Sân khấu

Sân khấu Việt hòa vào dòng chảy sáng tạo đương đại

Hoàng Hà 14:17 22/07/2025

Trong kỷ nguyên hội nhập mạnh mẽ về văn hóa, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang chứng minh sức sống mãnh liệt khi vững vàng bảo tồn di sản, tôn vinh giá trị cội nguồn, đồng thời không ngừng khám phá những hướng đi mới nhằm mở rộng tầm vóc nghệ thuật và chinh phục trái tim khán giả.

01.jpg
Cảnh trong vở diễn “Mã: Đường về hư vô”. Ảnh: T. Huấn

Bản giao hưởng đa giác quan của truyền thống và đương đại

Tháng 6 vừa qua, dự án “Mã: Đường về hư vô”, một sáng kiến văn hóa nghệ thuật và sân khấu đa ngành do Lên Ngàn khởi xướng đã chính thức ra mắt công chúng tại rạp Hồng Hà, Hà Nội. Đây là sự tiếp nối hợp tác giữa Lên Ngàn, Nhà hát Tuồng Việt Nam và biên đạo Nguyễn Duy Thành.

Giám đốc nghệ thuật, nhà sản xuất Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ “Mã: Đường về hư vô” là một dự án kết nối các nghệ sĩ trẻ Việt Nam với công chúng thông qua sân khấu đa ngành, lấy cảm hứng từ sân khấu truyền thống Việt. Điểm nhấn của tác phẩm là sự kết hợp táo bạo giữa các yếu tố tưởng chừng đối lập như vũ đạo tuồng cổ, múa xuân phả dân gian và âm nhạc điện tử Techno đương đại. Sau buổi ra mắt thành công, “Mã: Đường về hư vô” dự kiến tiếp tục hành trình trong năm 2025 tại các địa điểm thuộc phố cổ Hà Nội, trước khi được giới thiệu tại Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2025 và năm 2026.

Trước đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam từng hợp tác với Lên Ngàn trong các vở “Đối diện với vô cùng” và “Sơn hậu - Beyond the Mountain”. Trong hành trình đổi mới nhằm tiếp cận khán giả hiện đại, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã cho ra mắt chương trình nghệ thuật đa giác quan “Dấu thiêng Hà Nội”, không chỉ tái hiện những nét tinh hoa của nghệ thuật tuồng mà còn mang đến cách tiếp cận mới mẻ. Từ âm thanh, ánh sáng cho đến những màn trình diễn giàu cảm hứng, mọi giác quan của khán giả đều được đánh thức, giúp họ cảm nhận sâu sắc hơi thở của nghệ thuật truyền thống trong nhịp sống đương đại. Đây là minh chứng rõ nét cho sự chủ động của Nhà hát trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm thuần Việt với diện mạo trẻ trung và sáng tạo.

2-1-.jpg
Cảnh trong vở diễn “Cành khế ngọt”. Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam

Làn gió mới dường như đang thổi qua các loại hình sân khấu truyền thống khác. Mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam thu hút sự chú ý của công chúng với vở “Cành khế ngọt”. Trong 80 phút, tác phẩm đưa khán giả quay về những năm 1930, mở ra một bức tranh lịch sử đầy biến động của dân tộc. Đặc biệt, vở diễn còn gây bất ngờ với định dạng mới của một ca nhạc kịch cải lương đương đại. Bên cạnh các làn điệu cải lương đặc trưng như vọng cổ, nam ai, nhạc lễ, bài lý… vở diễn còn được NSND Trọng Đài bổ sung 8 ca khúc mới sáng tác dựa trên chất liệu dân gian truyền thống. Các yếu tố văn hóa Việt được thể hiện rõ nét trong từng chi tiết.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ rằng Nhà hát muốn tiếp cận nhiều hơn các đối tượng công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Theo ông, sân khấu cải lương không hề khô khan nếu được trình bày bằng ngôn ngữ gần gũi và sáng tạo. Trước đó, Nhà hát cũng có bước đi mới khi dàn dựng vở “Cánh cửa khép hờ”, tác phẩm cải lương đầu tiên tại Việt Nam đề cập tới chủ đề công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Sự kết hợp giữa cải lương truyền thống và nội dung hiện đại đã mở ra một không gian sáng tạo tiềm năng cho loại hình nghệ thuật này.

