Góc nhìn đa chiều và sâu sắc của một học giả Nhật về Việt Nam
Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc góc nhìn của một học giả nước ngoài về Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sbooks phát hành cuốn sách “Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản” của GS.TS. Furuta Motoo. Không chỉ thể hiện tầm vóc học thuật, cuốn sách còn là sự kết tinh của gần 50 năm gắn bó, nghiên cứu nghiêm túc và đầy tâm huyết của một học giả Nhật Bản dành cho đất nước hình chữ S.
GS.TS. Furuta Motoo bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ cuối những năm 1960, khi ông còn là sinh viên chuyên ngành lịch sử Đông Nam Á. Từ đó đến nay, ông không ngừng nghiên cứu, mở rộng hiểu biết về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Việt Nam.
Cuốn sách “Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản” gồm 10 chương, được biên soạn dựa trên bản tiếng Nhật “Kiến thức cơ bản về Việt Nam” (2017) nhưng được GS. Furuta chủ động viết lại, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp hơn với độc giả Việt Nam. Dưới góc nhìn liên ngành, ông kết hợp phân tích học thuật với trải nghiệm thực tiễn, trình bày các vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội Việt Nam một cách hệ thống, dễ tiếp cận mà vẫn thấm đẫm chiều sâu tư duy.

Khác với lối viết biên niên truyền thống, GS. Furuta chọn cách tiếp cận “từ dưới lên”, đi từ những hiện tượng đời sống bình dị như việc “xin đường” khi đi xe đạp, cảnh người cắt tóc vỉa hè chạy trốn lực lượng trật tự, đến nghi thức “nhập trạch” khi chuyển trụ sở… Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại được ông lý giải như biểu hiện của một xã hội linh hoạt, giàu sức thích ứng.
Không chỉ dừng lại ở mô tả xã hội, cuốn sách đi sâu phân tích những vấn đề văn hóa và lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn, tác giả lý giải rằng chế độ trung ương tập quyền ở Việt Nam chủ yếu nhằm chống lại áp lực từ phương Bắc, chứ không thuần túy xuất phát từ nhu cầu nội tại. Ông cũng nhận định hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam là sự kế thừa tinh thần “tập quyền mềm dẻo” rất riêng.
Một trong những điểm đặc sắc khác của tác phẩm là chương viết về chữ viết của người Việt. GS. Furuta gọi chữ Quốc ngữ là một “cuộc cách mạng thầm lặng” góp phần nâng cao dân trí, đồng thời cũng gây ra sự đứt gãy trong tiếp nhận di sản Hán học.
Ở lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, tác giả không chỉ dừng lại ở số liệu thống kê mà còn phản ánh cách người Việt ứng xử linh hoạt, thực tiễn với yếu tố tâm linh. Theo tác giả, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là phương thức ứng xử xã hội, vừa linh hoạt, vừa thực tiễn.
Phần cuối sách tập trung nghiên cứu mối quan hệ Việt - Nhật từ thời kỳ sơ khởi đến hiện đại. Qua phân tích các giai đoạn lịch sử, từ giao lưu văn hóa thời phong kiến đến hợp tác kinh tế - chính trị hiện nay, tác phẩm nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong khu vực, đồng thời thể hiện rõ thiện chí và sự trân trọng của một học giả Nhật Bản đối với Việt Nam. Đặc biệt, tác phẩm ra mắt đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973–2023) và nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng”, càng khiến giá trị của cuốn sách thêm phần ý nghĩa.
GS.TSKH.NGND. Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử đánh giá: “Lần đầu tiên tôi thấy một người nước ngoài viết về Việt Nam chân thành và sâu sắc đến vậy. Cả cuốn sách là những trang viết công phu và hấp dẫn với bút pháp khá độc đáo”. Theo ông, với cách tiếp cận liên ngành, bút pháp dung dị mà hấp dẫn, kết hợp quan sát thực tiễn và phân tích chuyên sâu, cuốn sách không chỉ đem lại một góc nhìn khách quan, mới mẻ mà còn giàu cảm xúc và giá trị học thuật.
Với khối lượng tư liệu phong phú và bao quát nhiều giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, “Việt Nam – Một góc nhìn từ Nhật Bản” mở ra một góc nhìn toàn diện, khách quan và giàu nhân văn về đất nước hình chữ S qua lăng kính của một học giả nước ngoài. Không chỉ mang giá trị tri thức, cuốn sách còn truyền cảm hứng về sự thấu hiểu, tôn trọng và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, như một “cây cầu tri thức” được dựng lên từ trải nghiệm và tấm lòng của một học giả Nhật Bản dành cho Việt Nam./.