Chính sách & Quản lý

Đẩy mạnh phân cấp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Trung Kiên 19:50 19/05/2025

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; thông tấn; xuất bản, in, phát hành, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp”.

Theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của kinh tế xã hội đã thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 đã tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước, trong đó có quản lý các lĩnh vực văn hóa xã hội được thuận tiện, dễ dàng. Vì thế, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp cũng cần có nhiều cải cách, đổi mới quan trọng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với đất nước và của từng địa phương.

quang-phu-cau.jpg
Du khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch làng nghề tăm hương xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội).

Triển khai chủ trương lớn của Đảng, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là phù hợp, tạo điều kiện xây dựng bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Phân cấp, phân quyền là xu hướng tất yếu trong quản trị nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là một chủ trương xuyên suốt của Đảng, được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và các hoạt động của các cấp chính quyền, không gây cản trở cho việc thực hiện thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp, khơi thông ách tắc trong công việc, tăng hiệu quả điều hành, quản lý, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; báo chí; phát thanh và truyền hình; thông tấn; xuất bản, in, phát hành, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Sau khi Dự thảo được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch hoàn thiện, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định.

Trong đó, Nghị định quy định Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch: Sửa đổi, bổ sung 2 điều. Đáng chú ý là việc bổ sung Điều 12a “Biện pháp thi hành khoản 2 và 3 Điều 27 Luật Du lịch về trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch cấp tỉnh” trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 27 Luật Du lịch và quy định: Đối với việc nộp, gửi hồ sơ: “Ủy ban Nhân dân cấp xã hoặc tổ chức quản lý khu du lịch nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có khu du lịch. Đối với khu du lịch nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh gửi Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định, quyết định công nhận khu du lịch cấp tỉnh”.

Nghị định quy định “Điều 2: Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện: Sửa đổi, bổ sung 2 điều (Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”, bổ sung Điều 11a và sửa đổi, bổ sung Điều 13). Bổ sung Điều 11a vào trước Điều 11 như sau: “Điều 11a. Biện pháp thi hành Điều 11 Luật Thư viện về thư viện công cộng: (1) Thư viện công cộng gồm thư viện công cộng cấp tỉnh và thư viện công cộng cấp xã. (2) Thư viện cấp tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật Thư viện các điểm a, b, c. d, e, g, h, i khoản 2 Điều 11 Luật Thư viện năm 2020 và tham gia xây dựng thư viện công cộng cấp xã.

(3) Thư viện công cộng cấp xã thực hiện nhiệm vụ Tổ chức hoạt động phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân trên địa bàn; và chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật Thư viện, các điểm b, c, d khoản 4 Điều 11 Luật Thư viện, tiếp nhận tài nguyên thông tin, tiện ích thư viện từ thư viện cấp tỉnh, thư viện cấp huyện và các nguồn hợp pháp khác, Tổ chức hoạt động phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân trên địa bàn”.

Bổ sung Điều 23a vào trước Điều 23 như sau: “Điều 23a. Biện pháp thi hành khoản 5 Điều 23 Luật Thư viện về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện: a) Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ thông báo theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 23 Luật Thư viện; b) Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 23 Luật Thư viện; c) Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ thông báo theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 23 Luật Thư viện”.

Theo Dự thảo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Nghị định nêu trên của Chính phủ cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, như sau: “Lễ hội phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp xã trước khi tổ chức gồm: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp xã được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 2 năm trở lên. Lễ hội truyền thống cấp xã được tổ chức hàng năm nhưng có thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung, địa điểm so với truyền thống”.

co-16.jpg
Thi đấu cờ người trong Lễ hội làng Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội).

Thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP. Cụ thể là thay thế từ “huyện” tại điểm b khoản 2 Điều 9 bằng từ “xã”. Thay thế cụm từ “cấp huyện” tại tên Điều 13 và các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 13; tên Điều 17 và khoản 1 Điều 17; bằng cụm từ “cấp xã”. Bỏ cụm từ “cấp huyện” tại khoản 2 Điều 14; khoản 2 Điều 20. Bỏ từ “hoặc” tại khoản 2 Điều 20…

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho rằng, hiện nay có 2 Luật (Du lịch, Thư viện) chưa thực hiện sửa đổi bổ sung. Việc thực hiện các Luật này theo nguyên tắc chung về tổ chức chính quyền 2 cấp và Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch đề xuất sửa đổi một số nội dung liên quan tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, và Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện để việc thực hiện được thông suốt, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện, tránh gây ách tắc thủ tục hành chính./.

Dự thảo Nghị định “Sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; báo chí, phát thanh và truyền hình; thông tấn; xuất bản, in, phát hành, thông tin điện tử, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp” gồm 8 Điều. Cụ thể:

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Điều 2: Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện. Điều 3: Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 9 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Điều 4: Sửa đổi điểm a, b, c, d khoản 4 Điều 34 của Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 1/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Điều 5: Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 và 3 Điều 8 của Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Điều 6: Thay thế, bãi bỏ, bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của 15 văn bản. Điều 7: Trách nhiệm tổ chức thực hiện. Điều 8: Hiệu lực thi hành.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lấy ý kiến nhân dân cho Nghị định này đến hết ngày 24/6/2025.

Trung Kiên