Chưa tìm ra nguồn lây, người dân tránh tâm lý chủ quan
Tin tức - Ngày đăng : 14:37, 14/08/2020
Đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm bệnh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc Covid-19 từ ngày 25-7 đến sáng 14-8 là 30 ca, trong đó có 8 ca mắc mới trong cộng đồng, 22 ca từ nước ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Điều đáng nói, trong số 8 ca mắc trong cộng đồng có những ca chưa xác định được nguồn lây.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân 867 (nam, 63 tuổi, ở thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng đau tức ngực từ ngày 27-7, sau đó đi khám ở phòng khám tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tiếp đến, bệnh nhân đã đến 2 bệnh viện lớn tại Hà Nội và ngày 11-8, bệnh nhân có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Như vậy, từ lúc khởi phát triệu chứng cho đến khi có kết quả dương tính là 16 ngày. Khoảng thời gian này, bệnh nhân đã tiếp xúc với nhiều người. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lịch trình đi lại, khám chữa bệnh của bệnh nhân 867 rất phức tạp nên khó xác định được thời gian và nguồn lây nhiễm.
Ngay sáng 14-8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã công bố thêm 3 ca mắc mới Covid-19 tại Hải Dương đều liên quan đến bệnh nhân 867. Sở Y tế tỉnh Hải Dương và CDC Hà Nội đang tăng tốc rà soát các trường hợp liên quan để khoanh vùng, điều tra, xác định nguồn lây ở ca bệnh này.
Qua tham khảo các tài liệu đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đưa ra nhận định, trường hợp bệnh nhân 867 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, trong tình hình dịch hiện nay, Đà Nẵng không còn là nguồn phơi nhiễm duy nhất.
"Với ca bệnh 867 ở thời điểm này, tôi cho rằng việc truy tìm F0 sẽ không phải là quan trọng nhất, mà điều quan trọng hàng đầu phải là xác định được bệnh nhân 867 là ca bệnh thuộc Hà Nội hay Hải Dương. Bởi vì Hà Nội là đô thị có mật độ dân cư đông đúc. Nếu bệnh nhân 867 thuộc Hà Nội, nghĩa là dịch đang lây nhiễm cộng đồng", bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh.
Trước bối cảnh đã có những ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, những nơi tập trung đông người dễ gây bùng phát dịch vì không biết ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng.
Vì vậy, để phòng dịch, cách tốt nhất là người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc nơi đông người, trong cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng dịch Covid-19, như: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách đứng cách nhau 2 mét, không tập trung đông người nơi công cộng... Nếu làm đúng như khuyến cáo sẽ không có nguy cơ bị nhiễm.
Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
Trong 438 ca lây nhiễm trong nước từ ngày 25-7 cho đến sáng 14-8 có nhiều ca được phát hiện mắc Covid-19 dù không hề có biểu hiện triệu chứng, như: Ho, sốt, khó thở, đau mỏi... Theo nhận định của Bộ Y tế, con số này lên đến 40%.
Trước thực tế trên, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị mọi người dân phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng, tăng cường việc sát khuẩn tay bằng nước sát khuẩn và rửa tay bằng xà phòng. Mặt khác, đẩy mạnh làm việc, học tập và họp trực tuyến để hạn chế tập trung đông người.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch Covid-19 để người dân không hoang mang nhưng cũng không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác với dịch, đồng thời thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Y tế.
"Người dân nên hạn chế đi đến các tỉnh, thành phố đang xuất hiện ca mắc ngoài cộng đồng, trừ những trường hợp thật cần thiết nhưng phải bảo đảm đẩy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Khi tiếp xúc với người bệnh, đi, đến những khu vực có bệnh nhân, những nơi có ổ dịch, người dân phải tự giác khai báo y tế, tuân thủ việc cách ly y tế theo hướng dẫn nhằm hạn chế lây lan dịch", TS Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo.
Điều đáng lưu ý, trong số các ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội đều liên quan đến bệnh viện, thậm chí có những trường hợp đi đến 4 bệnh viện mới được phát hiện.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc hơn quy trình phòng, chống dịch Covid-19. Các bệnh viện phải quán triệt quan điểm: Phân luồng, cách ly bệnh nhân một cách hiệu quả, không để khu vực này tiến sâu trong bệnh viện để phòng ngừa lây nhiễm.
Riêng một số bệnh viện điều trị bệnh nhân có bệnh nền, có khoa cấp cứu, khoa hồi sức phải quan tâm đến vấn đề sàng lọc người bệnh, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm. Bởi, tại những nơi này, nếu chỉ để lọt một bệnh nhân là nguy cơ rất cao...
Thời điểm hiện nay khi công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới nhiều khó khăn, phức tạp. Bản thân mỗi người cần nhận thức đúng, đủ về dịch, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không mất bình tĩnh, tin tưởng vào các giải pháp từ phía cơ quan chức năng, tuyệt đối tuân thủ các quy định trong công tác phòng, chống dịch của Chính phủ, của địa phương. Làm được như vậy, chúng ta sẽ chiến thắng dịch.