Hà Nội

Áp dụng cơ chế đặc thù Luật Thủ đô để đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi Hà Nội thành nguồn lực phát triển

Trung Kiên 09/07/2025 20:50

Nhằm thực hiện điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô năm 2024, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiều 9/7, HĐND thành phố khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về nội dung này tại kỳ họp thứ 25.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội có 2 hệ thống sông là hệ thống sông Đáy và hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy; cùng với các sông nội thành: sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà, sông Thanh Hà…

vuon-hoa.jpg
Vườn hoa bãi đá sông Hồng (thành phố Hà Nội) được ví như một khu vườn cổ tích giữa lòng thành phố. (Ảnh: Thu Trang).

Hệ thống đê điều trên địa bàn Thành phố hiện có tổng chiều dài 770,666km đê các loại, trong đó có 626,513 km đê được phân cấp (37,709km đê cấp Đặc biệt; 249,578km đê cấp I; 45,004km đê cấp II; 72,165km đê cấp III; 160,016km đê cấp IV; 62,041km đê cấp V); ngoài ra còn có 43 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 144,152km chưa được phân cấp.

Theo số liệu điều tra phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực lòng sông, bãi sông trên địa bàn Thành phố rất lớn (khoảng 36.266ha) và đa dạng, xen lẫn các khu vực dân cư (khoảng 156.456 hộ với 632.393 nhân khẩu đang sinh sống, mật độ dân số khá cao khoảng 1.600 người/km2); tập trung chủ yếu trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, đặt ra cho công tác đảm bảo an toàn phòng, chống lũ, quản lý dân cư, đất đai, trật tự xây dựng, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều ở khu vực bãi sông, bãi nổi của các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là rất lớn.

Về hiện trạng sử dụng đất khu vực bãi sông, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh, dọc tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ và sông Đuống có tổng diện tích tự nhiên của bãi sông lên đến 27.197ha, trong đó diện tích tự nhiên của bãi sông tuyến hữu Hồng chiếm gần 50%, tiếp đó là tuyến tả Hồng 7.473 ha, tuyến hữu Đuống 1.376ha, tuyến tả Đuống 1.104,3 ha, và tuyến tả Cà Lồ 1.029,2 ha, còn lại là diện tích bãi sông tuyến hữu Cầu, sông Công, hữu Cà Lồ, hữu Đà.

Diện tích đất được phân theo loại đất nông nghiệp của vùng bãi hệ thống sông Hồng là 11.434ha và được tập trung ở vùng bãi của tuyến tả Hồng 3.710,82 ha, hữu Hồng là 4.665ha, đất phi nông nghiệp là 12.697 ha cũng được tập trung ở vùng bãi của tuyến tả Hồng 2.822,95ha, hữu Hồng là 8.150 ha, phần còn lại của các tuyến sông Cầu, sông Đuống, Cà Lồ, sông Đà. Phân theo khu dân cư, tập trung chủ yếu thuộc vùng bãi thuộc hệ thống sông Hồng chiếm 3.074ha bằng 11,3% diện tích đất vùng bãi, chủ yếu ở tuyến sông tả Hồng (1008ha) và tuyến sông hữu Hồng là 1.596ha; phần đất còn lại 24.123 ha là đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, tín ngưỡng và đất sông suối.

Dọc tuyến sông Đáy, sông Tích, sông Bùi có tổng diện tích tự nhiên của bãi sông lên đến 14.700ha, trong đó diện tích tự nhiên của bãi sông của tuyến sông Đáy chiếm gần 82,45%, còn lại là diện tích bãi của tuyến sông Tích, sông Bùi. Diện tích đất được phân theo loại đất nông nghiệp của vùng bãi hệ thống sông Đáy là 9.870ha và được tập trung ở vùng bãi của tuyến tả Đáy là 4.781ha, hữu Đáy là 3.679ha, đất phi nông nghiệp (bao gồm đất ở, đất tôn giáo tín ngưỡng, đất chuyên dùng...) là 4.830ha tập trung ở vùng bãi của tuyến tả Đáy là 1.719ha, hữu Đáy là 1.944ha, phần còn lại của các tuyến sông Tích, sông Bùi. Phân theo khu dân cư, tập trung ở vùng bãi thuộc hệ thống sông Đáy chiếm 2.176ha bằng 15,7% diện tích đất vùng bãi, chủ yếu ở tuyến sông tả Đáy (785ha) và tuyến sông hữu Đáy (1.070ha); phần đất còn lại 12.524 ha là bao gồm đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, tín ngưỡng và đất sông suối.

thong-qua-tiep-3.jpg
HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 25 đã thông qua Nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô 2024).

Để đảm bảo việc xây dựng dự thảo Nghị quyết phù hợp tình hình thực tiễn từng địa phương, đảm bảo rõ căn cứ, luận cứ, tiêu chí đề xuất, bộ phận soạn thảo Tờ trình Nghị quyết đã gửi đề nghị UBND các xã, phường ven đê phối hợp cung cấp thông tin trong Phiếu khảo sát về mô hình sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình; mô hình sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm trên địa bàn Thành phố Hà Nội. UBND thành phố khẳng định, với diện tích đất khu vực bãi sông lớn, nếu được sử dụng, khai thác hợp lý, hiệu quả, đây sẽ là nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng, khai thác diện tích đất khu vực bãi sông lớn ở Thành phố còn vướng mắc, bất cập. Cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nhất là tại khu vực bãi sông, bãi nổi hiện nay còn là rào cản việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo mô hình hiện đại, thông minh, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng, kết hợp du lịch, trải nghiệm nên gây lãng phí trong việc khai thác sử dụng tài nguyên đất. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về đê điều còn những tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ để phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của Thủ đô.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Luật Thủ đô 2024, tại điểm a khoản 3 Điều 32 đã quy định HĐND Thành phố quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan để khắc phục những vướng mắc, bất cập cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động, khơi thông mọi nguồn lực, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh tại khu vực bãi sông, bãi nổi của Thủ đô là rất cần thiết và phù hợp thực tiễn.

Trên cơ sở đó, HĐND Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định chi tiết thi hành điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô năm 2024 là rất cần thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đúng thẩm quyền.

song-hong-3.jpg
Khu vực Bãi Giữa sông Hồng, Hà Nội với khung cảnh nên thơ.

Dự thảo Nghị quyết được HĐND Thành phố thông qua gồm 3 Chương và 11 Điều. Trong đó, Điều 10 Nghị quyết giao UBND thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thông tin, tuyên truyền, thông báo công khai, rộng rãi nội dung quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Đồng thời, UBND thành phố quy định việc cho phép sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật Thủ đô 2024, pháp luật về đất đai; việc cấp phép xây dựng, lắp dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp theo quy định của pháp luật về xây dựng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện Nghị quyết này theo quy định. Ngoài ra, UBND Thành phố báo cáo kết quả tổ chức thực hiện; trường hợp cần thiết, trình HĐND thành phố Hà Nội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết để phù hợp thực tiễn./.

Trung Kiên