Văn học nghệ thuật Hà Nội – Huế – TP. Hồ Chí Minh: 50 năm tự hào bản anh hùng ca
Hội thảo khoa học "Văn học nghệ thuật Hà Nội – Huế – TP.HCM: 50 năm tự hào bản anh hùng ca" quy tụ các nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ và nhà quản lý văn hóa đến từ Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các đại biểu tập trung phân tích vai trò của văn học nghệ thuật trong việc khắc họa lịch sử, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời định hướng sáng tạo mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Sáng ngày 27/6, tại TP.HCM, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố long trọng tổ chức triển lãm và hội thảo với chủ đề “Văn học nghệ thuật Hà Nội – Huế – TP.HCM: 50 năm tự hào bản anh hùng ca (30/4/1975 – 30/4/2025)”.
Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa, quy tụ gần 200 đại biểu là văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, đại diện cho ba thành phố lớn – ba trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền, trong suốt chặng đường 50 năm qua, dòng chảy văn học, nghệ thuật của cả nước có sự đóng góp từ nền văn học, nghệ thuật của 3 địa phương lớn gồm: TP Hà Nội, TP Huế, TP.HCM.

Ông Nguyễn Thọ Truyền cho biết, hội thảo hôm nay chính là dịp để gặp gỡ và lắng nghe các ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu văn nghệ sĩ.
"Qua đó, giúp chúng ta nhận diện rõ hơn quá trình 50 năm văn học, nghệ thuật của 3 địa phương. Những kiến nghị, góp ý của các đại biểu sẽ là những nội dung quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới" – ông Truyền chia sẻ.

Phát biểu mở đầu hội thảo, nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều (Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM) cho rằng: "TP.HCM là thành phố năng động, 'đất lành chim đậu'. Dù là nơi gặp gỡ, hội tụ, giao thoa của nhiều vùng, miền nhưng Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh vẫn có những nét riêng biệt tiêu biểu của vùng đất mới phương nam phì nhiêu và hào sảng. Các văn nghệ sĩ đã góp phần quyết định trong việc làm nên nhiều thương hiệu cho văn học nghệ thuật, như: Giải thưởng Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, Liên hoan Múa TP.HCM mở rộng, Giai điệu mùa thu…".
Tuy nhiên, để VHNT TP.HCM có một diện mạo mang sắc thái riêng, nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều thẳng thắn: "Chúng ta biết rằng, xã hội luôn vận động, cái cũ, lạc hậu sẽ được thay thế bằng cái mới, cái tiến bộ, và trong lĩnh vực VHNT cũng vậy. Tuy nhiên, trong thực tế không phải cái cũ lạc hậu hơn cái mới mà có khi ngược lại cái cũ chính lại là cái chưa thể thay thế. Từ nhận thức đó, tôi muốn đưa ra một số nội dung để cùng trao đổi và có thể coi đó là những giải pháp 'cởi trói' để văn nghệ sĩ có được những tác phẩm có giá trị tương xứng với tầm vóc của dân tộc trong thời đại ngày nay".
Tại hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhấn mạnh rằng suốt 50 năm qua, văn học nghệ thuật Hà Nội vẫn nhất quán với khuynh hướng “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”.
Đồng thời, tại đây cũng xuất hiện những khuynh hướng mới như “cách tân hình thức” và “gắn với thị trường”, góp phần thúc đẩy sự phát triển đa dạng của đời sống văn nghệ.

NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh rằng, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, văn học, nghệ thuật dù có nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng cũng xuất hiện những tác phẩm có hạn chế về tư tưởng và nghệ thuật, đôi khi chỉ chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, đánh mất giá trị giáo dục và thẩm mỹ, thậm chí đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
"Để phát triển văn hóa nghệ thuật, cần chú trọng đào tạo nhân tài, xây dựng các trường bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật ở Trung ương và địa phương và tạo cơ chế tôn vinh những nghệ sĩ có khát vọng và tài năng, đóng góp vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ" – NSND Trần Quốc Chiêm bày tỏ.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết đến nay, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Huế có 8 hội chuyên ngành: văn học, mỹ thuật, âm nhạc, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu, múa (trên 750 hội viên), và đã làm nhiều hoạt động góp phần lan tỏa văn hóa Huế tới công chúng.
Như hưởng ứng festival Bốn Mùa; tổ chức nhiều trại sáng tác với chủ đề "văn hóa con người quê hương"; Festival thơ Huế, Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu; tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn: 30 năm nghiên cứu văn hóa dân gian Huế 1990-2020, Văn học - nghệ thuật Bình Trị Thiên - truyền thống và tiếp nối...
Nói về những hạn chế, ông Nguyễn Trường Lưu chỉ ra thực tế sau năm 1975, TP.HCM chỉ làm được nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành và gần đây thì có thêm Nhà Thiếu nhi Thành phố: "50 năm xây dựng, đầu tư thiết chế văn hóa cho một TP lớn nhất nước, đông dân nhất nước chưa xứng tầm với phát triển về kinh tế ở đây".
"Nếu vào nhà sách, chúng ta rất dễ nhận thấy sách về văn hóa, bản sắc, nếp sống... Sài Gòn rất "khiêm tốn" về số lượng so với mọi miền. Tìm sách về di sản kiến trúc thì lại càng khó, có người còn nói: "Sài Gòn vùng đất còn trẻ thì có di sản gì?", "di sản phải có tuổi 300-500 năm".
Bản sắc văn hóa của TP phải chăng là luôn vận động, tìm tòi, cởi mở chấp nhận cái mới, đi đầu tìm định hướng phát triển, không rập khuôn theo những khuôn mẫu", ông Lưu nêu băn khoăn về việc định hình bản sắc văn hóa Sài Gòn...

Hội thảo khoa học cùng tên quy tụ các nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ và nhà quản lý văn hóa đến từ Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các đại biểu tập trung phân tích vai trò của văn học nghệ thuật trong việc khắc họa lịch sử, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời định hướng sáng tạo mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phát biểu tổng kết, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM nhận định 50 năm qua, văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP.HCM luôn giữ vững mạch nguồn yêu nước, nhân văn, gắn bó dân tộc. Đồng thời, mở ra những không gian mới như cách tân, số hóa, cộng đồng hóa sáng tạo. Tuy vậy, lĩnh vực này cũng đối mặt thách thức như lệch chuẩn thị trường, thiếu vắng tác phẩm lớn.
"Hà Nội giữ ngọn lửa văn hiến. Huế gìn giữ bản sắc văn hóa và chiều sâu hồn Việt. TP.HCM khơi mở năng lượng đổi mới. Ba miền, một dòng chảy. Ba màu sắc, một bản anh hùng ca" - nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nhận định./.
Trước giờ khai mạc hội thảo, triển lãm tổng hợp với các chuyên đề về kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học đã thu hút sự quan tâm sâu sắc. Không gian trưng bày tái hiện sinh động hành trình nghệ thuật nửa thế kỷ qua: Kiến trúc với hình ảnh những công trình biểu tượng mang dấu ấn thời đại tại Hà Nội, Huế và TP.HCM. Mỹ thuật ghi lại sắc màu cuộc sống qua các tác phẩm hội họa, điêu khắc giàu cảm xúc. Nhiếp ảnh giới thiệu những bức ảnh mang đậm dấu ấn thời cuộc và vẻ đẹp con người Việt Nam. Sách văn học trưng bày các tác phẩm tiêu biểu từng đoạt giải thưởng, ghi dấu sự trưởng thành của các thế hệ nhà văn, nhà thơ sau 1975. Triển lãm và hội thảo là hoạt động trọng tâm trong chuỗi giao lưu văn học nghệ thuật giữa ba thành phố, không chỉ kết nối tình cảm, mà còn góp phần vun đắp những giá trị tinh thần, hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương trong dòng chảy sáng tạo hôm nay và mai sau.