Tác giả - tác phẩm

Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời ở tuổi 63

Nguyễn Lâm 10:58 18/07/2025

Họa sĩ Lê Thiết Cương - một trong những gương mặt nổi bật của hội họa đương đại Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội, sau thời gian chống chọi với bạo bệnh. Ông ra đi ở tuổi 63, để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng bè bạn, giới nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật.

8viqiwmf.png
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Art Việt

Họa sĩ Lê Thiết Cương - một trong những gương mặt đặc biệt của mỹ thuật đương đại Việt Nam - đã trút hơi thở cuối cùng lúc 18h55 ngày 17/7/2025, tại nhà riêng trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư.

Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát với giới mỹ thuật, mà còn để lại khoảng trống đặc biệt trong lòng bạn bè văn nghệ sĩ khắp cả nước - những người từng được ông chia sẻ, truyền cảm hứng và nâng đỡ.

Theo thông tin từ gia đình, ông bị ung thư hiếm gặp từ mấy năm nay. Trước khi mất một tuần, bệnh trở nặng, họa sỹ nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Vài ngày trước khi qua đời, trên trang cá nhân, họa sỹ đăng ảnh chụp tác phẩm điêu khắc đậm chất thiền của mình, cùng câu thơ trong bài Hữu Không (Có-Không) của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thời Lý: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không”.

Họa sỹ Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội, trong gia đình có bố là nhà biên kịch, nhà thơ nổi tiếng Lê Nguyên, mẹ là nhà quay phim nổi tiếng Đỗ Phương Thảo.

Từ 1973-1980, ông Lê Thiết Cương học trung học tại Hà Nội nhưng không theo học một trường lớp nghệ thuật chính thống nào. Giai đoạn 1985-1990, ông theo học trường điện ảnh tại Hà Nội, tại đó ông học thiết kế trong 2 năm và làm phim hoạt hình trong 3 năm cuối.

Năm 1987, ông có triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Ông liên tiếp làm triển lãm cá nhân vào các năm 1991, 1992, 1993 tại Việt Nam.

Năm 1995, ông Lê Thiết Cương có triển lãm cá nhân đầu tiên ở nước ngoài. Triển lãm đó mang chủ đề “Con đường yên tĩnh” tại Hongkong và Singapore.

Năm 1997, ông Cương tham gia triển lãm nhóm chủ đề “Họa sỹ trẻ Việt Nam” tại Paris, Pháp. Cùng năm, ông tham gia triển lãm nhóm Nghệ thuật Việt Nam sau thời kỳ mở cửa tại trung tâm quốc tế Meridia, Washington DC, Mỹ. Cũng năm này, ông có triển lãm cá nhân “Thay đổi tầm nhìn” tại phòng tranh Plum Blossoms ở Hongkong và Singapore. Năm 1998, ông Cương có triển lãm “Việt Nam thời kỳ mới” tại phòng tranh Andy Jilien, Zurich, Thụy Sỹ. Năm 1999, ông có triển lãm “Tầm nhìn” tại phòng tranh Plum Blossoms, Hongkong và Singapore.

Những năm 2003-2006, hầu như năm nào ông cũng có triển lãm ở nước ngoài, tại Bangkok (Thái Lan), New York (Mỹ), Roma (Italy).

Tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia Singapore, Ngân hàng Deutsche AG (Việt Nam) và Ngân hàng ABN Amro (Singapore), cũng như nhiều sưu tập cá nhân khác.

Họa sỹ Lê Thiết Cương là một người đa tài, có dấu ấn cá nhân đậm nét ở nhiều lĩnh vực.

Với hội họa, ông có một vị trí nổi bật trong mỹ thuật đương đại Việt Nam với những tác phẩm mang phong cách tối giản. Nhìn vào tranh vẽ hay tác phẩm điêu khắc trên gốm, trên sắt, người ta có thể nhận ra ngay đó là Lê Thiết Cương.

Họa sỹ từng nói: “Tôi không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa. Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là 'cá tính cốt tử' của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi.”

Ông cũng là một giám tuyển nhiệt huyết, một người quan sát và viết về các tác giả mỹ thuật một cách sắc sảo.

Ngoài sáng tác mỹ thuật, ông còn thiết kế sân khấu cho show ca nhạc của các ca sỹ Tùng Dương, Giang Trang, đêm thơ của Vi Thùy Linh…

Ở mảng thiết kế nội thất, ông Cương đặc biệt thích thú và có thành tựu với các thiết kế ghế ngồi. Ông thậm chí còn có một vựng tập dày dặn cho những thiết kế ghế của mình. Ông cũng sáng tạo riêng cho mình một dòng “gốm thiền,” với nhiều thông điệp về Phật giáo.

Họa sỹ cũng thiết kế bìa sách cho tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà nghiên cứu Văn Giá, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều…

Không chỉ là nghệ sĩ, ông còn là người yêu văn hóa Việt đến tận gốc rễ. Trong các bài viết và cuộc trò chuyện, ông luôn nhắc đến việc cần tôn vinh nghệ nhân, giữ gìn tinh thần làng nghề, đề cao giá trị truyền thống đi cùng đổi mới: “Không có nghệ nhân tâm huyết thì không có thế hệ kế tiếp… cũng cần nhanh chóng thay đổi chính sách nhằm kích hoạt các nghệ nhân và các làng nghề truyền thống”.

Tháng 5 vừa qua, ông ra mắt cuốn Trò chuyện với hội họa - tập hợp 70 bài phê bình sắc sảo. Trước đó, ông đã làm giám tuyển triển lãm gốm về Nguyễn Huy Thiệp và thiết kế bản in công phu cuốn Kinh Địa Tạng.

Lê Thiết Cương sẽ không bị lãng quên. Ông sẽ tiếp tục sống, qua những bức tranh, câu chữ, buổi trò chuyện nghệ thuật và trong ký ức của những người ở lại./.

Nguyễn Lâm