Chuyển động Hà Nội

Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”

Hoa Quỳnh 10:41 28/06/2025

Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Theo Tờ trình của UBND Thành phố Hà Nội tại kỳ họp 24 của HĐND Thành phố, cần thiết cần ban hành Nghị quyết trên. Theo đó, Thành phố Hà Nội thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội giữa cấp Thành phố và cấp huyện bắt từ năm 2006.

ky-hop-24.jpg
Toàn cảnh kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 27/6. (Ảnh: Viết Thành).

Trong 19 năm qua, HĐND Thành phố đã ban hành 3 Nghị quyết và UBND Thành phố ban hành 8 Quyết định về phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang thực hiện việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn đang thực hiện theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND thành phố Hà Nội, trong đó phân cấp cụ thể 16 lĩnh vực giữa cấp thành phố và cấp huyện.

Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ “Tập trung các nguồn lực để tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đàm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đồng thời, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh: “Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: (1) Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành”.

Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước yêu cầu: “UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành Quyết định và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong khi các Văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình xem xét, sửa đổi theo lộ trình sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Để thể chế hóa đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo định hướng mô hình cấp trung ương (Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ) tập trung và quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền chính quyền địa phương trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội để thay thế Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND thành phố Hà Nội, đảm bảo kịp thời phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau khi sửa đổi có hiệu lực là cần thiết. Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết quy định việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa chính quyền cấp Thành phố và chính quyền cấp xã.

HĐND Thành phố đã bãi bỏ Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội khi kỳ họp thứ 24 của HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết nêu trên.

Nghị quyết gồm 3 Chương, 22 Điều, trong đó Chương I. Quy định chung; Chương II. Nội dung phân cấp; Chương III. Tổ chức thực hiện. Về nguyên tắc phân cấp, Nghị quyết thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành, quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 ngày 16/6/2025 và Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Nghị quyết mới về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 27/6/2025.

nuoc-sach.jpg
Theo Nghị quyết mới quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 24, cấp xã thực hiện quản lý nước sạch trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Trong đó, khi không tổ chức cấp huyện từ ngày 1/7 thì Nghị quyết quy định cấp xã được phân cấp các nội dung như: quản lý chiếu sáng công cộng, công viên, vườn hoa, cây xanh; quản lý bến xe ô tô, bãi đỗ xe...; quản lý thủy lợi, rừng; quản lý chợ; quản lý cung cấp, tiêu thụ nước sạch...; hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng...

HĐND Thành phố giao UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện phân định thẩm quyền và giao nhiệm vụ quản lý trên địa bàn theo đúng các quy định của Luật chuyên ngành, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; có văn bản hướng dẫn chi tiết để đảm bảo việc quản lý các lĩnh vực kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, minh bạch và hiệu quả trên thực tế. Trong quá trình triển khai thực hiện, những nội dung nào liên quan đến thẩm quyền của HĐND Thành phố, đề nghị UBND Thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền để trình HĐND Thành phố xem xét theo thẩm quyền quy định.

UBND Thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao tính linh hoạt, chủ động trong điều hành, gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn theo tinh thần 6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả.

Ngoài ra, HĐND Thành phố giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND Thành phố, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên. HĐND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết./.

Hoa Quỳnh