Hà Nội xưa - nay

Bách hóa Tổng hợp Hà Nội - Ký ức một thời

Lê Hà 08:29 27/05/2025

Mỗi lần có dịp qua phố Tràng Tiền, ngắm nhìn tòa nhà Tràng Tiền Plaza lộng lẫy, trong tôi lại tràn về những hoài niệm một thời xa xưa - khi nơi đây còn là Bách hóa Tổng hợp. Vẫn con phố ấy, góc quen ấy mà không gian giờ đã đổi thay.

Bách hóa Tổng hợp - thiên đường của trẻ con

Hà Nội của những năm tháng cũ luôn gợi nhắc trong tôi ký ức ngọt ngào. Những con phố rợp bóng cây xanh, tôi được ngồi trên chiếc xích lô cũ của chú, len lỏi qua từng con phố mà tưởng chừng như được ngồi trên chiếc xe sang trọng để ngắm phố phường. Lần đầu tiên được ăn kem Tràng Tiền, được đặt chân tới Bách hóa Tổng hợp, được ngắm nhìn một thế giới diệu kỳ, tất cả với tôi khi ấy như một giấc mơ.

ben-trong-bach-hoa-tong-hop-nam-1980.jpg
Không gian bên trong Bách hóa Tổng hợp.

Tôi nhớ, lần đầu tiên được đến Bách hóa Tổng hợp là một ngày hè tháng Sáu. Chú chở tôi trên chiếc xích lô cũ mà chú thường dùng để chở gạo. Từ ngõ Lương Sử B, chúng tôi len qua những con phố nhỏ quanh co, qua phố Nguyễn Thái Học rồi rẽ về Hàng Bông - nơi có những tiệm tạp hóa lâu đời, những cửa hàng vải vóc rực rỡ sắc màu. Tôi háo hức nhìn phố xá tấp nập, dòng xe nối đuôi nhau và tiếng rao của những gánh hàng rong. Có lẽ đó là những hình ảnh thân thuộc của Hà Nội một thời đã qua.

Chú vừa đạp xe, vừa kể cho tôi nghe về lịch sử và những điều nổi bật của từng con phố. Trong mắt tôi khi ấy, chú như một hướng dẫn viên du lịch, cái gì cũng biết. Chúng tôi đi qua bao con phố, tới gần khu Tràng Tiền, tôi háo hức đến mức không thể ngồi yên. Chiếc xích lô lọc cọc lăn bánh dọc con phố, và rồi trước mắt tôi hiện ra một tòa nhà bề thế với màu sơn vàng nhạt, dòng người tấp nập ra vào. Đó chính là Bách hóa Tổng hợp.

Tôi choáng ngợp trước căn nhà lớn ấy, căn nhà to nhất mà một đứa trẻ “quê mùa” như tôi từng thấy. Cánh cửa lớn mở ra và tôi như lạc vào một thế giới kỳ diệu. Bên trong, không gian rộng lớn, ánh đèn vàng tỏa ra ấm áp, những quầy hàng nối tiếp nhau, tủ kính sáng bóng, trưng bày đủ loại hàng hóa, trong đó có nhiều món đồ chơi trẻ con lạ lẫm lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt.

Bách hóa Tổng hợp Hà Nội ngày đó có 2 tầng. Tầng 1 bán quần áo, nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, thuốc men, thiết bị y tế… Tầng 2 bán thêm nhiều đồ nữa như tranh ảnh, hóa mỹ phẩm, nhiều hàng hóa với các thương hiệu của Đức, Trung Quốc và cả Việt Nam. Cầu thang dẫn lên tầng có tay vịn bằng đồng, hoa văn trang trí độc đáo, đẹp mắt.

Dòng người ra vào tấp nập, tiếng nói cười xôn xao. Có người đến để mua sắm, cũng có người như tôi vào chỉ để ngắm nhìn. Những quầy hàng khách xếp hàng mua nhiều nhất là khu vực bán săm, lốp xe đạp, áo may ô Đông Xuân, quần áo trẻ con, bát đĩa sứ… Còn nơi níu giữ chân tôi lâu nhất chính là khu bán đồ chơi trẻ em.

Tôi nhớ mình đã đứng ngẩn ngơ trước quầy đồ chơi rất lâu. Những con búp bê mắt xanh, tóc vàng óng ánh, những chiếc ô tô mô hình lấp lánh dưới ánh đèn, những con gấu bông mềm mại… Tôi chỉ dám đứng nhìn, không dám chạm tay. Tôi biết, có được một món đồ chơi như vậy là điều xa xỉ. Nhưng chỉ cần được ngắm nhìn thôi, lòng tôi đã tràn đầy hạnh phúc. Với tôi lúc đó, Bách hóa Tổng hợp chính là thiên đường của trẻ con.

