Tác giả - tác phẩm

Hình tượng Hồ Chí Minh qua những tư liệu của GS.TS Trình Quang Phú

Nguyễn Thị Thu Hà 18:14 12/07/2025

Năm 2022, chuyến đi công tác thực tế khu di tích cách mạng Tân Trào, Tuyên Quang giúp tôi có một số sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, cuốn sách “Từ làng sen tới bến Nhà Rồng” và “Đường Bác Hồ đi cứu nước” là hai cuốn sách của tác giả Trình Quang Phú làm tôi ấn tượng nhất.

Cơ duyên

Đọc xong hai tác phẩm đó, tôi như vừa đọc xong nhiều cuốn sách cùng một lúc. Tôi biết thêm nhiều chuyện, xâu chuỗi nhiều dữ liệu lịch sử chính xác về Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Có những dữ liệu lịch sử đã biết, nhưng khi đọc hai cuốn sách này, tôi mới hình dung đầy đủ bối cảnh trước đó. Tự thân, tôi càng biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thấy tự tin trong mọi tình cảnh cuộc sống. Tôi càng tự hào mình là con, cháu Bác Hồ, là người Việt Nam.

Cả hai cuốn sách, với văn phong dung dị nhưng từ ngữ phong phú, lượng kiến thức đồ sộ về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là những tình huống ứng xử. Tôi lật xem ngày, tháng, năm xuất bản sách và tiếp tục ấn tượng với thông tin tái bản. Cuốn sách “Từ làng sen tới bến Nhà Rồng” tái bản lần thứ 22, cuốn sách “Đường Bác Hồ đi cứu nước” tái bản lần thứ 18. Nếu tính mỗi năm sách được tái bản một lần thì các cuốn sách này cũng phải ra đời cách đây ba thập kỷ rồi.

Để viết về Bác Hồ, viết về cách mạng Việt Nam một cách sâu sắc, thuyết phục, tự nhiên như dòng suối không ngừng chảy, thuyết phục được nhiều thế hệ bạn đọc thì không phải ai cũng làm được như vậy. Suy ngược lại thời gian và logic cuộc sống, sách được tái bản rất nhiều lần, cộng với những dữ liệu quý mà cuốn sách mang đến cho người đọc thì: Một là, người viết ra cuốn sách này chắc phải là người trong cuộc (trải qua các cuộc kháng chiến), người từng trải, chứng kiến các sự kiện bằng nhãn quan rất khoa học, kiến thức và kinh nghiệm phong phú về lịch sử, về văn hóa, quân sự, ngoại giao và kinh tế…; Hai là, đây là người đã đọc nhiều, đã nghiên cứu rất nhiều; Ba là, đây là người rất yêu cụ Hồ, rất yêu nước, tính chính trị rất cao, chắc chắn rằng, phải là người có rất nhiều trải nghiệm.

Truyện, ký của tác giả Trình Quang Phú viết theo tuần tự dòng chảy của lịch sử, các sự kiện mà tôi đã đọc trong Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh Toàn tập, trong Lịch sử Đảng và nhiều Hồi ký của các đồng chí từng tham gia kháng chiến, được sống và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông viết theo cảm xúc trào dâng rất đúng tâm lý với nhiều cung bậc và hoàn cảnh. Ông như đã nhập vai trong từng nhân vật, hoàn hảo và thuyết phục trong vai lãnh đạo, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng, người chiến sỹ và người dân ở cuộc sống đời thường; trong vai bạn bè quốc tế, để chúng ta có thể cảm nhận về thế giới, trong đó Việt Nam là một phần tất yếu. Ông đã xâu chuỗi các dữ liệu lịch sử trong cùng một sự kiện, lý giải ở khía cạnh văn hóa, ngoại giao, ứng xử, ở ý chí chính trị…để người đọc hiểu được cả một thời kỳ, cả một sự kiện và tra cứu tài liệu chính thống mà ông dẫn nhập chính xác. Đọc sách của ông, tôi tự tin về những bài giảng của mình, cho các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng và bồi dưỡng Đảng viên mới ở các Trung tâm chính trị trên địa bàn Thành phố.

