Hà Nội xưa - nay

Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài

PGS.TS Bùi Xuân Đính 10:54 04/07/2025

Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.

Làng có nhiều họ Nguyễn, trong đó có họ Nguyễn Đức ở thôn Nội, còn gọi là Nguyễn Sáu chi (gồm năm chi ở làng và một chi lập cư ở làng Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ). Dòng họ không chỉ đông đinh mà còn phát đạt cả ngạch văn và ngạch võ. Về văn, có nhiều người đỗ hương cống (cử nhân), sinh đồ (tú tài), đặc biệt có cụ Nguyễn Đăng Trù (1693 - 1752) đỗ Sĩ vọng khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tông (1724). Nhiều người trong họ là cha con, anh em, ông cháu nối nhau đỗ đạt.

anh-1.jpg
Nhà thờ Đại tôn dòng họ Nguyễn Đức (làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Dòng họ còn có nhiều người tài hoa, tiêu biểu là cụ Nguyễn Đức Tường, Nguyễn Đức Dậu - người đưa nghề tạc tượng gỗ về làng. Cụ Nguyễn Đức Dậu được coi là bậc thầy tạc tượng Phật, hoa tay nổi tiếng đến mức được cả người Pháp biết đến. Năm 1941, cụ được nhận Huy chương tại triển lãm của Phòng Thương mại Hà Nội. Hơn 40 năm sau, năm 1987, cụ lại được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân có bàn tay vàng”.

Dòng họ Nguyễn Đức cũng sớm có truyền thống tôn vinh sự học và khuyến học. Vào cuối thế kỷ XVII, Hương cống Nguyễn Đăng Hiền (1636-1715) - người dòng họ đã cùng với các nhân sĩ trong làng đứng ra tu bổ đình, chùa, đền miếu của làng, lập ra Văn chỉ để ghi danh những người đỗ đạt, biểu dương sự học hành và khích lệ tinh thần hiếu học. Văn chỉ hiện không còn nhưng vẫn còn bia, được lưu trong chùa Kỳ Đà. Nhà thờ Đại tôn của dòng họ và nhà thờ các chi họ còn lưu giữ nhiều kỷ vật, hoành phi, câu đối cổ thể hiện truyền thống hiếu học và học hành thành đạt của dòng họ.

Là dòng họ khoa bảng, họ Nguyễn Sáu chi không chỉ yêu cầu con cháu chăm chỉ học hành để thành danh mà còn khích lệ cả các chàng rể tương lai. Gia phả dòng họ còn ghi lại câu chuyện thú vị: cụ Lễ Xuyên Nguyễn Thời Chung (1578 - 1647, thuộc đời thứ 11) là Quốc Tử Giám giám sinh, theo ngạch võ, làm quan đến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ, tước Văn Trạch nam, có con gái tên là Tiêu (1612), được hai bên gia đình se duyên với chàng trai họ Nguyễn Đại tôn là Nguyễn Văn Quảng (1613 - 1668) ở thôn Ngoại. Khi nhà trai sang xin cưới, anh Quảng đang chuẩn bị cho kỳ thi Hội. Cụ Lễ Xuyên nói với con rể tương lai và họ nhà trai rằng: “Đại đăng khoa rồi mới tiểu đăng khoa” tức là đi thi cho đỗ đã rồi về cưới vợ sau. Nghe lời, anh Nguyễn Văn Quảng yên tâm đi thi, vượt qua kỳ thi Hội và thi Đình đầy khắc nghiệt, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa (1640). Sau khi vinh quy bái tổ mới cưới vợ, quả là song hỷ. Về sau, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng làm quan đến Tế tửu Quốc Tử Giám.

anh-2.jpg
Đại diện dòng họ Nguyễn Đức trao phần thưởng khuyến học cho các cháu có thành tích tốt trong học tập.

Truyền thống khuyến học của dòng họ được phát huy trong thời hiện đại. Đầu thập niên 1990, khi làng nghề Sơn Đồng phát triển mạnh, một bộ phận học sinh học đuối, chán học, bỏ đi làm nghề. Một số phụ huynh vì kinh tế khó khăn cũng cho con nghỉ học sớm để kiếm tiền phụ giúp gia đình với quan niệm “học nhiều cũng đến thế, nghỉ học ở nhà kiếm tiền đỡ đần cha mẹ cũng tốt”, từ đó không quan tâm đến việc học của con em.

