Văn học - Nghệ thuật

Tôn vinh thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật thư họa

Thụy Phương 16:53 17/05/2025

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17/5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu”. Thông qua hình thức nghệ thuật thư họa – sự kết hợp tinh tế giữa thư pháp truyền thống và hội họa hiện đại, triển lãm đã góp phần tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gần 40 tác phẩm thư họa được trưng bày tại triển lãm là kết quả sáng tạo của các nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Thư họa Ngôi trường Cuộc sống Sắc màu Tự nhiên, với sự đồng hành của Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông cùng làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (Hải Dương). Với tinh thần kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, triển lãm mang đến không gian nghệ thuật sâu lắng, thiêng liêng và đầy cảm xúc. Qua những nét bút thư pháp uyển chuyển, hòa quyện cùng sắc màu hài hòa của thư họa, các tác phẩm không chỉ thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ mà còn truyền tải những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đến với công chúng.

z6610191876724_fb9376496420c39a1d8fd7beec27779d(1).jpg
Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm.

Các bài thơ, câu thơ được thể hiện trong mỗi tác phẩm phản ánh rõ nét tâm hồn, tư tưởng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người yêu thiên nhiên, yêu con người, mang trong mình tinh thần lạc quan cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn. Những vần thơ mộc mạc, dung dị nhưng hàm chứa triết lý sống sâu sắc, giàu tính giáo dục và có giá trị trường tồn.

z6610186401894_ca6d6f67a71ad6373a0dfd68e8f8e71d.jpg
Công chúng thưởng lãm tác phẩm thư họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Song song với hoạt động trưng bày, triển lãm còn mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo cho công chúng. Ngay trong lễ khai mạc, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt đã trình diễn san khắc bài thơ “Nhật ký trong tù” – tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công chúng còn được trải nghiệm trực tiếp kỹ thuật in mộc bản truyền thống từ làng nghề Thanh Liễu – một di sản văn hóa quý báu của đất Hải Dương.

z6610195470698_d8406a06e92437a5da438e630b6ee0fc.jpg
Công chúng trải nghiệm kỹ thuật in mộc bản truyền thống từ làng nghề Thanh Liễu.

Một điểm nhấn khác của triển lãm là phần trình diễn thư pháp của các thành viên đến từ CLB Thư họa Ngôi trường Cuộc sống Sắc màu Tự nhiên. Đến với triển lãm, công chúng có cơ hội giao lưu, học viết thư pháp dưới sự hướng dẫn của các nhà thư pháp và để lại cảm xúc của mình qua tác phẩm thư họa chung do Ban tổ chức chuẩn bị.

z6610200831996_481d0f3f217e788415d212735078d08d.jpg
Phần trình diễn thư pháp tại triển lãm mang đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị.

Không chỉ là một sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm còn mang giá trị nhân văn sâu sắc. 30% giá trị từ mỗi tác phẩm được bán ra sẽ được trích để đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, thể hiện tinh thần sẻ chia và trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ và Ban tổ chức.

z6610009960358_f6d6cde24787aa2d71a4b3dc5d0d786b.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội gửi lời cảm ơn tới các nghệ sĩ, nghệ nhân đã mang đến những tác phẩm đậm tính nghệ thuật thể hiện tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ông nhấn mạnh, với vai trò là đơn vị tổ chức, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ và đồng hành cùng các làng nghề truyền thống, nghệ nhân cũng như các nhóm cộng đồng sáng tạo để phát huy giá trị văn hóa địa phương. Qua đó, góp phần đưa Hà Nội trở thành điểm sáng về thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, gắn với di sản và phát triển bền vững./.

Thụy Phương