Kính yêu Bác Hồ, tìm hiểu về Bác Hồ, nghiên cứu về Bác Hồ, tôi trân trọng những người hiểu biết về Bác Hồ, trân trọng cơ hội được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử đã được gặp, làm việc với Bác Hồ. Rồi cũng thật là may mắn, tôi được gặp tác giả của “Từ làng sen tới bến Nhà Rồng” và “Đường Bác Hồ đi cứu nước”. Ông là Đại tá, Nhà văn, Nhà báo, Nhà khoa học, GS.TS Trình Quang Phú.

Tôi nhìn thấy ông, khi ông lên nhận giải A, giải thưởng “Những tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023” của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) trao tặng. Ông đã 84 tuổi, phong thái quắc thước, chắc chắn nhưng vui vẻ, cởi mở, nhiệt tâm, thân thiện. Đúng như tôi nghĩ, ông đã rất nhiều tuổi rồi. Tôi đã chờ hết buổi lễ để được gặp ông, để được nói cảm ơn ông, cảm ơn những trang sách của ông, cách truyền cảm hứng của ông; cảm ơn những tư liệu quý về Bác Hồ mà ông lưu giữ và chia sẻ. Với cách viết chân thực của ông thì lý luận Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh, niềm tin Hồ Chí Minh, triết lý sống Hồ Chí Minh tiếp tục sống cùng thế hệ chúng tôi hôm nay.

Ấn tượng về con người...

GS.TS Trình Quang Phú sinh năm 1940, quê ở Tuy An, Phú Yên. Ông nguyên là chuyên viên Ban CP72 của Trung ương Đảng (công tác đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam); nguyên trợ lý Chủ tịch Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Viện sĩ Viện hàn lâm các vấn đề xã hội Cộng hòa Liên bang Nga. Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam…

Ông là một trong những nhà văn, nhà báo đặc biệt. Ông được gặp, làm việc với nhiều vị lãnh đạo nổi tiếng của đất nước, của quân đội như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước Xuân Thủy; Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hoà bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ... Ông còn được nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam cảm mến, trân trọng. Đặc biệt, ông nhiều lần được gặp Bác Hồ, được ăn cơm với Bác Hồ.

Từ những năm 1962, ông được tặng giải Nhì ký sự - cuộc thi của báo cứu quốc. Năm 1968, được tặng huy chương Vàng quốc tế cho tác phẩm ảnh: “Xung phong, cắm cờ chiến thắng” chụp ở mặt trận Khe Sanh; Giải Nhì của Hội Nhà báo Việt Nam và tác phẩm ảnh: “Cấp cứu”. Năm 1978, được tặng giải nhất tác phẩm ảnh “Tuần tra” tại Liên Xô. Năm 1980, được tặng giải Nhì văn học miền Trung tập truyện ngắn “Người con gái Tuy Hòa”. Những năm gần đây, tác phẩm “Từ làng sen đến bến Nhà rồng” được tái bản nhiều lần. Năm 2024, tác phẩm “Ký sự xứ người” được tặng giải Quốc tế Mekong; giải Sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gửi lại” được tặng giải Nhất của thành phố Hồ Chí Minh; Tác phẩm “Theo dấu chân Người” được Bộ Văn hóa tôn vinh là một trong 10 tác phẩm tiêu biểu của năm; được tặng giải Nhất cuộc vận động sáng tác 50 năm Bản anh hùng ca thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2025, tác phẩm “Theo dấu chân Người” tiếp tục được tặng giải Nhì cuộc thi sáng tạo của năm; Tác phẩm “Cánh chim Kwei” được tặng giải A tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Quốc phòng… Tôi tiếp tục tìm đọc những câu chuyện về ông và những cuốn sách.

Dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại gia đình ông tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bảo vệ quê hương, bảo vệ cán bộ cách mạng. Những lần được gặp Bác Hồ, những lời dạy của Bác là những câu chuyện cảm động, là bài học quý, là tài sản vô giá ông lưu giữ và thực hành suốt cả cuộc đời. Ông đi làm giao liên khi ông mới 12 tuổi. Theo chủ trương của Đảng, ông được tập kết ra Bắc, là một trong những thiếu sinh quân được khen ngợi và tặng hình Bác Hồ, cắt ra từ báo “Nhân dân liên khu 5” do Thiếu tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh Quân khu 5 tặng. Hôm xuống Quy Nhơn để lên tàu ra Bắc, một bà mẹ đã xin ông tấm hình này, ông “bấm bụng” tặng bức hình đó. Bà mẹ nói trong nước mắt: “Cảm ơn cháu đã tặng cô tấm hình thiêng liêng này”. Đấy là câu chuyện đầu tiên ông kể về việc được gặp Bác Hồ.

