Sự kiện & Bình luận

Tiếp tục phát triển những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam (Bài cuối)

Hoa Quỳnh 06:54 18/05/2025

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện trung thành và tiếp nối sự nghiệp vĩ đại của Người; phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước cách mạng, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vững bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Hiện thực hóa mục tiêu trên cũng chính là sớm đạt được ước nguyện cao cả, thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

bacho2345.jpg
Bác Hồ thăm lớp học của công nhân nhà máy ô tô 1 tháng 5 - lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội năm 1963. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân: "Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân”.

Thực hiện ý nguyện của Người, những thành quả của gần 80 năm thành lập nước và 40 năm đổi mới đã mang lại cuộc sống đầy đủ ấm no cho các tầng lớp nhân dân. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm. Thời gian gần đây nhiều chính sách quan tâm đến đời sống nhân dân như về miễn giảm học phí, chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà xã hội... đang được triển khai mạnh mẽ.

Thực hiện di huấn của Người “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được từng bước nâng cao. Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, thực hiện ước nguyện của Người về một quốc gia giàu mạnh, “sánh vai các cường quốc năm châu”, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội, đó là các mục tiêu đã được xác định trong Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, tăng trưởng liên tục đạt 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế.

anh-3-.jpg
Tại Thủ đô Hà Nội, mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt người dân trong nước và quốc tế vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... để thúc đẩy thương mại công bằng, hài hòa, bền vững với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU và các đối tác lớn của Việt Nam. Chủ động dự báo và có phương án ứng phó với các yếu tố đột xuất, bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang hoặc một số điều kiện quốc tế khác về tài chính, kinh tế, thương mại...

Phát triển, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong bối cảnh hợp tác quốc tế sâu rộng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền quốc phòng toàn dân là xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu”, được tổ chức bằng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); là xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa toàn dân, toàn diện và tiến hành chiến tranh nhân dân...; được hình thành trên cơ sở tiếp thu nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng.

tbttolam34.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 8 - 11/5/2025. Trong ảnh, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, thủ đô Moskva ngày 10/5/2025 (giờ địa phương). Ảnh: TTXVN.

Đồng thời là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống toàn dân đánh giặc “trăm họ là binh” của dân tộc ta. Tư tưởng của Người đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo đề ra những giải pháp chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn cách mạng và tiếp tục phát huy trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống những nguyên lý, quan điểm về các vấn đề thời đại, đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược, chính sách ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại. Các nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “Tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng bằng nhiều hình thức ngoại giao nhà nước đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền và nhân dân các địa phương sống chung cùng đường biên giới, giải quyết xung đột bằng đàm phán thương lượng”; nước ta là một bộ phận của thế giới.

Tình hình của nước ta có ảnh hưởng đến thế giới, mà tình hình thế giới cũng có quan hệ đến nước ta... trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã soi sáng chính sách đối ngoại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 95 năm qua; góp phần tích cực vào việc mở ra các mối quan hệ hòa bình, hữu hảo giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; qua đó Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đã tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ đồ, tiềm lực và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

duyet-binh-nga.jpg
Khối của Quân đội nhân dân Việt Nam bước qua Lễ đài trong lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Đỏ, Liên bang Nga, ngày 9/5/2025. (Ảnh: RIA Novosti).

Ngày nay, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới; một trang sử mới. Nắm vững, phát huy những tư tưởng của Người, chúng ta thực hành nghệ thuật ngoại giao thời đại mới trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam yêu hòa bình, đạo lý “lấy chí nhân thay cường bạo”, luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; tăng cường đóng góp thiết thực của Việt Nam trong duy trì hòa bình khu vực và trên thế giới./.

Hoa Quỳnh