Văn hóa - Xã hội

Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quỳnh Chi 06:01 18/07/2025

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch “Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh trong lĩnh vực du lịch” nhằm thực thi hiệu quả các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trong lĩnh vực du lịch.

Thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ trong hoạt động du lịch

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước xác định khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

qua-chuan.jpg
Đồng chí Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thứ 4 từ trái sang) và các đại biểu tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2025. (Ảnh: Hoa Quỳnh).

Trong những năm qua, ngành du lịch đã chủ động tiếp cận các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, góp phần đáng kể nâng cao năng lực phát triển ngành.

Tuy nhiên, phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch chưa thực sự đồng bộ, chưa phát huy hết năng lực của toàn ngành. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa, ngành du lịch càng phải chú trọng nhiều hơn đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.

“Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Chương trình “Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh trong lĩnh vực du lịch” là hết sức cần thiết. Chương trình nhằm thực thi hiệu quả các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trong lĩnh vực du lịch” – Thứ trưởng Hồ An Phong, nhấn mạnh.

Chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh không chỉ là xu hướng tất yếu trên thế giới mà còn là nhiệm vụ chiến lược, giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Đồng chí Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặt ra mục tiêu tổng thể, đó là ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số ngành du lịch tại Việt Nam. Cùng đó nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy doanh nghiệp du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Đặc biệt, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; đóng góp vào quá trình phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Riêng năm 2025, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu phát triển và nhanh chóng hoàn thiện các nền tảng số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước; nền tảng số phục vụ khách du lịch (đa ngôn ngữ, đa tiện ích) dễ dàng tiếp cận qua website, ứng dụng di động. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng mô hình du lịch thông minh, đảm bảo kết nối với các tiện ích của Đề án 06, đẩy mạnh khai thác giá trị gia tăng từ dữ liệu.

dulich-hanoi3.jpg
Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là "bệ phóng" cho ngành du lịch Thủ đô bứt phá. (Ảnh: HQ).

Cũng trong năm nay, ngành sẽ thúc đẩy hoàn thành nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến. Xây dựng Bộ tiêu chí để xác định và đo lường chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Rõ nội dung để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nội dung chương trình sẽ bao gồm đẩy mạnh phát triển nền tảng số, các ứng dụng trong du lịch. Trong đó có việc xây dựng hệ sinh thái ứng dụng du lịch thông minh bằng cách đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng và liên tục cải thiện các ứng dụng, nền tảng, hạ tầng trong hệ sinh thái du lịch số.

Tập trung hoàn thiện các ứng dụng dùng chung cho du lịch thông minh với mục tiêu lấy khách du lịch làm trung tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đồng thời chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp để cung cấp các giải pháp du lịch thông minh sáng tạo, có sự tham gia, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong và ngoài ngành du lịch để tạo ra chuỗi giá trị liền mạch, đột phá.

Phát triển, nâng cấp các nền tảng số dùng chung, cốt lõi của ngành du lịch; phát triển các ứng dụng đa ngôn ngữ, đa tiện ích cho khách du lịch (tìm kiếm và chia sẻ thông tin, đặt phòng, đặt vé, hướng dẫn ảo, bản đồ số…), và các ứng dụng quản lý hiệu quả cho doanh nghiệp (quản lý khách sạn, tour, phân tích dữ liệu khách du lịch). Các ứng dụng hỗ trợ các khu du lịch, điểm du lịch: Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - liên thông - đa phương thức”, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide), thẻ du lịch thông minh. Quản lý điểm đến thông minh và bền vững (ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường tại điểm đến…).

lehoiamthuc-80.jpg
Du khách thưởng thức "Phở số Hà Thành" trong Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024. “Phở số Hà Thành” với robot thông minh thực hiện các công việc sản xuất, chế biến. (Ảnh tư liệu).

Bên cạnh đó, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch, các tính năng du lịch mới mang tính đột phá, sáng tạo, có sự ứng dụng sâu rộng các công nghệ cốt lõi của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), thực tại ảo (VR), thực tại tăng cường (AR)… nhằm cá nhân hóa trải nghiệm của khách du lịch, đáp ứng các nhu cầu và hành vi tiêu dùng hiện đại; tạo trải nghiệm du lịch hấp dẫn, sống động. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nâng cao năng lực phân tích, dự báo phát triển ngành, xây dựng các chiến dịch e- marketing hiệu quả thông qua nền tảng số, giúp quản lý hiệu quả và hoạch định chính sách, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành du lịch.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống dữ liệu số ngành du lịch bằng cách tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cập nhật thông tin, dữ liệu trong hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch (hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành; thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu về cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh các dịch vụ du lịch khác, khu, điểm du lịch, thống kê du lịch) trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, góp phần quảng bá xúc tiến du lịch.

Ngoài ra, triển khai kết nối dữ liệu ngành du lịch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở ứng dụng các tiện ích của Đề án 06 nhằm phát triển mô hình du lịch thông minh, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) cho ngành du lịch thông qua việc thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, áp dụng các tiến bộ công nghệ để lưu trữ, xử lý và khai thác hiệu quả nhằm tối ưu hóa quy trình tổng hợp thông tin. Hệ thống này không chỉ phục vụ kịp thời cho công tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, mà còn phục vụ hoạt động marketing như dự báo xu hướng thị trường, phân tích hiệu quả các chiến dịch quảng cáo và tối ưu hóa khả năng tiếp cận khách du lịch.

Chương trình “Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch thông minh trong lĩnh vực du lịch” cũng hướng đến phát triển hạ tầng số từ việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trong việc triển khai các giải pháp nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng hạ tầng mạng viễn thông (internet băng thông rộng, wifi…) tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm, ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có tiềm năng du lịch.

van-mieu-1-.jpg
Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đem đến cho du khách các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ứng dụng du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý; phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ tấn công mạng, xâm nhập hệ thống; nâng cao toàn diện hiệu quả công tác bảo mật, an toàn thông tin cho các ứng dụng du lịch thông minh và cơ sở dữ liệu du lịch. Phát triển trung tâm điều hành dữ liệu đảm bảo các tiêu chuẩn, vận hành ổn định.

Bộ Văn hóa – Thể thao đặt ra 3 giải pháp thực hiện chương trình, đó là: Thể chế; Phát triển nguồn nhân lực; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch thông minh, chuyển đổi số./.

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch các địa phương căn cứ nội dung Chương trình của kế hoạch và tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng Kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn quản lý. Đồng thời phối hợp Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về du lịch thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Các đơn vị tổ chức các sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh tại địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia vào hệ sinh thái du lịch số, sử dụng các nền tảng số dùng chung của ngành…/.

Quỳnh Chi