Y tế - Giáo dục

Phổ điểm THPT quốc gia 2025 khối tự nhiên: Phản ánh đúng năng lực, tạo dư địa đổi mới giáo dục

PV 08:10 22/07/2025

Chuyên gia giáo dục Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường – Trưởng khoa Kinh doanh, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) – đã có những phân tích chuyên sâu về phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2025 các môn Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Đánh giá cho thấy, phổ điểm năm nay ghi nhận sự thay đổi rõ nét trong cách ra đề và xu hướng đánh giá năng lực của học sinh.

Phổ điểm mang tính phân loại rõ rệt, không “dễ thở” cũng không bất thường

buv-336.jpg
Điểm thi chỉ là một phần, không phản ánh đầy đủ năng lực học tập.

Theo Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường, so với hai năm trước, phổ điểm khối tự nhiên năm nay đã chuyển dịch theo hướng phân loại năng lực học sinh tốt hơn. Nếu như năm 2023, phần lớn học sinh đạt mức điểm 6-7, đề thi “dễ thở”, thì đến 2024 đã có những điều chỉnh nhẹ. Năm 2025, phổ điểm được nhận định có dạng gần hình chuông, trong đó đa số học sinh đạt điểm trung bình khá, nhưng đồng thời xuất hiện hai thái cực: một nhóm nhỏ đạt điểm tuyệt đối và một bộ phận đáng kể nằm ở mức điểm thấp.

Đáng chú ý, môn Toán có trên 500 điểm 10 – con số chưa từng xuất hiện trong các kỳ thi gần đây. Điều này cho thấy đề thi không làm khó những thí sinh có tư duy tốt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, mặt bằng chung điểm trung bình lại thấp hơn năm trước, phản ánh rõ nét xu hướng ra đề theo hướng đánh giá năng lực thực sự, không khuyến khích học tủ hay học thuộc lòng.

“Cách ra đề đã dịch chuyển từ kiểm tra kiến thức sang kiểm tra khả năng vận dụng, giải quyết vấn đề. Học sinh muốn làm tốt không thể chỉ học thuộc, mà phải hiểu bản chất, xử lý tình huống, chọn chiến lược giải quyết vấn đề – điều mà các nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng từ lâu”, Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.

Với phổ điểm như hiện nay, theo Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường, đề thi đã hoàn thành tốt vai trò phân loại thí sinh, giúp các trường đại học thuận lợi hơn trong việc tuyển chọn những ứng viên phù hợp với từng ngành nghề. Ông cũng lưu ý, điểm số thấp hơn không đồng nghĩa với việc học sinh yếu kém hay giáo viên dạy chưa tốt. Đây là hệ quả tất yếu khi đề thi đổi mới nhanh chóng về cấu trúc và yêu cầu.

“Điểm thi chỉ là một phần, không phản ánh đầy đủ năng lực học tập. Để có cái nhìn chính xác hơn, cần một chuẩn đề thi ổn định, hệ thống dữ liệu theo thời gian và sự đồng thuận trong cách dạy, cách học”, ông Cường chia sẻ và dẫn ví dụ về mô hình tuyển sinh đại học ở Đài Loan, nơi học sinh không chỉ thi mà còn trình bày quá trình học tập, tham gia phỏng vấn và viết luận thể hiện quan điểm cá nhân.

Điểm thi không quyết định tất cả – Học sinh cần chủ động khám phá và định hướng

buv-191-1-.jpg
Sinh viên tự tin và đầy năng lượng học tập dưới mái trường BUV.

Trước những lo lắng của phụ huynh và học sinh về điểm thi, Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường đưa ra lời khuyên: điểm số không phải yếu tố duy nhất quyết định tương lai. Thay vì chỉ nhìn vào kết quả thi, các em nên quan tâm đến khả năng học tập, sở thích nghề nghiệp và khả năng thích nghi với thay đổi.

Ông cho biết, bản thân đã từng gặp nhiều sinh viên không có điểm đầu vào nổi bật, nhưng với động lực rõ ràng, khả năng tự học và định hướng nghề nghiệp tốt, họ vẫn thành công, thậm chí làm việc ở các doanh nghiệp quốc tế.

Tiến sĩ Cường khuyến khích học sinh cân nhắc kỹ lưỡng: “Bạn thực sự hứng thú với ngành nào? Bạn có sẵn sàng làm việc lâu dài trong lĩnh vực đó không? Ngành đó đang thay đổi ra sao?” Việc trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp các em lựa chọn ngành học và môi trường đào tạo phù hợp hơn.

Đặc biệt, với những nhóm ngành đang phát triển nhanh như kinh doanh, tài chính, marketing, du lịch – khách sạn, theo chuyên gia, học sinh cần tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và cơ hội nghề nghiệp. Những ngành này vẫn giữ mức cầu cao trong 5-10 năm tới, nhưng cũng đòi hỏi người học phải có năng lực ngoại ngữ, tư duy hiện đại và khả năng thích ứng với công nghệ, toàn cầu hóa.

Ông nhấn mạnh, môi trường đào tạo đóng vai trò then chốt, giúp sinh viên không chỉ vững chuyên môn mà còn có tư duy phản biện, khả năng thích nghi với thị trường lao động đầy biến động.

Trích dẫn thống kê từ NCES (Hoa Kỳ), ông Cường cho biết, cứ ba sinh viên thì có một người đổi ngành trong ba năm đầu đại học. Điều đó chứng minh việc thử và điều chỉnh ngành học là hoàn toàn bình thường. Giai đoạn này chính là cơ hội để học sinh khám phá bản thân, thông qua việc tham gia các hội thảo, trải nghiệm thực tế, lắng nghe chia sẻ từ người đi trước để xác định sở trường và đam mê của mình.

“Khi hiểu rõ bản thân, bạn sẽ không đơn thuần bước vào một cánh cửa duy nhất, mà có thể chọn đúng nơi giúp mình trưởng thành và mở ra những cơ hội tốt nhất cho tương lai”, Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường gửi gắm.

PV