Quốc Khánh 02/9/1955, lần đầu tiên Nhà nước tổ chức duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, ông ở trong đoàn thiếu sinh quân miền Nam được nhìn thấy Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng xương, bằng thịt. Năm 1957, ông đang học ở trường Học sinh miền Nam thì nhặt được chiếc bút máy rất quý, thiếu sinh quân Trình Quang Phú đem nộp thầy hiệu trưởng, nhờ trả lại người đánh rơi. Các thầy trong trường đã báo cáo lên Khu giáo dục học sinh miền Nam và nơi đây đã báo cáo với Bác Hồ. Sau đó, Bác gửi tặng ông một huy hiệu của Bác, vì là học sinh thật thà, dũng cảm. Ông lưu giữ huy hiệu và gắn trên ngực áo mỗi dịp quan trọng của cuộc đời hơn 70 năm nay.

Năm 1968, từ mặt trận Khe Sanh - Quảng Trị trở về miền Bắc, ông được cử tham gia đoàn đại biểu Thanh niên - Sinh viên giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới ở Sofia - Bungary cùng đại biểu 134 quốc gia khác. Khi đoàn Việt Nam gồm 70 người trở về Hà Nội đã vinh dự được Bác Hồ tiếp. Thấy đoàn đông, Bác dang tay ra hiệu: “Cháu nào là “giải phóng” thì vào gần đây. Các cháu là “giả phóng” thì ở vòng ngoài. Cả đoàn lúng túng thì Bác nói thêm: “Các cháu làm công tác miền Nam, nhưng không ở chiến trường là giả phóng”. Mọi người hiểu ra và sắp xếp theo ý Bác. Bác thấy Trình Quang Phú mặc quân phục giải phóng đang loay hoay chụp ảnh, liền hỏi: “Cháu là phóng viên ở Khe Sanh vừa đạt Huy chương vàng Đại hội phải không?”. Ông xúc động chưa kịp trả lời thì trưởng đoàn xác nhận với Bác. Bác vẫy tay: “Cháu vào đây, cháu là giải phóng”. Được Bác “thăng cấp”, Trình Quang Phú mừng quá, nhanh chân bước vào, Bác vỗ vai, nói: “Huy chương vàng Đại Hội tặng cháu, cũng là tặng cho các hành động dũng cảm chiến đấu của đồng bào chiến sĩ miền Nam”. Bác dặn Trình Quang Phú cố gắng, có nhiều hình ảnh về cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân miền Nam hơn nữa...”.

Một lần, vào dịp Tết, Bác gọi nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều, Anh hùng Trần Dưỡng và một số thiếu nhi về vui Tết với Bác. Hôm đó có cả Bác Tôn Đức Thắng, các đồng chí Phạm Hùng, Tố Hữu. Trình Quang Phú vừa chụp ảnh Bác với các cháu miền Nam xong thì Bác bảo: “Hồng Phú (tức Trình Quang Phú) đưa máy cho chú cảnh vệ bấm giùm, cháu vào chụp chung một kiểu...”. Trình Quang Phú rất cảm động, vì lần đầu nghe Bác gọi tên mình và vô cùng lúng túng, Bác chỉ vào đồng chí Tố Hữu và nói “nhà báo ngồi gần nhà thơ”. Nhà thơ Tố Hữu xích ra, chừa cho Trình Quang Phú một chỗ. Vậy là Trình Quang Phú có bức ảnh lịch sử với Bác Hồ, Bác Tôn...

Cuối năm 1968, ông được cử đi phục vụ Hội nghị Paris về Việt Nam dưới danh nghĩa nhà báo, làm nhiệm vụ trinh sát chiến lược. Đồng chí Xuân Thủy giao cho ông mang tài liệu quan trọng về gấp. Tới Hà Nội người mệt rã rời, vì suốt hành trình 3 ngày 2 đêm phải nơm nớp bảo vệ tài liệu, nhưng ông rất mừng vì được ăn cơm cùng Bác. Bữa cơm có cá kho với thịt, tôm rim, rau muống luộc, cà pháo, canh cua. Trình Quang Phú thấy vô cùng thiêng liêng và trang trọng. Khi xới cơm, có mấy hạt rơi xuống bàn. Trình Quang Phú định lượm bỏ vào bát đựng xương thì một tích tắc trước đó, Bác Hồ đã nhặt mấy hạt cơm rơi bỏ vào bát của mình. Bác nhìn Trình Quang Phú, nói: “Bà con nông dân một nắng hai sương làm nên hạt gạo này cháu ạ...”. Trình Quang Phú vô cùng xúc động trước lời dạy bảo đơn giản mà sâu sắc của Bác. Xúc động dâng trào, ông chỉ biết nhìn Bác rồi khẽ gật đầu xin lỗi Bác...

