Sự kiện & Bình luận

Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu trong ESG và đổi mới sáng tạo năm 2025

Đình Thế 07:03 28/06/2025

Chiều 27/6, tại Hà Nội, Báo Tài chính – Đầu tư (Bộ Tài chính) phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) tổ chức Lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu trong ESG và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2025 là năm thứ ba liên tiếp danh sách Top 50 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2025 (VIE50), Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2025 theo ngành (VIE10) và là năm đầu tiên Danh sách Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 (ESG100) và Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 theo ngành (ESG10) được công bố và vinh danh dựa trên kết quả nghiên cứu của Viet Research.

Các bảng xếp hạng này được xây dựng theo 15 ngành kinh tế chủ lực, bao gồm: bán lẻ; bảo hiểm; bất động sản; xây dựng; vật liệu xây dựng; ngân hàng; tài chính - chứng khoán; logistics; công nghệ - viễn thông - chuyển đổi số; du lịch - khách sạn - resort; dược - thiết bị y tế; nông nghiệp công nghệ cao; thực phẩm - đồ uống; năng lượng - dầu khí; chế biến - chế tạo.

Các doanh nghiệp được tôn vinh là những đơn vị tiêu biểu trong việc tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chiến lược phát triển, thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững, có trách nhiệm; đồng thời, không ngừng đổi mới sáng tạo toàn diện trong quản trị, vận hành, công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố vị thế và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của toàn đất nước.

ong-minh20250627161002.jpg
Ông Lê Trọng Minh - Phó Tổng biên tập Báo Tài chính - Đầu tư phát biểu tại lễ công bố.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trọng Minh - Phó Tổng biên tập Báo Tài chính - Đầu tư cho biết, trong bối cảnh toàn cầu chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển xanh, bền vững và bao trùm, ba trụ cột môi trường - xã hội và quản trị (ESG) trở thành chuẩn mực mới trong chiến lược phát triển của các quốc gia và mỗi doanh nghiệp trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm và thực thi sâu rộng, nhất là sau các cam kết quốc gia tại hội nghị COP26, COP27 với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ thông qua các chính sách thúc đẩy giảm phát thải, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng bền vững và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp theo hướng minh bạch, có trách nhiệm.

Cùng với đó, đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2023. Việt Nam đồng thời là 1 trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 và là 1 trong 3 quốc gia duy trì kết quả vượt trội so với mức độ phát triển trong suốt 14 năm liên tiếp.

"Những kết quả này không chỉ khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với mục tiêu phát triển bền vững, mà còn phản ánh nỗ lực không ngừng trong thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm thích ứng linh hoạt và hội nhập sâu rộng với các xu thế toàn cầu" - ông Minh nhấn mạnh.

dsc-300420250627173228.jpg
Top 50 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2025 (VIE50) và Top 10 theo ngành (VIE10).

Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, với áp lực từ thị trường quốc tế, việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã trở thành một yêu cầu tất yếu, sự chuyển đổi bắt buộc để tồn tại và hội nhập. Nếu không thay đổi sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu và mất đi lợi thế cạnh tranh.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp hiện vẫn tập trung nhiều vào việc làm ăn, hoạt động kinh doanh. Hội đồng quản trị dành tới 80% nỗ lực vào hai việc, đó là tuân thủ quy định và quản trị rủi ro, trong khi lại ít chú trọng đến chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, vượt lên trên các yêu cầu tuân thủ ESG, doanh nhân cần đóng vai trò là những người kiến tạo giá trị thực sự cho xã hội và cộng đồng.

Các ý kiến tại sự kiện cho rằng, trong cuộc đua không có vạch đích của nền kinh tế hiện đại, chỉ một khoảnh khắc chững lại cũng đủ khiến doanh nghiệp trở thành người tụt hậu. Đổi mới sáng tạo và ESG đã trở thành hai trụ cột chiến lược, giúp doanh nghiệp không chỉ linh hoạt ứng phó với biến động thị trường, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, mà còn tạo ra các giá trị lâu dài cho xã hội và nền kinh tế.

Xu hướng phát triển xanh, sự bùng nổ của công nghệ và áp lực cạnh tranh khốc liệt từ cả đối thủ lẫn lực lượng mới nổi đang làm biến đổi toàn diện môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp có năng lực đổi mới, tạo khác biệt và cam kết phát triển bền vững theo chuẩn mực ESG không chỉ đứng vững trước những biến động, mà còn có khả năng vươn lên dẫn dắt thị trường và kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn.

Đình Thế