Động lực để thi đấu tốt hơn

Âm nhạc - Giải trí - Ngày đăng : 11:11, 10/08/2020

Trước đây, nhiều giải đấu quốc gia vốn không hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh, thu hút ít khán giả một phần là do giải thưởng thấp, không quy tụ được vận động viên giỏi nhất hoặc thi đấu không hết mình. Hiện nay, tình hình đã được cải thiện, bởi những người trong cuộc đã tận dụng được nguồn lực trong xã hội để tăng giá trị giải thưởng - một động lực quan trọng cho các giải đấu thể thao ở nước ta.
Động lực để thi đấu tốt hơn

Trị giá giải thưởng của Giải vô địch Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân năm 2020 đã đạt cột mốc mới trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Ảnh: Duy Linh

Khích lệ tinh thần thi đấu

Thi đấu thể thao thành tích cao hay thể thao chuyên nghiệp đều mang tính đặc thù về công việc cũng như môi trường lao động, nhất là khi tuổi nghề bình quân mỗi vận động viên thể thao thi đấu đỉnh cao chỉ kéo dài khoảng 10-15 năm và kết thúc sự nghiệp khi mới trên dưới 30 tuổi. Thậm chí, có những môn đặc thù như thể dục dụng cụ, vận động viên thường giải nghệ khi mới 18-20 tuổi. Vì vậy, giá trị giải thưởng của một giải đấu đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ, động viên tinh thần thi đấu của các vận động viên.

Hiện tại, các giải bóng đá, golf, thể thao điện tử… đang có giải thưởng vào hàng “khủng” trong làng thể thao Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh của chính môn thi đấu đó. Đơn cử như mức thưởng của chức vô địch Giải vô địch Bóng đá quốc gia năm 2020 (V-League 2020) là 3 tỷ đồng, hay Giải Thể thao điện tử (eSports) - Đấu trường danh vọng 2020 là 2,5 tỷ đồng...

Trong khi đó, dù chưa thể so với các môn thể thao nêu trên, ở nhiều bộ môn khác cũng đang có những thay đổi tích cực trong việc kêu gọi tài trợ để tăng giá trị giải thưởng giải đấu.

Theo ông Trần Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tổ chức Giải vô địch Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân, những mùa giải trước, ngôi vô địch đơn nam và đơn nữ của giải có mức thưởng chỉ 7 triệu đồng. Đó là mức thưởng bị đánh giá là thấp so với nhiều giải bóng bàn phong trào và chưa xứng với tiềm năng, vị thế của giải. Để khuyến khích các vận động viên nỗ lực thi đấu, mùa giải năm 2020, mức thưởng đã tăng mạnh. Cụ thể, tay vợt vô địch đơn nam và đơn nữ nhận 30 triệu đồng, vô địch nội dung đồng đội nam và nữ nhận giải thưởng 50 triệu đồng.

"Nhờ giải thưởng được nâng lên, nên số lượng câu lạc bộ và các vận động viên dự giải năm nay tăng so với các lần tổ chức trước. Đặc biệt, các trận đấu có tính cạnh tranh cao hơn hẳn, đã thu hút lượng khán giả đông nhất so với các mùa giải trước, trong đó một số trận đấu có tới hơn 2.000 khán giả", ông Trần Hữu Việt bày tỏ.

Đối với môn quần vợt, mức thưởng cũng đã có sự thay đổi lớn. Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, năm 2020, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức Giải Quần vợt vô địch nam - nữ quốc gia và đã nâng mức thưởng từ 40 triệu đồng lên 70 triệu đồng cho giải vô địch đơn nam. Đây là bước tiến lớn trong hành trình phát triển của môn thể thao này ở Việt Nam.

Vận động viên Lý Hoàng Nam - người vừa vô địch đơn nam của giải đấu chia sẻ: “Giờ đây, các vận động viên theo đuổi môn quần vợt hoàn toàn có thể sống được bằng nghề, thông qua việc tranh giải thưởng ở các giải đấu của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Đây cũng là động lực cho vận động viên thi đấu tốt hơn”.

Không chỉ có bóng bàn, quần vợt, các môn điền kinh, xe đạp… cũng đang chuyển mình trong việc thu hút tài trợ, nâng giải thưởng, tăng sức hấp dẫn cho các giải đấu. 

Đẩy mạnh xã hội hóa thể thao

Việc tăng giá trị giải thưởng của các giải đấu sẽ không khả thi, nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Do đó, rất cần sự linh hoạt, năng động của các liên đoàn thể thao để thu hút thêm nhiều nhà tài trợ.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, để có được các giải đấu thành công, thu hút được các tay vợt mạnh, cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp. Còn theo ông Phan Anh Tuấn, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, mặc dù giải thưởng của Giải vô địch Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân năm 2020 đã đạt cột mốc mới trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, nhưng đây vẫn chưa phải là đích cuối. “Chúng tôi luôn mong muốn giải thưởng sẽ cao hơn nữa. Để làm được điều đó cần đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, tiếp tục kêu gọi thêm các nhà tài trợ cho giải đấu”, ông Phan Anh Tuấn cho biết.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Hoàng Quốc Vinh cho rằng, việc các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia thành công về mặt chuyên môn, thu hút đông khán giả nhờ có giải thưởng hấp dẫn sẽ là động lực cho các vận động viên chuyên tâm rèn luyện, nỗ lực thi đấu hơn.

Có thể thấy, nếu các liên đoàn, hiệp hội thể thao cũng như các đơn vị quản lý những bộ môn thể thao năng động hơn nữa trong việc kêu gọi tài trợ, hoàn toàn có thể tổ chức các giải đấu chất lượng tốt hơn, thu hút nhiều khán giả hơn cũng như khích lệ, tạo động lực thi đấu cao hơn cho các vận động viên.

Theo Hanoimoi