Trong quá trình tìm đọc về ông, có nhiều bài báo, nhiều bức ảnh quý nhưng tôi ấn tượng với câu chuyện và bức ảnh chụp năm 1968, ông cùng Nhạc sĩ Trần Hoàn (Trưởng Ban Tuyên giáo Khu ủy Thừa Thiên), Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nhà văn Quang Hà, Nhà thơ Thanh Hải, Nhà văn Sơn Tùng cùng các nhà báo trên đường đi chiến trường Miền Nam trong chống Mỹ cứu nước. Bức ảnh thật quý.

1.jpg
Trong ảnh từ phải sang trái: Trình Quang Phú, Nhạc sĩ Trần Hoàn ( Trưởng ban Tuyên giáo Khu ủy Thừa Thiên), Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nhà văn Quang Hà, Nhà thơ Thanh Hải tại chiến khu Thừa Thiên.

Tôi đọc được trong tập chuyện ký “Cánh chim Kvay” bài “Bông Huệ thơm” ông viết: “Tôi và Sơn Tùng cột võng sát nhau. Ngày đó, Sơn Tùng là trưởng đoàn dẫn của Báo Tiền Phong vượt Trường Sơn vào Trung ương Cục để xây dựng báo Thanh Niên Giải Phòng, còn tôi thì đi chiến trường B5. Sáng mai, chúng tôi chia tay nhau. Anh Tùng bảo tôi kể về các lần Bác Hồ tiếp các đoàn miền Nam để anh có thêm tư liệu vào chiến trường viết cho bộ đội đọc. Chúng tôi hứa với nhau sẽ viết về Bác với miền Nam. Tôi nhắc Sơn Tùng nếu có vào được Cao Lãnh nhớ tìm tài liệu về thân sinh của Bác...”. Sau khi nghe Sơn Tùng kể về “Người bạn gái đầu đời của Bác” mà Sơn Tùng được chính cô Thanh, chị của Bác kể cho nghe từ hồi chống Pháp ở Nghệ An... Sơn Tùng nói: “Tau với mi ra trận không sợ chết, nhưng phải sống, để khi đất nước giải phóng để đi tìm bà Út Huệ đúng không?.

… Và những cuốn sách

Năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt sách “Theo dấu chân Người” của GS.TS Trình Quang Phú. Cuốn sách ông viết về 30 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài (từ năm 1911 - 1941). Bác bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước trên con tầu Aminal Lalonche Tréville ở Bến cảng Nhà Rồng. Trong tiềm thức của tôi, chuyến tầu mang Bác ra đi, là chuyến tàu biền biệt suốt 30 năm chưa một lần quay lại Sài Gòn. Điều này, làm cho tôi có cảm giác như một huyền thoại. Qua tác phầm “Theo dấu chân Người”, tôi thấy cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh chi tiết từng ngày, từng giờ. Sau 3 tháng rời cảng Sài Gòn, con tầu Aminal Lalonche Tréville trở lại Bến càng Nhà Rồng và dừng lại ở đó mấy hôm. Nhưng Bác chỉ xin phép lên bờ vào bưu điện gửi 15 phăng cho cha rồi quay lại tầu, dứt khoát không gặp Út Huệ, vì sẽ khó lúc chia tay lần 2. Điều đó nói lên quyết tâm ra đi của Bác dù phải hy sinh tình cảm cá nhân. Điều này mới thực sự là Bác, là thực tế cuộc sống, để chúng ta hiểu được Bác yêu tất cả nhân loại, sống cùng nhân loại không phải thần thánh. Cuốn sách “Theo dấu chân người” được Bộ Thông tin và Truyền thông vinh danh là một trong 10 cuốn sách tiêu biểu của năm 2024 và được NXB Kim Đồng phát hành với phiên bản bìa mới nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925 - 6/2025) .

