mưa nắng, kiên trì bám lớp từng ngày dù thiếu thốn trăm bề, TS. Vũ Trí Tuấn thấm thía hơn bao giờ hết rằng hành trình gieo chữ nơi vùng cao chưa bao giờ dễ dàng. Như ở điểm trường bản Ka Óoc - nơi địa đầu biên giới Việt - Lào, phần lớn các gian nhà gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho việc dạy và học.

820250724144314.jpg

“Cả trường chỉ có vỏn vẹn 5 lớp học và 3 phòng kiên cố, thiếu thốn từ nhà bếp, nhà vệ sinh đến nhà công vụ cho giáo viên. Ấy vậy mà thầy cô vẫn kiên trì “gieo chữ’ từng ngày, vượt nắng gắt hay mưa lũ tràn về từ thượng nguồn Lào. Thực sự tôi vô cùng chia sẻ và biết ơn họ - những nhà giáo đi dạy bằng đôi chân không ngơi nghỉ và trái tim chưa từng lùi bước”, TS. Vũ Trí Tuấn chia sẻ.

Với mong muốn tiếp sức lâu dài, đoàn công tác dự án “Góp gạch xây trường 2025” của Tuổi trẻ Đại học Kinh tế Quốc dân đã trao tặng công trình thanh niên là các phòng học, phòng nghỉ, nhà vệ sinh với tổng trị giá 850 triệu đồng, dự kiến bàn giao tháng 8 năm nay.

1120250724144325.png

“Chúng tôi hy vọng rằng công trình này không chỉ là một ngôi trường mới, mà còn là nguồn động viên, là lời khẳng định: dù ở nơi nào, tuổi trẻ NEU luôn mong muốn được đồng hành, tiếp sức cho sự nghiệp trồng người. Mong rằng các em học sinh sẽ học tập tốt hơn, tự tin vươn lên, và sau này chính các em sẽ quay về dựng xây quê hương” thầy Vũ Trí Tuấn nhấn mạnh.

“Hành trình Tuổi xanh 2025” vừa khép lại cùng những dấu ấn sâu đậm với các thành viên trong đoàn. Đây không chỉ là một chuyến đi mà còn là bước chân tiếp nối của lớp lớp thế hệ cán bộ giảng viên, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân giữa lịch sử, hiện tại và tương lai về trách nhiệm của tuổi trẻ với Tổ quốc, luôn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mỗi dịp 27/7 hằng năm./.

PV