Đại học Huế phối hợp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
UBND Thành phố Huế làm việc với Đại học Huế về việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia.

Ngày 22/5, UBND Thành phố Huế làm việc với Đại học Huế về các nội dung phối hợp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia, triển khai “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn Thành phố Huế”.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia không chỉ tạo động lực mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc đổi mới toàn diện, từ đào tạo, nghiên cứu đến chuyển đổi số. Theo đó, cần xây dựng chiến lược phát triển theo mô hình đại học thông minh gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nhân lực chất lượng cao với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thành ủy Huế đã ban hành Chương trình hành động 115-CTr/TU và UBND Thành phố Huế cụ thể hóa bằng các kế hoạch triển khai đồng bộ như Kế hoạch 208/KH-UBND, Kế hoạch 200/KH-UBND và nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ kỹ năng số cho người dân, trong đó nổi bật là phong trào “Bình dân học vụ số” thể hiện sự quyết tâm cao từ hệ thống chính trị thành phố trong việc đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển.
Tại buổi làm việc, đại diện các trường đại học thành viên của Đại học Huế đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến việc đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW đi vào thực tiễn và nêu ra những đề xuất về các cơ chế tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất hay các chính sách trọng dụng, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Thành phố Huế. Đại học Huế xác định các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai như đẩy mạnh nâng cấp các phòng thí nghiệm tại các trường có quy mô tầm quốc gia, tập trung nghiên cứu các đề tài có tính ứng dụng và thương mại hoá cao hướng đến mục tiêu đạt trên 65% các đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong các ngành kinh tế có hiệu quả và 25% thương mại hoá.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp như thành lập các “Đội sinh viên tình nguyện số” tại các trường đại học nhằm hướng dẫn sử dụng Hue-S, thực hiện dịch vụ công trực tuyến,… hay việc Đại học Huế phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh…
Đại học Huế hiện là một trong ba đại học vùng lớn gồm 8 trường đại học thành viên, hơn 40 đơn vị trực thuộc với gần 60.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên. Hơn 100 chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học và hàng chục viện, trung tâm nghiên cứu, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ thông tin, kỹ thuật, sinh học, trí tuệ nhân tạo. Hiện nay đang chuyển dịch mạnh sang mô hình đại học định hướng nghiên cứu - đổi mới sáng tạo với mục tiêu tăng cường chuyển giao tri thức, phát triển doanh nghiệp khởi nguồn và kết nối sâu hơn với chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng. Đại học Huế sẵn sàng đồng hành cùng Thành phố Huế, không chỉ trong đào tạo nguồn nhân lực mà cả trong việc giải quyết các bài toán phát triển đô thị đặc thù, đô thị di sản và đô thị xanh.

Tại buổi làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ TP Huế trình bày các nội dung hợp tác khả thi với Đại học Huế từ nâng cấp hạ tầng nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên - giảng viên, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong doanh nghiệp địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Huế nhấn mạnh việc cụ thể hoá các nội dung công việc để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trên cơ sở tiếp thu các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, từ đó xây dựng các danh mục, kế hoạch cụ thể trong triển khai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Huế đề nghị các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tương tác thường xuyên, nhất là trong những phân khúc nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm quá trình triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa sự phát triển của Thành phố Huế với sự phát triển của Đại học Huế, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai hiệu quả, đồng thời cần bám sát thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tổ chức các tham vấn chính sách phù hợp gắn với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Thành phố Huế sẽ chú trọng xây dựng và phát huy cơ sở dữ liệu về khoa học - công nghệ, có cơ chế chính sách huy động nguồn lực nghiên cứu khoa học gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Huế lưu ý việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, đồng thời kêu gọi đầu tư, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là vi mạch điện tử, bán dẫn - những ngành chiến lược gắn với xu hướng phát triển hiện nay.