Chuyển động Hà Nội

Các nghị quyết đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, chính sách phải khả thi

Đình Thế 18:22 08/07/2025

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị các đại biểu HĐND khi thảo luận, xem xét các nghị quyết cần phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm…

Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 25 HĐND Thành phố Hà Nội, diễn ra sáng 8/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, kỳ họp diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Thủ đô Hà Nội cùng cả nước vừa hoàn tất việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, chính thức chuyển sang mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025 theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội.

z6782483655959-6335cb3351b5db4a5.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Kỳ họp.

Trong những tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Cả Thành phố có 126 xã, phường đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và mở ra không gian phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Thành phố đã sớm kiện toàn hệ thống chính trị tại các xã, phường mới; hướng dẫn tổ chức kỳ họp HĐND cấp xã lần đầu theo đúng luật định, đảm bảo chính quyền mới vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ đầu. Đến nay, việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp trên địa bàn Thành phố cơ bản đi vào hoạt động ổn định và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Bên cạnh công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội theo Kết luận số 123-KL/TƯ của Trung ương Đảng và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ.

Kinh tế - xã hội của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 6,13%) và cao hơn bình quân chung của cả nước (tăng 7,52%); các cân đối lớn được đảm bảo;

Tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố là 392,2 ngàn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 3,7 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; khách du lịch đến Thủ đô Hà nội tăng cao, đạt 3.694 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 2.636 nghìn lượt người, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2024.

tuan220250708090945.jpg
Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư. Giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn quốc về chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng lên.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược như: Tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị; triển khai, cụ thể hoá Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đặc biệt, thành phố cũng khẩn trương triển khai kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới, cải cách, đột phá: Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TƯ ngày 24/1/2025 về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Thủ đô Hà Nội đạt được kết quả nêu trên là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy; việc cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách của HĐND thành phố; sự điều hành, quản lý, triển khai của UBND Thành phố; sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và sự ủng hộ của cử tri, nhân dân Thủ đô và đặc biệt là sự chủ động, đồng hành, tham gia tích cực, trách nhiệm của HĐND Thành phố và các vị đại biểu HĐND Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài

Chính sách phải khả thi, giảm thủ tục, đi vào cuộc sống

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, những kết quả đạt được của Thủ đô Hà Nội trong 6 tháng đầu năm là tiền đề rất quan trọng, nhưng nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tại kỳ họp này, HĐND Thành phố sẽ thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của 6 tháng cuối năm 2025 và những năm tiếp theo. Vì vậy, trên cơ sở phân tích cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 của Thành phố; các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng.

Đặc biệt là phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Thành phố đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao, trong đó cần đặc biệt quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng qua 4 Nghị quyết trụ cột đã được ban hành trong thời gian vừa qua, nhất là khi Thành phố chuyển sang triển khai vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 1/7/2025.

qc20250708093308.jpg
Quang cảnh Kỳ họp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị HĐND Thành phố cùng các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố (như Luật Thủ đô 2024, các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Các vị đại biểu HĐND khi thảo luận, xem xét các nghị quyết cần phải đặt trong tầm nhìn dài hạn, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, các nghị quyết phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Chính sách ban hành phải khả thi, phải giảm bớt thủ tục, phải thực sự đi vào cuộc sống…

HĐND, UBND các cấp cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Phải chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ phải xác định rõ vai trò, chức năng của mình. Các nội dung công việc phải được thực hiện một cách quyết liệt, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm.

“Sự thành công của Luật Thủ đô, của chuyển đổi số, hay của bất kỳ chủ trương nào khác đều phụ thuộc vào con người, vào đội ngũ cán bộ.

Tôi đề nghị mỗi vị đại biểu HĐND, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy trí tuệ, bản lĩnh, liêm chính và tinh thần xây dựng, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm có thể nảy sinh trong quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách mới”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị HĐND, Thường trực HĐND, các vị đại biểu HĐND Thành phố cần tiếp tục chủ động, tích cực, đổi mới hơn nữa, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; tập trung lựa chọn các lĩnh vực được Thành uỷ tập trung chỉ đạo; những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để giám sát, chất vấn, giải trình.

Đình Thế