Tại lễ ra mắt sách “Theo dấu chân Người” tôi được nghe các phát biểu của độc giả là các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý…là bạn ông mà thấy sự tâm huyết, trân trọng ông và tác phẩm của ông. Những trí thức công nhận, ghi nhận nhau. Xin điểm một vài phát biểu mà tôi cảm phục:

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu: “Tác phẩm “Theo dấu chân Người” là cuốn truyện ký. Ở đó, những tư liệu hoàn toàn chính xác, những tư liệu có thật trong cuộc đời, sự nghiệp, trong tâm hồn, trong cốt cách, trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà nhà văn hướng đến và mở tất cả ra tràn ngập ánh sáng”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu: “Tôi vốn dĩ thích đọc Trình Quang Phú, vì dù viết ngắn hay dài, dù khảo cứu hay ký sự, tác phẩm nào của anh cũng đem đến cho tôi một cái gì mới. Thành công quan trọng nhất qua gần 600 trang sách của “Theo dấu chân Người” là Trình Quang Phú đã dựng lên chân dung Bác từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản và lãnh tụ thiên tài của Việt Nam như thế nào. Để làm được công việc khó khăn này, tác giả đã cùng đồng thời làm hai công việc của nhà sử học và nhà văn. Đó là một cách viết mới, theo thủ pháp đồng hiện nhằm kết hợp hai dòng chảy giữa quá khứ và hiện tại, tự sự và trữ tình, làm tăng thêm sự truyền cảm qua từng trang sách”…

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu: “Kính trọng Hồ Chí Minh thì cả dân tộc này đã kính trọng từ cuối thế kỷ thứ hai mươi đến tận bây giờ. Và tôi nghĩ tiếp tục còn kính trọng. Nhưng để bền bỉ, sự kính trọng ấy biến nó thành hành động, biến nó thành sự hậu vận và noi gương theo, không phải tất cả mọi người đều làm được. Nhà văn Trình Quang Phú, theo cá nhân tôi, ông đã biến sự kính trọng Hồ Chí Minh thành hành động, biến cái nhiệt năng tình cảm dành cho Hồ Chí Minh thành không gian viết về Hồ Chí Minh, sự chuyển hóa này, tôi nghĩ thực sự đáng kính trọng”…

Viết về Hồ Chí Minh, tôi nghĩ rất nhiều người đã viết rồi, nhưng viết để thấy Hồ Chí Minh gần gũi nhưng vẫn vĩ đại, thì không phải ai cũng viết được. Đó là cái khó, đòi hỏi cái tâm, sự nghiêm cẩn của người viết. Nhà văn Trình Quang Phú có cái đó… Ông có những tư liệu rất chính xác về Hồ Chí Minh và từ những tư liệu, sự kiện ấy, ông dẫn dắt tâm lý nhân vật và cho người đọc một Hồ Chí Minh rất sống động. Cách làm việc của nhà văn Trình Quang Phú rất là tỉ mỉ, tỉnh táo và khoa học. Có thể nói rằng, nhà văn Trình Quang Phú thuộc lòng Hồ Chí Minh từng sự kiện, các bối cảnh và phải có cái tâm sâu sắc như thế nào mới diễn tả được sự kính trọng, yêu quý Hồ Chí Minh đến như vậy. Và tôi nghĩ cuốn sách này, chúng ta cần phải đọc, phải đọc trực tiếp mới cảm nhận được tình cảm của tác giả, sự sinh động ở trong đấy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, tác giả Trình Quang Phú đã thành công, khi viết về Bác Hồ bởi ông đã có được một khối lượng tư liệu rất đặc biệt, ông có dịp đi nhiều và tiếp xúc nhiều với những học trò và những người cộng sự của Bác. Các tư liệu của tác giả hoàn toàn đáng tin cậy, có tư liệu chỉ là một câu đối thoại của Bác nhưng cũng được tác giả dẫn nguồn lại cẩn thận. Nhà văn không những tham khảo nguồn tài liệu ở trong nước, mà còn của cả nước ngoài và của mật thám Pháp.

PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Tấn Phát, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo và Đào tạo cảm nhận: “Tôi đặc biệt cảm ơn tác giả, qua tác phẩm cho chúng ta biết rất nhiều tình tiết sinh động, mới, hấp dẫn như xem một cuốn phim quay chậm, kể về các hoạt động sôi nổi, không ngừng nghỉ của Bác ở Quốc tế Cộng sản”.