Bách hóa Tổng hợp - nơi gắn liền với bao thế hệ người Hà Nội

Bách hóa Tổng hợp tọa lạc ngay tại số 24 Hai Bà Trưng, một vị trí đắc địa ở trung tâm Thủ đô. Đây từng là điểm đến sầm uất bậc nhất, không chỉ là nơi mua sắm mà còn là nơi chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội qua từng thời kỳ. Có người từng nói: “Chưa đến Bách hóa Tổng hợp là coi như chưa biết Hà Nội”.

Hà Nội ngày ấy, đời sống còn khó khăn, nhưng ai cũng háo hức mỗi khi có dịp được vào Bách hóa Tổng hợp. Người ta không chỉ đến để mua hàng mà còn để ngắm, để mơ. Những chiếc áo sơ mi Liên Xô, đôi dép cao su bền bỉ, hay những chiếc quạt con cóc kêu rè rè, những chiếc quạt tai voi ù ù chạy… Bố tôi bảo, ra Bách hóa Tổng hợp cái gì cũng có.

cua-hang-bach-hoa-tong-hop-ha-noi-trong-nhung-nam-1980.jpg

Trong ký ức của tôi, Bách hóa Tổng hợp Hà Nội không chỉ là nơi bán nhiều hàng hóa nhất mà còn là điểm hẹn mỗi dịp Hà Nội có sự kiện lớn. Tôi còn nhớ, vào mỗi dịp Quốc Khánh 2/9 lễ duyệt binh thường được tổ chức trang trọng, người dân Thủ đô và các vùng lân cận nô nức đổ về. Anh trai tôi kể anh và bạn bè thường từ đêm hôm trước, ngủ lại trên vỉa hè phía trước Bách hóa, chỉ để giữ chỗ đẹp xem lễ duyệt binh sáng hôm sau. Không chỉ các anh mà còn bao người khác cả đêm không ngủ. Khi ấy, đây là một trong những địa điểm có góc nhìn lý tưởng nhất để ngắm đoàn diễu hành trang nghiêm đi qua Quảng trường Ba Đình. Có lẽ nhiều người Hà Nội đều có ký ức này giống anh tôi.

Khi lớn lên, tôi tìm hiểu kỹ hơn về Bách hóa Tổng hợp thì được biết công trình này được xây từ đầu thế kỷ XX, lúc đó có tên Nhà hàng Godard, đặt theo tên của Sebastien Godard (1839 - 1940) - người chịu trách nhiệm quy hoạch lại Thành phố theo lệnh của Chính phủ Pháp đương thời. Tháng 9/1959, Godard được đập đi và người ta xây lên Bách hóa Tổng hợp. Bên cạnh Tháp Rùa, cầu Thê Húc, Bách hóa Tổng hợp từng là biểu tượng của Thủ đô lúc bấy giờ. Đến năm 1999, nơi đây đổi tên thành Trung tâm Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền. Do nhu cầu mua sắm ngày càng cao, quy mô của trung tâm cũng được mở rộng hàng hóa phong phú, hiện đại hơn.

Thời gian trôi qua, Hà Nội thay đổi từng ngày. Đến những năm 2000, khi kinh tế phát triển, Bách hóa Tổng hợp cũng bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Tòa nhà cũ kỹ một thời giờ đây khoác lên mình diện mạo hiện đại hơn với tên gọi mới: Tràng Tiền Plaza. Không còn những quầy hàng đơn sơ ngày nào, nơi đây trở thành một trung tâm thương mại sang trọng với nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Lần đầu trở lại Tràng Tiền Plaza sau nhiều năm, tôi mang một cảm giác lạ lẫm xen lẫn hoài niệm. Nơi từng là quầy hàng săm lốp xe đạp giờ trưng bày những bộ sưu tập thời trang cao cấp. Góc tôi từng mê mẩn ngắm những con búp bê, những chú gấu bông giờ là không gian của những quầy nước hoa hàng hiệu. Hà Nội đã đổi thay nhưng đâu đó, tôi vẫn cảm nhận được chút hơi thở của quá khứ, vẫn là vị trí ấy, con phố ấy, chỉ có không gian là đã khác. Hình ảnh về một Bách hóa Tổng hợp giản dị giờ chỉ còn trong ký ức như một mạch nối giữa quá khứ và hiện tại, gắn liền với bao thế hệ người Hà Nội.

Bây giờ, mỗi lần đi ngang qua Tràng Tiền Plaza, tôi lại nhớ về ngày xưa - những ngày theo chú, theo bố, theo mẹ ra Bách hóa Tổng hợp. Có khi chỉ mua vài cái bát, có lúc chỉ mua cái quạt và quà là que kem Tràng Tiền. Nhớ những buổi anh trai háo hức suốt đêm để giữ chỗ xem duyệt binh, nhớ những ước mơ tuổi thơ về con búp bê tóc vàng biết nói... Những ký ức ấy như một phần của Hà Nội xưa, một Hà Nội vừa lạ vừa quen, vừa đổi thay nhưng vẫn ẩn chứa đâu đó những mảnh ký ức dịu dàng của một thời đã qua./.

Lê Hà