Tác giả - tác phẩm

Sách “Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời” được vinh danh tại Trung Quốc

Thụy Phương 07:16 08/07/2025

Cuốn sách “Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời” của tác giả Vũ Thế Long, ấn bản tiếng Trung do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi – Chibooks thực hiện và bán bản quyền cho Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật Quảng Tây, vừa chính thức được trao giải thưởng “Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc năm 2025”.

Đây là kết quả từ quá trình đánh giá của Trung Quốc dựa trên các số liệu thống kê về lượng phát hành, phản hồi của độc giả và truyền thông nước sở tại. Cuốn sách được xuất bản tại Trung Quốc từ tháng 11/2024 và nhận được sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng bạn đọc yêu thích văn hóa Việt Nam.

“Người Hà Nội, chuyện ăn, chuyện uống một thời ngược dòng thời gian về những năm đầu thế kỷ 20 để khám phá một giai đoạn đặc biệt của Hà Nội qua lăng kính ẩm thực. Từ những thay đổi trong phong cách chế biến, sáng tạo món ăn, đến cách người dân Thủ đô đón nhận, biến đổi hay đồng hóa các luồng ẩm thực ngoại lai, cuốn sách mở ra bức tranh sinh động về một Hà Nội trong quá trình giao lưu văn hóa Đông – Tây, Nam – Bắc.

Bìa sách bản tiếng Trung của "Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời"

Tác phẩm kết hợp giữa trải nghiệm của chính tác giả – người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội với vốn tư liệu phong phú từ khảo cổ học, văn bản lịch sử, cũng như ký ức sống của các cụ cao niên. Qua đó, cuốn sách đem đến cái nhìn sâu sắc và đầy cảm xúc về bản sắc văn hóa ẩm thực Hà Nội trong thế kỷ nhiều biến động.

Tác giả Vũ Thế Long sinh năm 1947 tại Hà Nội, là tiến sĩ, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lịch sử văn hóa. Ông nguyên là Trưởng ban nghiên cứu con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; hiện là Thư ký Câu lạc bộ Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) và Ủy viên chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình, tác giả bày tỏ: “Tôi mong muốn những mẩu chuyện mà tôi viết trong cuốn sách này là để giới thiệu người Việt Nam ăn các món ăn Trung Hoa ở Việt Nam thì như thế nào, và các món ăn Trung Hoa ở Trung Quốc mang sang Việt Nam thì có gì khác nhau. Tôi thắc mắc là người Trung Quốc có ăn phở của Việt Nam hay không?

Người Hà Nội - Ảnh 2.
Ấn bản tiếng Trung của "Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời" trên một quầy bán sách tại Trung Quốc.

Dịch giả Phí Thanh Đóa – người phụ trách chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Trung cũng chia sẻ những ấn tượng sâu đậm với tác phẩm: “Tác giả Vũ Thế Long là người Hà Nội chính gốc, ông dùng những câu từ lưu loát, thoải mái mà tinh tế để kể cho chúng ta nghe về Hà Nội trong ký ức của ông. Đọc cuốn sách, tôi cảm thấy bản thân giống như đang cùng trò chuyện với một ông lão, nghe ông ấy kể những câu chuyện ngày xưa. Từ cuốn sách này người đọc có thể hiểu được nhiều những khía cạnh trong cuộc sống của người Hà Nội xưa, hiểu được lịch sử và câu chuyện đằng sau những văn hóa ẩm thực Hà Nội. Chẳng hạn như nguồn gốc của phở bò, những thay đổi trong văn hóa uống và phê, bia Việt Nam đã đi vào từng ngóc ngách như thế nào, người Hà Nội xưa làm bánh kem ra sao… Ẩm thực trong cuốn sách này như một cánh cửa sổ mở ra cho người đọc thấy những biến đổi trong kinh tế xã hội Việt Nam thời cận đại. Tác giả Vũ Thế Long cũng có những góc nhìn rất đặc biệt, trong mỗi câu chuyện viết ra ông đều truyền tải cảm xúc của mình trong đó”.

Bên cạnh đó, dịch giả cũng nhấn mạnh giá trị của tác phẩm trong việc giúp độc giả nước ngoài hiểu về văn hóa Việt Nam: “Ẩm thực trong cuốn sách này như một cánh cửa sổ mở ra cho người đọc thấy những biến đổi trong kinh tế xã hội Việt Nam thời cận đại. Tác giả Vũ Thế Long cũng có những góc nhìn rất đặc biệt, trong mỗi câu chuyện viết ra ông đều truyền tải cảm xúc của mình trong đó”./.

Thụy Phương