Tôi đã đi tìm và đọc nhiều tác phầm khác của ông với sự cuốn hút kỳ lạ: “Nhà văn và chữ tình gửi lại”, “Người con gái Tuy Hòa”. “Cánh chim Kwei” … Qua những câu chuyện về con người cụ thể, những tấm gương cụ thể, những kỷ niệm trực tiếp của tác giả với nhân vật là những lãnh đạo, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, vị tướng, những tên tuổi gắn liền với những trận đánh lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc như: Thượng tướng Trần Văn Trà, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Ngoại giao Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nhạc sỹ Văn Cao, Liệt sỹ Phạm Hồng Sơn, Cụ Ybih người Ede… đều có những câu chuyện xoay quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự cống hiến, niền tin son sắt tập hợp dưới lá cờ cách mạng của Người. Đây thực sự là những tư liệu cực kỳ quý giá cho thế hệ trẻ, thế hệ sinh ra sau chiến tranh, chuẩn bị tiếp nhận sự trao truyền của các thế hệ đi trước, chuẩn bị hành trang cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Cách học và làm theo Bác…

Đọc những tác phẩm của GS.TS Trình Quang Phú, tôi đã có thêm nhiều tư liệu quý, tải sản vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam... Sách của ông, mang tới cho tôi hiểu sâu hơn một Nhạc sỹ “Văn Cao, người viết Quốc ca” với cuộc sống đời thường, với bài Quốc ca đã ra đời hơn tám thập kỷ; những thước phim tư liệu về nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình và những câu nói nổi tiếng thế giới, được kể trong Cánh chim Kwei: “Việt Cộng đến Pari”; đóng góp của trí thức với quê hương, đất nước qua chân dung: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên”; tấm gương kiên cường, nghị lực sống, tự học và cống hiến cho phong trào khuyến học của đất nước qua tác phẩm: “Thép sống Phạm Hồng Sơn”, một người con của Hà Nội. Đặc biệt với những bài ký: Kỷ niệm Đường 5, Bài ca Đường 5 gắn liền với địa danh của Hà Nội kể về sự hy sinh oanh liệt của người dân Hà Nội, sự góp sức của đồng bào, chiến sỹ cả nước hy sinh để bảo vệ huyết mạch của Thủ đô… Qua những tác phẩm của ông, tôi luôn thấy hiện lên phấp phới trước mắt con đường cách mạng, niềm tin vào cái chính nghĩa, cái đúng, cái đẹp và sự trân trọng cuộc sống từng chút, từng chút một. Những tác phẩm của ông không có câu nào nhắc tới “Lý luận” nhưng đọc những cuốn sách của ông, tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang dẫn dắt lớp lớp thế hệ người Việt Nam trên con đường độc lập, tư do, hạnh phúc với kinh tế phát triển, văn hóa dân tộc phong phú, chính trị ổn định, cờ đỏ sao vàng Việt Nam bay phấp phới cùng cờ của bạn bè thế giới.

Học và thực hành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học từ những việc nhỏ, thực tế hàng ngày thì đông đảo mọi người đã học và đang tiếp tục thực hành; học cụ Hồ là học ở tầm cao, học ở chiều sâu việc làm và tư tưởng của Bác thì GS.TS Trình Quang Phú và các nhà văn, nhà khoa học, các bậc tiền bối cách mạng đã làm được. Ngày nay, chúng tôi tiếp tục học các thế hệ đi trước qua sự chỉ dạy trực tiếp, qua sách, báo, tư liệu phim, ảnh, chuyện kể, di tích lịch sử còn để lại; hun đúc lòng tự hào và trách nhiệm qua sự ghi nhận và ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảm ơn ông - Tác giả của “Theo dấu chân Người” - Cuốn sách mà mới 6 tháng đầu năm 2025 đã được bốn Nhà xuất bản in và tái bản tới 4 lần. Ông chia sẻ: “Sách viết về Bác Hồ được nhiều người quan tâm đọc như vậy là sự ngưỡng mộ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lớn”. Tôi thấy ông còn có nhiều tác phầm viết về Bác Hồ từ những thập kỷ trước như: Người con gái Sông Hồng (1962), Miền Nam trong lòng Bác (1972), Người là niềm tin (1973), Bác Hồ ở Phan Thiết (1980)… bây giờ chúng tôi muốn tìm đọc câu trả lời, mong muốn được ông giải đáp./.

Nguyễn Thị Thu Hà