Trong bối cảnh ấy, nhiều bậc phụ huynh là các vị trí thức, các sĩ quan quân đội trong dòng họ lại nghĩ khác: dù là làng nghề thì cũng phải học, có học thì mới phát triển được. Từ ý tưởng của một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, khi đó là giám đốc một công ty tư nhân, sau khi trao đổi với các vị am hiểu trong dòng họ, ngày 9/6/1995 (tức 12 tháng Năm năm Ất Hợi) - đúng ngày giỗ cụ Hiến sát sứ Nguyễn Đăng Trù, hội đồng gia tộc họp và quyết định thành lập Quỹ khuyến học dòng họ và Ban điều hành Quỹ gồm 16 thành viên (trong đó có 5 thành viên nòng cốt) là các sĩ quan quân đội, giám đốc công ty và những người đang giữ chức trách trong các cơ quan nhà nước.

Quỹ được quyên góp ngay hôm đó, thu 8 triệu đồng (tương đương 1,6 cây vàng). Về sau, quỹ được bổ sung dần vào các dịp giỗ tổ của các chi, các dịp phát thưởng học sinh giỏi hay các dịp đột xuất khác, hoàn toàn do đóng góp tự nguyện, không bổ theo suất đinh trong chi họ; công khai sự đóng góp nhưng không tạo sự ganh đua, so bì. Từ 8 triệu đồng ban đầu, có thời điểm quỹ lên đến gần 200 triệu đồng (tương đương với 20 cây vàng). Đến năm 2020, để tiện cho việc quản lý, quỹ khuyến học được nhập vào quỹ của chung dòng họ.

Quy chế chi tiêu của quỹ (chủ yếu là khen thưởng) được soạn sau khi quỹ hình thành, gồm các mức khen cho học sinh giỏi của từng bậc học, học sinh giỏi các cấp (huyện, tỉnh, quốc gia), học sinh giỏi 12 năm liên tục, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi. Mỗi năm, vào đầu tháng 9, trước ngày khai giảng năm học, Ban khuyến học của dòng họ tổ chức phát thưởng. Trong 30 năm kể từ khi hình thành, quỹ khuyến học của dòng họ đã khen thưởng hơn 1.000 học sinh, sinh viên đạt thành tích tốt trong học tập với số tiền khoảng hơn 200 triệu đồng.

Ngoài khen thưởng học sinh giỏi, thời gian đầu, quỹ khuyến học cũng hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm khích lệ tinh thần vượt khó để học tập. Tuy nhiên, việc này không nhiều và không duy trì được lâu do không ai nhận mình ở vào hoàn cảnh đó. Người dòng họ vốn có tính tự trọng cao, dù có khó khăn thật sự cũng không nhận, ngược lại vẫn động viên con em học tập tốt như các gia đình khác.

Ban Khuyến học còn tổ chức cho các đoàn học sinh giỏi đi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở các địa phương nhằm tạo niềm hứng khởi, say mê học tập hơn, đồng thời khích lệ những em chưa đạt được thành tích cao trong học tập.

Dòng họ cũng xây dựng được một tủ sách với hàng trăm đầu sách, báo, tạp chí phục vụ con cháu học tập, tham khảo thêm kiến thức; mở lớp học chữ Hán, góp phần vào công việc làm nghề truyền thống (làm hoành phi, câu đối) của người trong họ và cả của người làng.

Nhờ sự hoạt động năng động của các thành viên, 30 năm qua, Ban Khuyến học dòng họ Nguyễn Sáu chi thôn Nội, làng Sơn Đồng đã góp phần quan trọng trong việc khích lệ động viên con cháu học tập tốt. Đã có hàng trăm em tốt nghiệp đại học, nhiều gia đình có hai con, ba con học đại học. Nhiều con cháu trong họ đã và đang giữ các vị trí trong xã hội; nhiều người là bác sĩ giỏi, giám đốc các công ty, chủ các doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước; một số lập cơ sở sản xuất ngay tại làng, góp phần làm cho danh tiếng của làng nghề Sơn Đông ngày càng vang xa.

Tháng 6 này, dòng họ Nguyễn Sáu chi thôn Nội, làng Sơn Đồng sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập Quỹ khuyến học - một chặng đường bền bỉ vun đắp truyền thống hiếu học trên nền tảng khoa bảng xưa. Người trong họ tự hào là dòng họ đầu tiên ở huyện Hoài Đức có phong trào khuyến học bài bản, đồng thời cũng là một trong những dòng họ đi đầu trong cả nước, góp phần tạo nền tảng thực tiễn cho sự lan tỏa của phong trào khuyến học trong cộng đồng./.

PGS.TS Bùi Xuân Đính