Sự kiện & Bình luận

Kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức khi vận hành tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Quỳnh Phạm 10:50 04/07/2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là từ ngày 1/7/2025 cả nước vận hành tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được thi hành.

Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, chính quyền địa phương chuyển từ 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) sang 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã) nên một số quy định hiện hành về xử lý kỷ luật liên quan đến cấp huyện, cấp xã không còn phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

canbocv.jpg
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức với nhiều điểm mới để kịp thời thể chế chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. (Ảnh minh họa/HQ).

Quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc trong xử lý kỷ luật một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ. Một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như nguyên tắc xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật…

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 172/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 thay thế Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, quy định 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (thay vì 4 trường hợp như quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP): (1) Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. (2) Cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.

(3) Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. (Trước đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định trường hợp “cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép” cũng thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật).

Đáng chú ý, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã có điểm mới mang tính nhân văn khi bổ sung các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật. Đó là các trường hợp loại trừ kỷ luật được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp vi phạm có một hoặc một số tình tiết sau thì được miễn kỷ luật: được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm; phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2025; được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi thi hành công vụ.

xu-ly-can-bo.jpg
Ảnh minh họa.

Trường hợp vi phạm nhưng đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có gây ra thiệt hại vì lý do khách quan; thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được cấp có thẩm quyền xác định đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung nhưng có thiệt hại xảy ra; có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời thì cũng được miễn kỷ luật.

Rõ ràng, so với Nghị định số 71/2023/NĐ-CP và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP thì Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung trường hợp để thể chế hóa Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Luật Cán bộ, công chức năm 2025 về cơ chế khuyến khích dám nghĩ, dám làm. Điều này hết sức cần thiết để cán bộ, công chức phát huy hết năng lực, tận tâm, tận lực, cống hiến để xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị định số 172/2025/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật:

1. Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định của Đảng liên quan đến hoạt động công vụ; các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp ở công sở, giao tiếp với Nhân dân; vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

a) Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác; b) Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức và Nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác; c) Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức và Nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Đồng thời, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ gồm:

Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; bãi nhiệm. Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.

Như vậy, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã quy định tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP. Việc thay đổi này để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức năm 2025 do Luật này không quy định 2 hình thức kỷ luật trên./.

Quỳnh Phạm