Trong nỗ lực đổi mới sân khấu truyền thống, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng trình làng công chúng vở diễn “Khúc đồng dao”, kết hợp tinh tế giữa hình thức múa rối truyền thống và hơi thở hiện đại. Lấy cảm hứng từ kho tàng đồng dao dân gian, vở diễn tái hiện những giai điệu quen thuộc một cách mới mẻ và hấp dẫn. Qua đó, không chỉ gợi nhớ ký ức tuổi thơ mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương và giá trị cội nguồn. Với sự kết hợp giữa ánh sáng, âm thanh cùng tạo hình rối sinh động, tác phẩm mang đến trải nghiệm thị giác và thính giác ấn tượng cho người xem.
NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam nhận định “Khúc đồng dao” là cầu nối giữa truyền thống và hiện tại, góp phần giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Cùng với “Khúc đồng dao”, các tác phẩm như “Âm vang đồng quê” và “Thăng Long một thuở” cũng đã ra mắt, cho thấy sức sống bền bỉ và khả năng thích ứng linh hoạt của nghệ thuật múa rối Việt Nam trong đời sống đương đại.

Khoác lên diện mạo mới để thu hút khán giả

Trong dòng chảy không ngừng của đời sống văn hóa, các đơn vị nghệ thuật Việt Nam đang tích cực đổi mới nhằm thu hút công chúng. Điều này thể hiện rõ qua sự ra đời của nhiều tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng độc đáo và thể hiện giàu tính sáng tạo. Đây là minh chứng cho tình yêu nghề và sự năng động của những người đang kế thừa và tiếp nối tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Bên cạnh các sân khấu công lập, các sân khấu xã hội hóa như Lệ Ngọc hay LucTeam cũng đã chủ động “đánh thức” khán giả bằng những tác phẩm chất lượng, hướng tới nhiều đối tượng công chúng khác nhau.

03.jpg
Cảnh trong vở diễn “Khúc đồng dao”. - Nhà hát Múa rối Việt Nam

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, sân khấu nước ta đang dần thay đổi diện mạo. Nhiều đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại để làm cho sân khấu trở nên mới mẻ, hấp dẫn hơn, mang đến cho công chúng những trải nghiệm khác biệt. Nếu như trước kia, sân khấu giữ lối diễn truyền thống, dễ đoán kết thúc, thì hiện nay, các vở diễn đã biết tạo ra yếu tố bất ngờ, dẫn dắt người xem vào mạch cảm xúc hồi hộp, lôi cuốn cho đến phút cuối cùng. Dẫu vậy, sự thay đổi này vẫn còn ở giai đoạn đầu và cần được nhân rộng.
Một vở diễn nếu không đủ sức hấp dẫn về mặt thị giác, không gian, hình thức thể hiện hay cách tiếp cận khán giả thì sẽ khó níu chân công chúng. Chính vì thế, bên cạnh kịch bản chất lượng, đạo diễn tài năng và diễn viên giỏi nghề, sân khấu cần liên tục làm mới mình, tạo ra những tác phẩm có chiều sâu nghệ thuật, phù hợp với hơi thở thời đại và đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.

Tiến sĩ, NSND Lê Tuấn Cường - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nhận định, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống, cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch để hình thành một chuỗi hoạt động quảng bá trong và ngoài nước. Chẳng hạn, để chèo đương đại phát triển, các nhà hát tại các địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định cần xây dựng lịch biểu diễn cố định, đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị lữ hành. Khi dàn dựng các vở diễn phục vụ khách du lịch, cần lựa chọn diễn viên hội đủ các tiêu chí về thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần. Việc giữ gìn các vở diễn cổ là cần thiết nhưng đồng thời cần phải luôn dàn dựng các vở đương đại để có sự phát triển song hành.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Khoa Công nghiệp Văn hóa và Di sản, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cùng với công tác bảo tồn, cần cởi mở để nghệ thuật truyền thống hòa vào dòng chảy sáng tạo văn hóa đương đại. Đây là hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay.

Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê nhấn mạnh rằng việc giữ gìn “hồn cốt” của nghệ thuật truyền thống là hết sức thiết yếu, cần được đầu tư nghiêm túc như một phần quan trọng trong nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, ngoài bảo tồn, cần tạo ra không gian để nghệ sĩ được sáng tạo và thể nghiệm trên nền tảng truyền thống. Chính sự đổi mới trong hình thức biểu đạt này sẽ giúp sân khấu truyền thống dễ dàng tiếp cận khán giả hơn, đặc biệt là công chúng trẻ, từ đó đưa di sản văn hóa truyền thống đến gần hơn với đời sống hiện đại./.

Hoàng Hà